Cần có chế tài đủ mạnh

Theo tổ chức Y tế thế giới (WHO), ở Việt Nam, tỉ lệ phơi nhiễm khói thuốc thụ động tại nơi làm việc trong nhà là 49,0%, tỉ lệ hút thuốc thụ động tại nhà là 67,6%. Vấn đề đặt ra hiện nay là làm thế nào để bảo vệ mọi người khỏi phơi nhiễm thuốc lá thụ động?

Theo Ths. Đoàn Thu Huyền - Quỹ phòng chống tác hại (PCTH) của thuốc lá (Bộ Y tế), mỗi năm có 600.000 ca tử vong do hút thuốc thụ động, trong đó 64% số ca tử vong do hút thuốc lá thụ động là nữ. Một nửa những người nghiện thuốc lá hiện nay (khoảng 650 triệu người trong tổng số 1,3 tỉ người hút) sẽ bị chết sớm vì các bệnh liên quan đến hút thuốc lá. Lo ngại hơn, là hàng trăm người chưa bao giờ hút thuốc vẫn phải chết mỗi năm vì những bệnh do hít phải khói thuốc của người khác (người ta gọi là hút thuốc lá thụ động).

Hút thuốc lá gây ung thư. Ảnh nguồn: ungthuvomhong.com.vn

“Hệ thống lọc không khí thông thường chỉ có thể loại bỏ những hạt bụi lớn chứ không thể loại bỏ những hạt bụi nhỏ hoặc khí trong không khí. Các hệ thống thông gió và điều hòa không khí có thể đưa khói thuốc thụ động từ một khu vực tới mọi nơi trong tòa nhà. Việc chia khu vực dành riêng cho hút thuốc lá mà không có thông khí riêng biệt hoàn toàn không có tác dụng” – Ths. Huyền cho biết thêm.

Về vấn đề này, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, theo 11 nghiên cứu tiến hành tại châu Âu, Mỹ, Canada cho thấy, số công dân sống trong môi trường không khói thuốc (KKT) có ít triệu chứng về hô hấp hơn và giảm lượng carbon monoxide trong cơ thể; những đứa trẻ sống trong môi trường KKT sẽ giảm phơi nhiễm khói thuốc. Trên thế giới, giảm trung bình 17% số ca nhồi máu cơ tim, riêng ở Mỹ, tránh được 195.000 ca nhồi máu cơ tim mỗi năm nhờ quy định môi trường KKT…

Ở Việt Nam, theo khảo sát của Hội Y tế Công cộng Việt Nam và HealthBridge Canada tại Hà Nội năm 2015, 82% khách hàng ủng hộ việc thực thi nhà hàng KKT. Ngoài ra, có đến 62 tỉnh, thành phố xây dựng Ban chỉ đạo phòng chống tác hại (PCTH) của thuốc lá. Nhiều đơn vị đã triển khai xây dựng môi trường KKT như: 403 trường THPT; 450 trường THCS; 57 trường ĐH và CĐ trong toàn quốc; 97 nhà hàng; 150 nhà máy, xí nghiệp…

Đáng ghi nhận, ở nhiều tỉnh, thành phố dẫ đầu trong công tác bảo vệ người dân khỏi phơi nhiễm thuốc lá thụ động là Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Hải Dương… bằng những việc làm thiết thực. Cụ thể, truyền thông PCTH thuốc lá trên các bảng điện tử tại 40 tòa nhà, trung tâm thương mại ở Hà Nội, 40 tào nhà tại TP.Hồ Chí Minh và 20 tòa nhà tại Đà Nẵng. Các bộ, ngành lắp đặt biển báo, Pano cấm hút thuốc: 20 bộ, ngành và tổ chức xã hội được hỗ trợ sản xuất 313 pano và lắp đặt 17.777 áp phích… một số địa điểm du lịch KKT như: Hạ Long, Hội An, Nha Trang, Huế…; cơ sở giáo dục KKT là: ĐH Y tế Công cộng Hà Nội…; cơ sở y tế KKT lá: BV Nhi Đồng 1, BV Việt - Đức Hà Nội…; môi trường làm việc KKT lá: Tổng LĐLĐ Việt Nam, Liên đoàn lao động các tỉnh Bắc Giang, Đà Nẵng và Tiền Giang, CĐ ngành ngân hàng và CĐ ngành bưu điện…

Dù đã đạt được những kết quả thiết thực, song Ths. Huyền kiến nghị, cần có những biện pháp “mạnh tay” hơn nữa để giúp bảo vệ sức khỏe cộng đồng trước nguy cơ phơi nhiễm thuốc lá thụ động nhất là phụ nữ có thai và trẻ em như: Thúc đẩy và thực thi toàn diện quy định môi trường 100% KKT tại khu vực trong nhà chờ tại các địa điểm công cộng, đặc biệt tại nhà hàng, quán bar, quán trà/cà phê. Tăng thuế và giá các sản phẩm thuốc lá là một biện pháp hiệu quả để giảm tỉ lệ hút thốc lá. Do đó, cần tăng thuế đủ mạnh để làm giảm sức mua của người sử dụng thuốc lá tại Việt Nam; tăng cường thực thi nghiêm các biện pháp cấm toàn diện quảng cáo, khuyến mại và tài trợ các công ty thuốc ta, đặc biệt là tại điểm bán thuốc lá để ngăn ngừa thanh thiếu niên hút thuốc.

Thu Trang

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/can-co-che-tai-du-manh-45701.html