Cần có chế tài xử lý vi phạm nồng độ thạch tín và hành vi gian lận thương mại trong nước mắm

Tờ Tin Tức (thuộc Thông tấn xã Việt Nam) vừa công bố danh sách tên các sản phẩm nước mắm được cho là nằm trong danh sách 150 mẫu nước mắm được Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) phối hợp với Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam khảo sát trên phạm vi cả nước.

100% mẫu nước mắm trên 45 độ đạm có hàm lượng thạch tín vượt ngưỡng

Theo quy định QCVN 8-2:2011/BYT, hàm lượng Arsen (thạch tín) cho phép có trong sản phẩm nước mắm tối đa là 1,0 mg/L. Tuy nhiên, theo kết quả này, trong 150 mẫu nước mắm được sử dụng rất phổ biến trên thị trường, có 125 mẫu có ít nhất một trong năm chỉ tiêu về hóa học không đạt so với công bố của nhà sản xuất, 51% mẫu không đạt về hàm lượng đạm, 67% mẫu không đạt về chỉ tiêu asen (thạch tín) theo quy định của Bộ Y tế. Đáng báo động, các mẫu nước mắm có độ đạm càng cao thì hàm lượng arsen tổng (thạch tín) đều vượt ngưỡng quy định.

Căn cứ theo phân tích kết quả thử nghiệm hàm lượng arsen tổng trong phụ lục 2BC của VINASTAS gửi đến các cơ quan chức năng cho thấy 87% số mẫu có độ đạm trên 25 và 95,65% số mẫu có độ đạm trên 40 được đánh giá có hàm lượng thạch tín vượt ngưỡng quy định dao động từ trên 1,0 mg/L đến trên 5mg/L.

Đáng chú ý là 100% mẫu khảo sát có độ đạm trên 45 (cụ thể 7/7 mẫu khảo sát 45 độ đạm; 2/2 mẫu 50 độ đạm; 5/5 mẫu 60 độ đạm) đều có hàm lượng thạch tín vượt ngưỡng gấp 3 đến 4 lần so với quy định.

Trong danh sách do báo Tin tức đăng tải, các sản phẩm nước mắm an toàn là: Cát Hải 17 độ đạm, Cát Hải cao đạm, Cát Hải hạng 1, Chinsu, Cholimex Hương Việt, Coop Mart 10 độ đạm, Hải Châu 20 độ đạm, Hải Châu 32 độ đạm, Hòa Hiệp 35 độ đạm, Hồng Hạnh, Hưng Việt, Liên Thành, Nam Ngư, Nam Ngư 15 độ đạm, Diêm Điền cốt cá cơm, Diêm Điền thượng hạng, Golden Shell, Năm Sao, Long Hải cốt cá cơm, Miwon, Phan Thiết - Mũi Né, Thái Long, Thuận Phát 40 độ đạm, Quốc Hưng, Tân Hiệp Hương, Tân Phong...

Những sản phẩm có hàm lượng thạch tín vượt ngưỡng cao từ 3,1-4mg/lít gồm: Cholimex Thượng hạng, Nữ hoàng (tứ tuyệt), Thanh Quốc 40 độ đạm, Thanh Quốc 43 độ đạm, Trung Thành ngư nhĩ, Tứ tuyệt...

Cần một quy chuẩn quốc gia về nước mắm

Trên thị trường, nước mắm hiện nay được chia ra hai loại là nước mắm truyền thống và nước mắm công nghiệp. Nước mắm truyền thống được làm bằng phương pháp ủ chượp truyền thống với nguyên liệu gồm cá, muối, nước và ủ chượp lên men từ 7-12 tháng. Nước mắm công nghiệp thường được chế biến bằng cách pha loãng nước mắm truyền thống (nước mắm gốc, nước mắm cốt), sau đó thêm vào các chất phụ gia điều vị, bảo quản...

Theo quy định đăng ký kinh doanh, các hãng nước mắm chỉ cần công bố tiêu chuẩn chất lượng và tự chịu trách nhiệm. Và theo báo cáo của VINASTAS thì hiện nay nhan nhản tình trạng các hãng mua pha chế nước mắm cốt với tỉ lệ 1:10. Nghĩa là mua 1 lít nước mắm cốt đem chế thành 10 lít nước mắm thường rồi pha thêm chất chống thối, urê nhằm tăng độ đạm, sau đó đóng chai, dán nhãn mác là đã có chai nước mắm hảo hạng, người tiêu dùng không thể phân biệt được thật giả. Với “công thức” trên, loại nước mắm bán theo can, lít giao cho nhà hàng và các quán cơm bình dân, có thể để được hàng năm trời mà không bị thay đổi về màu sắc hay mùi vị. Tại các chợ truyền thống, ngoài những dòng nước mắm đóng chai có nhãn mác thì loại nước mắm đóng trong các chai không dán nhãn vẫn được người tiêu dùng tìm mua nhiều, đặc biệt ở các chợ ngoại thành hay vùng nông thôn.

Bên cạnh đó, cuộc khảo sát việc ghi nhãn trên các chai nước mắm hiện nay cho thấy việc công bố chất lượng hoặc giá trị dinh dưỡng của các nhà sản xuất nước mắm có sự khác nhau. Theo quy định phải ghi hàm lượng nitơ toàn phần (độ đạm) tính bằng g/L. Tuy nhiên một số nhà sản xuất cố ý quy đổi sang hàm lượng protein bằng cách nhân độ đạm với hệ số chuyển đổi là 6,25 để có số lớn hơn và điều này gây ra ngộ nhận cho người tiêu dùng. Chính vì vậy, ngoại trừ những thông tin đôi khi rất mơ hồ mà nhà sản xuất ghi trên nhãn, người tiêu dùng hoàn toàn mù mờ trong việc làm sao để biết nước mắm mình đang dùng có đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm hay không, có chứa hàm lượng chất độc thạch tín vượt mức hay không.

Ông Vương Ngọc Tuấn - Phó Chủ tịch VINASTAS cho biết : “Nước mắm truyền thống hay nước mắm công nghiệp cũng là nước mắm, nước mắm công nghiệp bổ sung thêm các chất điều vị, gia vị, Việc bổ sung các chất trong nước mắm không xấu nhưng vấn đề phải là minh bạch với người tiêu dùng. Tiêu chuẩn nước mắm đã được ban hành từ 13 năm trước vì vậy VINASTAS xây dựng báo cáo gửi cơ quan quản lý nhà nước kính đề nghị xem xét bổ sung sửa đổi tiêu chuẩn nước mắm; phải minh bạch thế nào nước mắm truyền thống?; thế nào là nước chấm, nước mắm công nghiệp?”.

Anh Hùng Mạnh (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) bức xúc: “Hành vi đưa ra sản phẩm có chất lượng không đúng với các tiêu chuẩn đã công bố chính là gian lận thương mại cần phải bị xử lý. Nhà nước cần xây dựng chi tiết hơn các tiêu chuẩn như nồng độ đạm, hàm lượng thạch tín... Đồng thời, phải có chế tài buộc các cơ sở sản xuất tuân thủ đúng các tiêu chuẩn đã đăng ký. Dù là sản phẩm truyền thống hay công nghiệp thì cũng phải tuân thủ các quy trình chất lượng nghiêm ngặt, bởi đây là sản phẩm sử dụng trực tiếp, ảnh hưởng đến sức khỏe của hàng triệu người tiêu dùng Việt Nam”.

Phải phân biệt phụ gia và hóa chất

Chia sẻ với báo chí sau cuộc hội thảo, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, hiện Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang kiểm tra thị trường nước mắm trên toàn quốc để báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Theo ông Nguyễn Thanh Phong, qua kiểm tra ban đầu thì không có sản phẩm nước mắm nào là nước + hóa chất như thông tin trên truyền thông gần đây. Ông nhấn mạnh: “Phải phân biệt phụ gia và hóa chất, nếu sử dụng đúng hàm lượng phụ gia thì cả đời cũng không bị ảnh hưởng. Hiện chưa có quy định về số lượng phụ gia được sử dụng trong mỗi sản phẩm nước mắm mà chỉ quy định giới hạn về hàm lượng”.

PV

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Xa-hoi/852253/can-co-che-tai-xu-ly-vi-pham-nong-do-thach-tin-va-hanh-vi-gian-lan-thuong-mai-trong-nuoc-mam