Cận cảnh tục điểu táng ở Tây Tạng – nghĩ lễ an táng rùng rợn nhất trên thế giới

Để mai táng cho những người đã quá cố, các dân tộc, vùng miền sẽ có những nghi lễ, phong tục khác nhau.

Và Thiên táng hay còn gọi là điểu táng là tục xẻ thi thể người quá cố làm mồi cho kền kền ăn của người Tây Tạng được xem là một trong những nghĩ lễ an táng rùng rợn nhất trên thế giới.

Thiên táng là gì?

Thiên táng (hay còn gọi Điểu táng) là một tập tục mái táng người quá cố nổi tiếng rùng rợn của người Tây Tạng. Thay vì chôn người quá cố xuống đất, hay hỏa thiêu thi thể như một số vùng miền khác đã làm thì người dân nơi đây lại chọn phương pháp đem thi thể người chết cho chim kền kền ăn thịt.

Đa số người dân nơi đây tin vào Kim Cương thừa Phật. Trong đó, cuốn kinh trên dạy con người về vòng luân hồi của linh hồn. Điều này có nghĩa sau khi chết đi, con người không cần phải bảo vệ cơ thể. Do đó, thi thể người quá cố chỉ là một cái xác vô tri và trống rỗng.

Cách thức thực hiện Thiên táng

Thiên táng có hai hình thức chính: Cơ bản và long trọng. Những người dân du mục và dân làng ở vùng hẻo lánh thường sử dụng thiên táng cơ bản. Đó chính là mang thi thể người đã mất lên núi làm mồi cho đàn kền kền đói.

Còn đối với các hình thức long trọng thì có phần phức tạp và mang tính nghi thức hơn. Các Lạt Ma sẽ cầu nguyện cho người quá cố được đặt ở tư thế ngồi suốt 24 giờ. Thi thể được cầu nguyện, tắm rửa sạch sẽ và bọc trong vải trắng. Cuối cùng, người ta sẽ phá vỡ xương cột sống của cái xác để thuận tiện cho việc mang tới nơi an táng. Một người bạn thân hay thành viên trong gia đình sẽ đeo cái xác trên lưng.

Nghi lễ được bắt đầu từ sáng sớm. Các thành viên trong gia đình cũng đi cùng để tụng kinh và chơi nhạc đám ma, nhưng họ phải giữ một khoảng cách nhất định với người chết. Thi thể người chết được đặt nằm sấp xuống mặt đá, các rogyapa (người xử lý xác chết) hoặc những bậc thầy chôn cất sẽ đốt cây bách xù để tạo mùi thu hút đàn kền kền và bắt đầu công việc của mình với con dao sắc bén.

Từ tóc đến nội tạng, cuối cùng là các chi của người quá cố được bóc tách và ném cho đám kền kền đói xúm lại. Rogyapa tiếp tục đập dập bộ xương còn lại, sau đó trộn với bột lúa mạch để đàn chim dễ “tiêu thụ hơn”.

Sau khi đàn kền kền hoàn thành nhiệm vụ của mình, người ta chỉ còn nhìn thấy bộ xương trắng không còn tí thịt nào. Lúc này, người ta thu nhặt những phần còn lại để vào một ngọn tháp đã được xây dựng sẵn từ gần 1 năm trước. Sau đó, Lạt Ma và người thân của nạn nhân tiếp tục đập vụn phần còn lại của thi hài rồi tiếp tục ném cho quạ và diều hâu ăn.

Ý nghĩa của tục thiên táng đối với người Tây Tạng

Có rất nhiều nguyên nhân khiến người Tây Tạng lựa chọn tục lệ an táng này. Nguyên nhân đầu tiên chính là do điều kiện tự nhiên khắc nghiệt ở Tây Tạng. Nơi đây nằm trên dãy Himalaya, biệt lập ở độ cao từ 5.000m so với mặt nước biển, khí hậu vô cùng khắc nghiệt, chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm là rất lớn. Trên nóc nhà của thế giới này, đất vô cùng hiếm mà trải dài đến vô tận chỉ là lớp đá cứng hay băng lạnh, vì vậy việc chôn cất khá khó khăn.

Bên cạnh đó, ở thảo nguyên, những người dân du mục quen sống trên lưng ngựa, việc tiến hành thả trôi theo dòng nước như ở đồng bằng cũng là điều không phù hợp. Đối với người Tây Tạng, gỗ là nhiên liệu đốt khan hiếm nên cũng không thể dùng để hỏa táng được…

Nhưng những đàn kền kền háu đói lượn trên bầu trời, sói lang thang quanh vùng lại rất nhiều. Câu hỏi về việc chôn cất ở Tây Tạng được giải đáp. Với những đặc điểm đó mà tục Thiên táng là điều hợp lý nhất mà người Tây Tạng.

Nguyên nhân thứ hai là do niềm tin tâm linh của người Tây Tạng. Đa số người Tây Tạng theo Phật giáo Kim cương thừa (Vajrayana), họ tin rằng các linh hồn người chết đã rời khỏi cơ thể và cái xác còn lại chỉ là phần “con”.

Còn kền kền được tôn kính như linh vật thiêng liêng. Chúng không phải loài ăn xác thối ma quái mà là “Thánh đại bàng”. Người Tây Tạng tin rằng việc an táng người chết bằng cách nuôi kền kền cũng giống như đức Phật tổ Như Lai lấy xác mình nuôi hổ dữ để khỏi hại các sinh linh khác trong thế giới. Vì thế, thi thể người chết được chim ăn sẽ nhanh chóng lên thiên đàng.

Người Tây Tạng coi chim kền kền là “Thần điểu” và tin rằng thi thể được chim kền kền ăn hết là điềm lành, người chết sẽ nhanh chóng được lên thiên đàng, nếu chim ăn không hết, người ta sẽ gom những gì còn lại để hỏa táng.

Sở dĩ có quan niệm này là bởi những con chim đầu hói, sải cánh dài tới 2m này ngoài việc ăn xác thối ra thì không làm hại tới ai. Vì thế, nó được coi là đại diện sứ giả của các chư thần linh trong tín ngưỡng Tây Tạng. Và đương nhiên, ai cũng muốn thân nhân mình sau khi chết đi được các thần linh cử sứ giả tới đón đi, đó là niềm hạnh phúc đối với chính những người đã khuất.

Một số nghi thức mai táng khác của người Tây Tang:

Đối với người Tây Tạng, mỗi thành phần trong xã hội, tùy theo địa vị sẽ được mai táng bằng những cách rất khác nhau.

Tháp táng

Chôn cất bằng bảo tháp là nghi thức tang lễ cao quý và thiêng liêng nhất ở Tây Tạng. Nghi thức này được dành riêng cho các Đạt Lai Lạt Ma, Ban Thiền Lạt Ma và Phật Sống. Sau khi một vị Lạt Ma cấp cao qua đời, xác ướp sẽ được rút nước và ướp trong các thảo dược quý hiếm. Vàng mảnh và nghệ tây được rải khắp cơ thể.

Cuối cùng, xác chết được chuyển đến bảo tháp và bảo quản cẩn thận để thờ cúng. Bảo tháp có thể phức tạp hoặc đơn giản, từ vàng, bạc, đồng, gỗ hay thậm chí cả đất. Các loại bảo tháp được quyết định dựa theo “cấp” của các Lạt Ma.

Vách táng

Những ví dụ điển hình về hình thức vách táng nằm ở thung lũng sông Tsangpo Gyirong ở miền Nam Tây Tạng, nơi cũng sử dụng cả thủy táng và hỏa táng. Khi có người chết, các vị sư xuất sắc sẽ được giao nhiệm vụ tiên đoán và quyết định nghi thức và phương cách tang lễ cho người chết.

Nếu người chết được vách táng, cơ thể họ sẽ được phủ một lớp bơ hoặc sữa, cùng với muối, nước hoa và sau đó niêm phong trong những thùng gỗ nhỏ để mang tới vách đá. Trong một số trường hợp, có thể chẳng cần “gia vị” nào. Người chết đơn giản được quấn băng vải. Người Tây Tạng thường chọn vách núi xa khu vực dân cư sinh sống để mang quan tài tới. Những hang động cao 50 tới 200 m so với mặt đất cũng thường được sử dụng làm nơi an nghỉ cho người chết.

Thủy táng

Trong thủy táng, xác chết được bọc bằng vải trắng, rồi thả trôi sông. Có hai quan điểm khác nhau về thủy táng. Ở những nơi thiên táng là phổ biến, thủy táng được xem là cách kém trang trọng hơn và chỉ dành để mai táng những người ăn xin và người có địa vị thấp trong xã hội.

Ở những nơi không có nhiều kền kền, thủy táng lại được chấp nhận rộng rãi với đa số người dân bình thường, đi cùng với các quy tắc nghiêm ngặt, thiêng liêng và long trọng.

Mộc táng

Hình thức mai táng này dành cho trẻ em. Đặc biệt hay được dùng ở Nyingchi, phía đông nam Tây Tạng. Để tránh để những đứa trẻ khác nhìn thấy, thi thể của các em nhỏ thường được đặt trong một chiếc thùng gỗ và treo trên cây trong một khu rừng xa xôi.

ST

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/doi-song/can-canh-tuc-dieu-tang-o-tay-tang-nghi-le-an-tang-rung-ron-nhat-tren-the-gioi-79310/