Cần chuyển hướng thủy lợi từ phục vụ cho sản xuất... sang giai đoạn mới

Qua thảo luận ở tổ và tại hội trường, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhận thấy, có một số nội dung lớn nổi lên cần phải rà soát kỹ các đối tượng để không bỏ sót đối tượng quản lý và không chồng chéo.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường

Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường, đã đến lúc chúng ta cần chuyển hướng thủy lợi từ phục vụ cho sản xuất mang tính chất truyền thống (trong đó chú trọng cây lúa) phải chuyển sang giai đoạn mới để đáp ứng yêu cầu cơ cấu lại nền kinh tế trong đó có cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng phát huy lợi thế và hội nhập quốc tế.

“Song, chuyển gì thì chuyển mà không tạo sự ổn định để tạo tiền đề thì cũng rất nguy hiểm”, Bộ trưởng Cường lật ngược vấn đề và lập luận, trong khi 70% số dân còn ở khu vực SXNN, chúng ta có 20 triệu dân ở miền núi là miền dễ tổn thương, chúng ta có một bộ phận còn ở những vùng kinh tế khó khăn.

Qua thảo luận ở tổ và tại hội trường, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhận thấy, có một số nội dung lớn nổi lên cần phải rà soát kỹ các đối tượng để không bỏ sót đối tượng quản lý và không chồng chéo.

Về kiến nghị của ĐB Nguyễn Sỹ Hội (Nghệ An), liên quan đến an ninh quốc phòng, trong đó có công tác thủy lợi, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, chúng ta có gần 3.000 đảo, 12 huyện đảo, 3.260 km bờ biển, do đó chỗ này phải làm thật sâu sắc, cộng với đó chúng ta có trên 2.000 hồ lớn có dung tích 10.000.000 m3 trở lên, có những hồ hàng chục tỷ mét khối mà công tác an ninh, quốc phòng không được đặt ra trong luật này thì chắc chắn sau này có những sự cố xảy ra, đặc biệt là an ninh nguồn nước hiện nay. Do đó, Ban soạn thảo tiếp thu chỗ này.

Về nghiên cứu đối tượng chuyển thủy lợi phí sang giá dịch vụ, theo Bộ trưởng Cường, đành rằng câu chuyện thị trường chúng ta phải chuyển từ phí sang giá là đúng. Tuy nhiên trước tình hình hiện nay, thực hiện chủ trương của Đảng, nhà nước ưu tiên những đối tượng làm nông nghiệp, nhất là người nghèo, vùng kinh tế khó khăn thì phải thể hiện như thế nào, bước đi cùng lộ trình, đúng là các đại biểu góp ý chỗ này hoàn toàn chính xác.

“Tất nhiên tính được việc này rất khó, nhưng không vì khó mà bỏ qua. Chúng ta phải làm rất sâu sắc để một mặt tiếp cận được với quy luật về giá, nhưng một mặt phải đảm bảo giai đoạn chuyển tiếp cho có tính khả thi”, Bộ trưởng Cường nhấn mạnh.

Về xã hội hóa công tác đầu tư, Bộ trưởng hoàn toàn đồng tình. Xã hội hóa đầu tư là một chủ trương đúng, tuy nhiên phân loại cấp độ công trình, đối tượng công trình, thể loại, hình thức đầu tư và phải đảm bảo dù xã hội hóa kiểu gì nhà nước vẫn phải quản lý được ở những khu vực quan trọng nhất. Xã hội hóa kiểu gì cũng phải chống độc quyền, phải chịu trách nhiệm chỉ đạo nhà nước.

Luật Thủy lợi có những nội dung tính kỹ thuật chuyên môn sâu, có những vấn đề thuộc lộ trình tính toán cho từng vùng, miền, từng đối tượng. Do đó, trong văn bản luật không thể nào tải hết mà phải có văn bản dưới luật. Ban soạn thảo đã dự kiến 4 nghị định của Chính phủ để đồng trình với dự thảo luật.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/can-chuyen-huong-thuy-loi-tu-phuc-vu-cho-san-xuat-sang-giai-doan-moi-post180387.html