Cần có giải pháp đột phá, thực chất hơn

(BVPL) - Ban hành Nghị quyết về xử lý nợ xấu là nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 24/2016/QH14 của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020. Hiện nay, hiệu quả của việc xử lý nợ xấu chưa cao, yêu cầu xử lý nhanh tình hình nợ xấu là cần thiết. Do đó, Ủy ban Kinh tế cho rằng cần có giải pháp đột phá, thực chất hơn để xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD). Việc ban hành Nghị quyết này sẽ tạo cơ sở pháp lý tăng cường hiệu quả của công tác xử lý nợ xấu, tạo nền tảng cho sự phát triển an toàn, hiệu quả của hệ thống các TCTD, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho các doanh nghiệp với lãi suất thấp hơn, góp phần phát triển kinh tế bền vững.

Có ý kiến đề nghị phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết chỉ xử lý nợ xấu của các TCTD được kiểm soát đặc biệt. Tuy nhiên, đa số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế nhất trí với việc phạm vi điều chỉnh xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu của hệ thống các TCTD bao gồm cả nợ xấu hạch toán nội bảng và nợ xấu hạch toán ngoại bảng của các TCTD (bao gồm cả khoản nợ xấu được TCTD bán cho tổ chức mua bán, xử lý nợ). Không nên chỉ áp dụng Nghị quyết đối với nợ xấu của các TCTD được kiểm soát đặc biệt vì theo báo cáo của Chính phủ, các khoản nợ xấu này hiện chỉ chiếm 30% tổng nợ xấu, sẽ khó thực hiện mục tiêu xử lý triệt để nợ xấu đã được định hướng trong Nghị quyết của Đảng và Quốc hội.

Chính phủ đề nghị cho phép phạm vi Nghị quyết xử lý các khoản nợ xấu phát sinh đến hết thời hạn của Nghị quyết (dự kiến là 05 năm tính từ ngày 01/7/2017). Ý kiến chung trong Ủy ban Kinh tế cho rằng, cần giới hạn phạm vi các khoản nợ xấu và đề nghị thời điểm xác định các khoản nợ xấu được xử lý trong phạm vi của Nghị quyết là đến ngày 31/12/2016.

Một số ý kiến cho rằng, phạm vi điều chỉnh bao gồm khoản nợ xấu của chi nhánh ngân hàng nước ngoài là phù hợp, nhằm góp phần xử lý nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng (gồm cả các TCTD và chi nhánh ngân hàng nước ngoài), bảo đảm an toàn hệ thống, an ninh tài chính-tiền tệ, tuy nhiên đề nghị điều chỉnh tên thành Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài để phù hợp phạm vi điều chỉnh.

Về hồ sơ và trình tự, thủ tục, Ủy ban Kinh tế cho rằng, hồ sơ của dự thảo Nghị quyết cơ bản đáp ứng quy định tại Điều 64 của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Nhiều nội dung trong báo cáo thẩm tra sơ bộ đã được tiếp thu, thể hiện trong hồ sơ trình Quốc hội. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ tiếp tục đánh giá, dự báo tác động đối với các quan hệ xã hội và cần cam kết đưa nợ xấu về ngưỡng an toàn.

Việc xử lý nợ xấu hiệu quả tạo nền tảng cho sự phát triển an toàn của hệ thống các TCTD.

Tán thành với việc cần thiết phải quy định nguyên tắc xử lý nợ xấu trong Nghị quyết, tuy nhiên nhiều ý kiến đề nghị thiết kế lại các nguyên tắc thành các khoản trong Điều 4, bổ sung nguyên tắc việc xử lý nợ xấu không sử dụng trực tiếp từ nguồn ngân sách nhà nước. Một số ý kiến đề nghị cân nhắc bổ sung quy định về việc bố trí ngân sách nhà nước hàng năm để xử lý các khoản nợ xấu do các chương trình của Chính phủ cho các đối tượng chính sách vay và Nhà nước có trách nhiệm với các khoản nợ xấu của các doanh nghiệp do Nhà nước sở hữu 100% hoặc chiếm cổ phần chi phối.

Ủy ban Kinh tế cho rằng, nguyên tắc này là phù hợp vì hiện nay trong dự toán ngân sách hàng năm có bố trí vốn chưa phân bổ cho chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu và phát huy vai trò của người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong mục tiêu chung là xử lý nợ xấu. Mặt khác, đồng thời với quá trình xử lý nợ xấu, Chính phủ cần tiếp tục làm rõ và xử lý nghiêm minh trách nhiệm của những cá nhân, tổ chức gây ra thực trạng nợ xấu tại từng TCTD.

Về bán nợ xấu và tài sản bảo đảm theo giá trị thị trường (Điều 5) và mua bán nợ xấu của tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu (Điều 6), Ủy ban Kinh tế nhất trí với quy định tại Điều 5 và Điều 6. Việc cho phép bán nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu theo giá thị trường và cho phép tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được bán nợ xấu cho cả các pháp nhân, cá nhân không có chức năng kinh doanh, mua bán nợ là phù hợp với yêu cầu khách quan và thực tế quy định của các nước cũng như quy định của Luật Đấu giá tài sản. Điều này sẽ góp phần thúc đẩy việc bán nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu.

Tuy nhiên, một số ý kiến băn khoăn về quy định “kể cả bán với giá thấp hơn giá trị ghi sổ của khoản nợ” tại Điều 5 vì đã có nguyên tắc bán theo giá thị trường đối với việc bán nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu và quy định như trên có thể bị lợi dụng để trục lợi trong quá trình thực hiện. Về vấn đề này, Ủy ban Kinh tế cho rằng, một trong những vướng mắc hiện nay là tâm lý e ngại của các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và các cá nhân không dám thực hiện bán khoản nợ, tài sản bảo đảm theo giá trị thị trường, do có thể bị xem xét trách nhiệm khi giá bán thấp hơn giá trị sổ sách. Do đó, để bảo đảm việc này được công khai, minh bạch, theo nguyên tắc thị trường và đúng pháp luật, Ủy ban Kinh tế đề nghị cho phép TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được quyền bán nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu theo quy định của pháp luật; giá bán phù hợp theo giá trị thị trường, có thể cao hơn hoặc thấp hơn giá trị ghi sổ của khoản nợ.

Đối với quyền thu giữ tài sản bảo đảm của TCTD (Điều 7) và áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản bảo đảm (Điều 8), đa số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế cho rằng, để bảo vệ quyền lợi chính đáng của bên nhận bảo đảm (TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài), cần phân loại thành các trường hợp khác nhau để quy định, không quy định việc TCTD trực tiếp thực hiện tự thu giữ như loại ý kiến thứ 2 mà quy định theo hướng như sau:

Trường hợp bên bảo đảm, bên giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu có thỏa thuận đồng ý cho TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu có quyền xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu thì các bên thực hiện quyền xử lý tài sản bảo đảm theo nội dung hợp đồng đã thỏa thuận (tiến hành giao nhận tài sản bảo đảm, bán tài sản bảo đảm cho một bên khác...). Đồng thời, bổ sung quy định về cơ chế thỏa thuận giải quyết tranh chấp ngoài tòa theo kinh nghiệm của các nước như đã đề cập trong Tờ trình và việc công khai, minh bạch thông tin về việc xử lý tài sản bảo đảm theo thỏa thuận giữa các bên; bổ sung cơ chế để giám sát việc xử lý tài sản bảo đảm theo thỏa thuận giữa các bên để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân theo quy định của Hiến pháp.

Trường hợp không đạt được thỏa thuận giữa các bên về xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu thì TCTD có quyền yêu cầu tòa án áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp về nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm hoặc về quyền xử lý tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu (theo báo cáo, việc áp dụng có thể rút ngắn trình tự thông thường từ 3-7 tháng, quy định này không áp dụng thủ tục rút gọn đối với giải quyết tranh chấp về tài sản bảo đảm nói chung).

Minh Đức

Nguồn BVPL: http://baobaovephapluat.vn/kinh-te-do-thi/tai-chinh-ngan-hang/201705/du-thao-nghi-quyet-ve-xu-ly-no-xau-cua-cac-to-chuc-tin-dung-can-co-giai-phap-dot-pha-thuc-chat-hon-2554747/