Cần chủ động, tích cực và đồng bộ

Theo phản ảnh của một số doanh nghiệp (DN) vận tải, mặc dù thời gian qua, việc cấp phép lưu hành xe quá khổ, quá tải, xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng đã được cải tiến nhưng vẫn còn nhiều thủ tục rườm rà khiến DN mất nhiều thời gian và chi phí. Điều này cũng gây ảnh hưởng, khiến giá cước vận tải tăng, làm tăng chi phí của nền kinh tế.

Thủ tục rườm rà đẩy giá cước vận tải tăng cao

Theo đại diện Công ty TNHH Hồng Quyên (Nam Định), đơn vị tham gia vào hoạt động vận tải hàng hóa bằng đường bộ, thủ tục xin cấp phép lưu hành xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng chưa có sự thống nhất giữa Tổng cục Đường bộ và Cục Đăng kiểm Việt Nam. Đại diện DN này nêu rõ, cùng một loại xe chở hàng siêu trường, siêu trọng nhưng đơn vị này lại cho đi trên Quốc lộ 1, đơn vị khác lại bắt đi Đường Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, có những đơn vị đăng kiểm chỉ ghi thông số sức kéo thực tế, không ghi thông số sức kéo thiết kế. Việc này khiến bên quản lý đường bộ cấp giấy phép chở hàng theo sức kéo thực tế nên khối lượng hàng được chở rất ít.

Đề cập đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, việc phân cấp cho các Sở Giao thông vận tải, các Cục Quản lý đường bộ cấp phép lưu hành xe quá khổ, quá tải, siêu trường, siêu trọng đã tạo điều kiện thuận lợi cho các DN. Tuy nhiên, vẫn còn một số sở, cục do hiểu quy định không đến nơi, đến chốn, không rõ ràng, gây phiền hà cho DN. Bên cạnh đó, quy định các DN vận tải phải đi khảo sát, thẩm định tải trọng cầu, đường nhưng thời gian cấp phép lưu hành lại quá ngắn (chỉ có 3 tháng) khiến DN phải khảo sát, thẩm định đi thẩm định lại, gây tốn kém thời gian và chi phí. Chính thủ tục rườm rà đẩy cước phí vận tải tăng cao. Để khắc phục tình trạng trên, ông Nguyễn Văn Thanh kiến nghị, nên bỏ thủ tục yêu cầu DN phải khảo sát tải trọng cầu, đường, đồng thời nâng thời hạn của giấy phép lưu hành xe lên 6 tháng hay 1 năm.

Đoàn xe siêu trường siêu trọng vận chuyển đoàn tàu cho dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông.

Cùng chung đề nghị cho phép kéo dài thời hạn của giấy phép lưu hành xe lên 6 tháng, ông Lê Văn Tiến, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa đường bộ Hải Phòng cho rằng, mặc dù tại Hải Phòng, thời gian thực hiện các thủ tục cấp phép nói trên khi đủ các điều kiện chỉ trong vòng 2 ngày. Tuy nhiên, thời hạn giấy phép lưu hành xe quá ngắn, chỉ 3 tháng, khiến DN phải đổi nhiều lần, tốn kém thời gian và chi phí.

Bên cạnh vấn đề thủ tục rườm rà, nhiều DN cũng phản ánh tình trạng một số đơn vị cấp phép tại các Sở Giao thông vận tải chưa hiểu rõ hoặc lúng túng trong việc tính toán tải trọng trục và tổng trọng lượng cho xe chuyên dùng quá tải có khối lượng bản thân và tải trọng trục xe vượt quá quy định. Việc phối hợp giữa đơn vị cấp giấy phép lưu hành xe và các lực lượng chức năng khác còn hạn chế dẫn đến công tác kiểm tra, kiểm soát thực hiện các nội dung trong giấy phép lưu hành xe của DN còn những bất cập.

Giảm tải thủ tục cho doanh nghiệp

Trước những khó khăn của DN, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện khẳng định, sẽ tiếp thu và chỉ đạo các đơn vị giải quyết, tạo điều kiện tối đa. Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, tính từ ngày 1-1-2016 đến hết 30-4-2017, các đơn vị đã cấp 26.273 giấy phép lưu hành xe siêu trường, siêu trọng, quá khổ, quá tải.

Liên quan tới việc DN phải tham gia khảo sát, thẩm định tải trọng cầu, đường quá nhiều lần, ông Nguyễn Văn Huyện nêu rõ, tổng cục đã công bố tải trọng cầu, đường và cập nhật thường xuyên trên website của tổng cục. Do đó, tổng cục yêu cầu, các đơn vị phải mạnh dạn cấp giấy phép lưu hành xe cho các DN. “Trong hai kỳ cấp giấy phép lưu hành quá khổ, quá tải liền nhau thì cầu, đường sẽ không có nhiều biến động, cho nên khi cấp phép phải chấp nhận kết quả DN đã khảo sát, kiểm định cầu đường ở kỳ cấp phép trước, không bắt DN phải đi khảo sát thêm nữa. Các đơn vị quản lý phải cập nhật thường xuyên về biến động tải trọng cầu yếu và theo hướng này để cấp phép"-ông Nguyễn Văn Huyện nhấn mạnh. Nhằm tiếp tục tạo thuận lợi cho DN trong công tác xin giấy phép lưu hành xe, ông Nguyễn Văn Huyện cho biết thêm, DN này đã kiểm định cầu, đường thì DN khác cũng được sử dụng.

Liên quan tới kiến nghị nâng thời hạn giấy phép lưu hành xe, ông Nguyễn Văn Huyện cho biết, thời hạn này được giữ nguyên 3 tháng là hợp lý, bởi nếu đầy đủ giấy tờ thì thời gian cấp chỉ là hai ngày. Ngoài ra, để việc cấp giấy phép lưu hành xe minh bạch, tránh tiêu cực, tổng cục yêu cầu nơi cấp phép tại các Cục quản lý đường bộ, Sở Giao thông vận tải phải lắp camera giám sát hoạt động cấp phép, lưu giữ lại hình ảnh để có cơ sở xử lý. “Tổng cục kiên quyết không để xảy ra tình trạng tiêu cực trong cấp phép xe quá tải trọng, xe quá khổ, xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng. Các DN nếu phát hiện tiêu cực thì thông báo ngay về đường dây nóng của Tổng cục Đường bộ, chúng tôi sẽ giải quyết thấu đáo”, ông Nguyễn Văn Huyện nhấn mạnh.

Những định hướng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vận tải như trên của lãnh đạo Tổng cục Đường bộ là rất đáng hoan nghênh. Lãnh đạo tổng cục nên tiếp tục chỉ đạo rà soát các thủ tục cấp phép vận tải, để vừa bảo đảm quản lý tốt, bảo vệ hạ tầng giao thông nhưng vừa góp phần tạo thuận lợi, giảm thủ tục, từ đó giảm chi phí không cần thiết cho DN, cũng là góp phần giảm chi phí vận tải cho hàng hóa trong nền kinh tế.

MINH ĐỨC

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/can-chu-dong-tich-cuc-va-dong-bo-514290