Cận cảnh mô hình làm thay đổi quan niệm về giáo dục tiểu học

GD&TĐ - Mô hình dạy học cả ngày của Chương trình đảm bảo chất lượng giáo dục trường học (SEQAP) đã làm thay đổi quan niệm về trường tiểu học, về giáo dục tiểu học trong toàn Ngành, xã hội; đặc biệt là ở cha mẹ học sinh và cộng đồng dân cư vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số; giúp các cấp quản lý giáo dục thống nhất chỉ đạo thực hiện dạy học cả ngày trên cả nước.

Cho trẻ em cơ hội được học tập trong môi trường thuận lợi hơn

SEQAP đã đưa ra được khái niệm dạy học cả ngày (FDS) - là phương án bổ sung thêm thời gian cho việc dạy học và giáo dục trong trường tiểu học để tổ chức các hoạt động giáo dục tiểu học theo một chương trình, kế hoạch được điều chỉnh, mở rộng nhằm giúp tất cả học sinh đạt chuẩn kiến thức, kỹ năng các môn Tiếng Việt và môn Toán, hình thành và rèn luyện các phẩm chất, năng lực cần thiết phù hợp với lứa tuổi.

Học sinh tham gia học cả ngày sẽ được học tập, hoạt động cả buổi sáng, trưa và chiều tại trường vào một số ngày trong tuần hoặc tất cả các ngày học trong tuần. Học sinh học cả ngày tại trường có nhiều thời gian học tập và tham gia các hoạt động giáo dục nhiều hơn, có điều kiện được giao lưu, chia sẻ, góp phần phát triển mối quan hệ xã hội, kỹ năng sống, tính độc lập, tự chủ, nâng cao chất lượng giáo dục tiểu học.

Có thể nói, FDS mang lại cơ hội được học tập trong môi trường thuận lợi cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, dân tộc thiểu số, trẻ em gái. Đồng thời, góp phần tạo sự bình đẳng về quyền lợi học tập cho trẻ em ở những vùng, miền có điều kiện kinh tế, xã hội khác nhau.

Một trong những kết quả đáng ghi nhận là cho đến nay, SEQAP đã xây dựng được các văn bản, tài liệu hướng dẫn cho các trường được chọn chuyển sang FDS, gồm: Mô hình trường tiểu học áp dụng FDS và lộ trình chuyển đổi; Sổ tay Hướng dẫn lập kế hoạch dạy học cả ngày; Sổ tay Hướng dẫn hoạt động ở trường tiểu học dạy học cả ngày.

Không phải tất cả các trường tiểu học đều có thể chuyển ngay sang FDS. Do đó, SEQAP đã đưa ra một số tiêu chí ban đầu để hướng dẫn các trường chuyển đổi sang FDS; đồng thời hỗ trợ các trường chuyển đổi sang mô hình FDS một số nội dung như: Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các trường được chọn để có đủ năng lực tổ chức, quản lý FDS; bổ sung cơ sở vật chất với các trường thiếu phòng học, phòng học đa năng (cho T35), khu vệ sinh (cho điểm lẻ); các quỹ hỗ trợ; lương tăng thêm chi cho giáo viên đối với những trường thực hiện T30 chưa đạt được tỷ lệ tối thiểu 1,3 giáo viên/lớp.

Việc xây dựng, hoàn thiện quy trình chuyển đổi và các văn bản hướng dẫn các trường tham gia SEQAP chuyển đổi sang FDS là đóng góp lớn, tích cực của SEQAP vào quá trình chuyển đổi từ dạy học nửa ngày sang FDS của giáo dục tiểu học. Chất lượng giáo dục toàn diện ở các trường đạt được tiến bộ vững chắc. Mô hình FDS được cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh cộng đồng, chính quyền địa phương tán thành, ủng hộ, tham gia hưởng ứng, đánh giá cao.

Hội thảo về huy động sự tham gia của cộng đồng hỗ trợ các trường TH do SEQAP tổ chức (Ảnh: SEQAP)

Xây dựng “chân kiềng” giúp nâng cao chất lượng

Khi vận hành trường tiểu học áp dụng FDS, hàng loạt nhu cầu phát sinh đòi hỏi phải có chính sách thích hợp. Các nghiên cứu của SEQAP đã xem xét cụ thể những vấn đề mới đó và dự kiến các giải pháp, các chính sách mới cần có. Kết quả các nghiên cứu của SEQAP là cơ sở để kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền xem xét ban hành các chính sách mới đáp ứng yêu cầu chuyển trường tiểu học từ dạy học nửa ngày sang FDS.

Vấn đề SEQAP tập trung nghiên cứu để xây dựng khung chính sách là 3 yếu tố cơ bản đảm bảo điều kiện cho các trường tiểu học trên phạm vi cả nước chuyển sang FDS: Đội ngũ giáo viên; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; nguồn kinh phí trong và ngoài ngân sách.

SEQAP đã tiến hành những nghiên cứu quan trọng nhằm xây dựng chính sách cho giáo viên khi tổ chức dạy học cả ngày như: Nghiên cứu về Khối lượng công việc của giáo viên và phân bổ giáo viên; nghiên cứu Chi phí tối thiểu ngoài lương và sử dụng hiệu quả giáo viên, lớp học khi các trường tiểu học chuyển sang FDS; nghiên cứu đề tài “Những vấn đề về khối lượng công việc, bố trí sử dụng giáo viên tiểu học trong quá trình chuyển đổi sang dạy học cả ngày” để giải quyết nhu cầu biên chế cho trường tiểu học thực hiện FDS…

Trên cơ sở bản mô tả công việc của từng vị trí việc làm theo quy định tại Nghị định số 41/NĐ-CP và hướng dẫn tại Thông tư số 14/2012/TT-BNV, kết quả nghiên cứu của SEQAP đã đề xuất điều chỉnh, bổ sung chế độ làm việc của giáo viển tiểu học ban hành tại Thông tư số 28/2009/TT-BGDĐT và đề xuất điều chỉnh, bổ sung về định mức biên chế viên chức của các cơ sở giáo dục phổ thông công lập tại Thông tư liên tịch số 35/TTLT-BGDĐT- BNV.

Về cơ sở vật chất, SEQAP đã đưa ra điều kiện chung về cơ sở vật chất cho các trường chuyển sang FDS; đồng thời, hỗ trợ trường tham gia SEQAP xây dựng cơ sở vật chất cần thiết để thực hiện FDS. Chương trình cũng tiến hành nghiên cứu xác định yêu cầu và dự toán kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho trường tiểu học thực hiện FDS.

Khi nghiên cứu, phân tích về các yêu cầu cơ sở vật chất cần thiết cho trường FDS đã nêu ra nhà vệ sinh là cơ sở vật chất cần phải có, nhưng phòng học chuyên biệt cho môn Âm nhạc là nên có hay không bắt buộc... Đây là một cơ sở để khi tính toán chi phí cho xây dựng cơ sở vật chất và các hỗ trợ khác cho FDS trên toàn quốc.

Về kinh phí hoạt động, SEQAP đã thực hiện một số nghiên cứu rất thiết thực để xác định các yêu cầu về tài chính cho triển khai FDS trên cả nước. Các nghiên cứu này được thực hiện từ cuối tháng 2/2012 đến tháng 10/2016.

Một đóng góp quan trọng tiếp theo của SEQAP là xây dựng lộ trình thực hiện FDS mang tính thuyết phục cao, có ích cho các trường tiểu học, đặc biệt các trường ở vùng khó khăn, vùng DTTS khi chuyển sang FDS; góp phần phát triển chính sách quản lý giáo dục theo định hướng của Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT.

Các nghiên cứu khác được SEQAP thực hiện đã đi vào cuộc sống liên quan đến sự tham gia của cộng đồng và Ban Đại diện cha mẹ học sinh; huy động tham gia hỗ trợ tài chính; huy động sự tham gia xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện FDS.

Thời gian qua, với mức độ khác nhau, các trường tham gia SEQAP đều đã huy động cộng đồng và cha mẹ học sinh tham gia xây dựng cơ sở vật chất, hỗ trợ tổ chức bữa ăn trưa cho học sinh. Mối quan hệ phối hợp giữa giáo dục nhà trường với gia đình và cộng đồng có sự chuyển biến rõ rệt. Đây là một yếu tố quan trọng góp phần vào thành công của SEQAP, chứng tỏ chủ trương này đã tạo được sự đồng thuận cao của xã hội, phù hợp với nguyện vọng của cha mẹ học sinh và cộng đồng.

Chất lượng giáo dục cải thiện rõ rệt

Chất lượng giáo dục nhà trường là mục tiêu quan trọng mà SEQAP nỗ lực phấn đấu thực hiện.

Năm học 2014-2015: 99,4% HS đạt yêu cầu về phẩm chất (HS DTTS đạt 94,1%), 99% số HS đạt yêu cầu về năng lực (HS DTTS đạt 93,0%), 98,3% HS hoàn thành môn Tiếng Việt (HS DTTS đạt 90,5%), 98,4% HS hoàn thành môn Toán (HS DTTS đạt 92,4%).

Năm học 2015-2016 có 99,4% HS đạt yêu cầu về phẩm chất, 99,0% HS đạt yêu cầu về năng lực, 98,2% HS đạt hoàn thành môn Tiếng Việt, 98,5% HS đạt hoàn thành môn Toán...

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/can-canh-mo-hinh-lam-thay-doi-quan-niem-ve-giao-duc-tieu-hoc-2659594-v.html