Cần có cơ chế đột phá trong xử lý nợ xấu

Đã đến lúc phải có cơ chế đột phá để xử lý nợ xấu một cách có hiệu quả vì 3 năm qua, nợ xấu mới được dẹp sang một bên. Cần có đạo luật riêng để xử lý nợ xấu vì hiện nay những vướng mắc liên quan đến quá nhiều luật. Đồng thời, cần hình thành thị trường mua bán nợ, có cơ chế tài chính từ ngân sách để xử lý nợ xấu.

Đó là những nội dung chủ yếu được đưa ra tại Hội thảo Xử lý nợ xấu - Những vấn đề đặt ra, tổ chức tối 26/10 tại Hà Nội.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Kim Anh cho biết tính đến thời điểm 31/8/2016, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) đã xử lý được 548,5 nghìn tỷ đồng nợ xấu, trong đó chủ yếu là do các TCTD tự xử lý (chiếm 57,2%), còn lại là bán nợ (bao gồm bán cho VAMC và tổ chức, cá nhân khác) chiếm 42,8%.

Qua thực tiễn hoạt động, việc xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD nói chung và VAMC nói riêng gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch HĐTV Công ty VAMC cho biết, lũy kế từ năm 2013 đến nay, VAMC đã phối hợp với các TCTD thu hồi nợ được 37.190 tỷ đồng. Tuy nhiên, có nhiều vướng mắc trong quá trình xử lý nợ xấu như khó khăn trong xử lý tài sản bảo đảm; trong đó việc thu giữ, định giá, phát mại tài sản; chuyển nhượng; khó khăn khi nhận bảo đảm bằng quyền sử dụng đất; khó khăn về thủ tục tố tụng thi hành án, đặc biệt trong trường hợp khách hàng cố tình không hợp tác; khó khăn về cơ sở pháp lý vận hành thị trường mua bán nợ…

Các vướng mắc này chủ yếu là do khung pháp lý chưa đầy đủ, chặt chẽ, chưa có quy định hợp lý. TS. Cấn Văn Lực cho rằng đã đến lúc phải có cơ chế đột phá để xử lý nợ xấu một cách có hiệu quả vì 3 năm qua, nợ xấu mới được dẹp sang một bên khi bán cho VAMC.

"Cần có đạo luật riêng để xử lý nợ xấu vì hiện nay liên quan đến quá nhiều luật (Luật Đất đai, Luật Dân sự, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đầu tư…) và nếu chờ sửa từng luật thì mất rất nhiều thời gian”, ông Lực đề xuất.

PGS. TS. Đặng Ngọc Đức, Viện trưởng Viện Ngân hàng - Tài chính (Đại học Kinh tế quốc dân), cho rằng cơ sở lý luận và kinh nghiệm thế giới cho thấy nợ xấu thường được xử lý bằng 2 phương thức là xử lý trực tiếp giữa các TCTD với khách hàng vay vốn và xử lý qua thị trường, thông qua mua bán nợ, chứng khoán hóa.

TS. Đặng Ngọc Đức khuyến nghị lựa chọn phương thức xử lý nợ xấu là chứng khoán hóa thành trái phiếu Chính phủ để đưa vào giao dịch trên thị trường chứng khoán và sử dụng phiếu nợ chuyển đổi của các doanh nghiệp nợ xấu là tài sản đối ứng cho lượng trái phiếu Chính phủ đã phát hành. Phương thức xử lý nợ xấu này là sự hợp tác của cả 3 chủ thể Nhà nước, doanh nghiệp và các ngân hàng thương mại, đồng thời là sự kết hợp của cả phương thức xử lý trực tiếp và gián tiếp qua thị trường, bảo đảm trách nhiệm đầy đủ của Nhà nước, các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp.

Các chuyên gia, lãnh đạo ngân hàng cũng cho rằng, cần tăng cường năng lực và nâng cao hiệu quả xử lý nợ xấu của VAMC thông qua tăng vốn điều lệ và huy động các nguồn vốn khác để triển khai mua bán nợ xấu theo giá trị thị trường và xử lý các khoản nợ xấu đã mua bằng trái phiếu đặc biệt.

Cần nâng cao năng lực xử lý nợ xấu của VAMC với những cơ chế đặc biệt ; thiết lập và đẩy mạnh cơ chế phối hợp liên ngành để chỉ đạo, phối hợp trực tiếp với VAMC và các TCTD trong quá trình xử lý nợ xấu; tháo gỡ và đẩy nhanh quy trình thực hiện thủ tục, hồ sơ pháp lý khi xử lý tài sản bảo đảm, thi hành án, từ đó phát triển thị trường mua bán nợ, trong đó cho phép bán nợ cho nhà đầu tư nước ngoài.

Huy Thắng

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/tai-chinh/can-co-co-che-dot-pha-trong-xu-ly-no-xau/290025.vgp