Cần chìa khóa nhận diện hàng Việt

Bộ Công Thương vừa tổ chức lễ bế mạc chương trình Nhận diện hàng Việt Nam 2016 - Tự hào hàng Việt Nam. Đây là năm thứ 2 Bộ Công Thương tổ chức chương trình này. Thông qua chương trình, thông điệp Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam được trực tiếp gửi tới người tiêu dùng thông qua các phương tiện truyền thông hiện đại. Gần 2.000 cửa hàng xăng dầu, siêu thị, trung tâm thương mại trên cả nước đã treo cờ phướn, quảng cáo cổ động cho chương trình. Trong khi Bộ Công Thương công bố những con số rất hoành tráng, trước đó 4 ngày trên trang cá nhân của bà Vũ Kim Hạnh, một người luôn gắn bó với doanh nghiệp Việt, hàng Việt trên mọi nẻo đường có một bài viết khiến nhiều người chú ý với tiêu đề “Nhận diện cái chi chi”.

Trong bài viết, bà Hạnh đưa ra một số ý: “Chưa nghe gì về chương trình này”; “Ngoài thay đổi công cụ, còn nội dung, mục đích, tuyên truyền chẳng khác 30 năm trước”; “Doanh nghiệp được gì, có giảm chút khó khăn nào từ các hoạt động tốn kém này”… Lâu nay cái tên Vũ Kim Hạnh đã gắn với rất nhiều chương trình về hàng Việt. Có thể bà Hạnh không thể biết hết các chương trình Bộ Công Thương, nhưng một chương trình lớn mang tầm quốc gia đã diễn ra suốt từ tháng 9, một người gắn bó như bà Hạnh cũng không nghe là một điều đáng quan tâm.

Nói câu chuyện trên và nhìn lại với tư cách một người tiêu dùng, tôi thấy dường như các doanh nghiệp Việt Nam khó nhận được nhiều lợi ích từ chương trình này. Hỏi nhiều người có thấy cờ phướn quảng cáo chương trình không, có người trả lời biết, có người không, nhưng ít ai chú ý đến chương trình. Tôi cũng không quan tâm đến những thông số 90% hàng trong siêu thị là hàng Việt, bởi khi mua hàng tôi thường cân nhắc chất lượng. Nếu hàng Việt tốt người tiêu dùng sẽ ủng hộ, còn không đương nhiên sẽ chuyển qua mua hàng nhập khẩu. Chất lượng chính là chìa khóa giúp nhận diện hàng Việt tốt nhất. Trên truyền thông tôi thấy doanh nghiệp các nước trong khu vực ASEAN như Thái Lan, Maysia… đang nhận được nhiều trợ lực từ chính phủ để mạnh hơn, đi sang các quốc gia khác dễ dàng hơn. Trong khi các doanh nghiệp Việt Nam luôn than khó. Vì sao các cơ quan chức năng không triển khai những hoạt động cụ thể, hữu ích hơn để bớt những lời kêu than. Hội nhập đang tới, doanh nghiệp phải thay đổi để thích nghi, cũng cần các cơ quan chức năng phải thay đổi để song hành và hỗ trợ.

(TPHCM)

Thanh Lâm

Nguồn SGĐT: http://www.saigondautu.com.vn/pages/20161109/can-chia-khoa-nhan-dien-hang-viet.aspx