Cán cân tổng thể thặng dư cao nhất trong bốn năm qua

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố số liệu cán cân thanh toán quí 4- 2016. Theo đó, nếu bao gồm số liệu ba quí trước đã công bố thì cán cân tổng thể năm 2016 đạt 8,39 tỉ đô la Mỹ, cao nhất trong bốn năm trở lại đây. Nếu so với mức thâm hụt hơn 6 tỉ đô la Mỹ trong năm 2015 thì rõ ràng cán cân tổng thể đã có sự cải thiện tích cực.

Cán cân vãng lai thặng dư gần 8,53 tỉ đô la Mỹ, trong đó có đóng góp lớn của cán cân thương mại hàng hóa với thặng dư gần 14 tỉ đô la Mỹ. Ảnh: TL

Cán cân vãng lai thặng dư nhờ đóng góp lớn từ xuất siêu hàng hóa

Cán cân vãng lai thặng dư gần 8,53 tỉ đô la Mỹ, trong đó có đóng góp lớn của cán cân thương mại hàng hóa (thặng dư gần 14 tỉ đô la Mỹ - với giá trị nhập khẩu tính theo giá FOB, tăng rất mạnh so với mức thặng dư chỉ 7,4 tỉ đô la Mỹ của năm 2015 và 11,9 tỉ đô la Mỹ của năm 2014). Mặc dù giá trị kim ngạch xuất khẩu vẫn chưa đạt kế hoạch đề ra, tuy nhiên việc giá trị nhập khẩu tăng trưởng yếu hơn nhiều đã giúp Việt Nam đạt mức xuất siêu lớn trong năm.

Ngược lại với kết quả tích cực từ cán cân thương mại hàng hóa, cán cân dịch vụ tiếp tục chứng kiến mức nhập siêu hơn 5 tỉ đô la Mỹ, là mức cao nhất trong những năm qua. Cán cân thu nhập cũng chứng kiến mức thâm hụt cao là 8,37 tỉ đô la Mỹ, có giảm so với hai năm liền kề trước đó.

Trong khi đó, các chuyển giao vãng lai tiếp tục thặng dư gần 8 tỉ đô la Mỹ, dù tăng trưởng so với năm 2015 nhưng đã giảm đáng kể so với năm 2014 và 2013. Lượng kiều hối giảm do chính sách tăng lãi suất đồng đô la Mỹ của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và sau khi ông Donald Trump đắc cử tổng thống đã ảnh hưởng đáng kể lên nguồn thu nhập chuyển giao vãng lai trong năm 2016.

Cán cân tài chính thặng dư cao, các TCTD giảm tiền gửi tại nước ngoài

Cán cân tài chính năm 2016 đạt thặng dư ở mức cao 9,46 tỉ đô la Mỹ, tăng mạnh so với mức 1,57 tỉ đô la Mỹ của năm 2015 và 5,82 tỉ đô la Mỹ của năm 2014. Kết quả này nhờ vào, thứ nhất là lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài rót ròng vào Việt Nam tới 11,2 tỉ đô la Mỹ (số liệu của các năm 2015 và 2014 lần lượt là 10,7 và 8 tỉ đô la Mỹ). Mặc dù lượng vốn đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của Việt Nam vẫn có sự tăng trưởng trong năm 2016 lên mức gần 1,39 tỉ đô la Mỹ, tuy nhiên nguồn vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài vào Việt Nam tiếp tục tăng trưởng nhanh hơn. Lượng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài ròng vào Việt Nam cũng tăng 228 triệu đô la Mỹ, trong

khi năm 2015 là rút ròng 65 triệu đô la Mỹ.

Thứ hai là trong năm 2016, lượng tiền gửi ra nước ngoài dưới dạng ngoại tệ đã sụt giảm.

Cụ thể, trong năm 2016 các tổ chức tín dụng (TCTD) đã rút về nước hơn 2 tỉ đô la Mỹ, trong khi khu vực khác tiếp tục đem ra 7,45 tỉ đô la Mỹ. Nếu so với con số 4,63 tỉ đô la Mỹ của các TCTD và 9,55 tỉ đô la Mỹ của các khu vực khác (doanh nghiệp và dân cư) đem ra nước ngoài gửi trong năm 2015, thì số liệu trong năm 2016 cho thấy lượng tiền gửi ngoại tệ chảy ra nước ngoài đã giảm đáng kể, thậm chí các TCTD đã liên tiếp rút tiền về trong cả bốn quí năm nay.

Điều này có thể bắt nguồn từ việc trần lãi suất huy động đô la Mỹ đã giảm về 0% từ tháng 12-2015, khiến sau đó lượng tiền gửi ngoại tệ tại các ngân hàng trong năm 2016 liên tục sụt giảm, do khách hàng rút tiền gửi ngoại tệ hoặc chuyển dịch tiền gửi ngoại tệ sang tiền gửi bằng tiền đồng, khiến thanh khoản ngoại tệ của các ngân hàng bị suy yếu đáng kể nên buộc phải rút lượng tiền gửi đang nằm tại các ngân hàng nước ngoài về để đáp ứng các tỷ lệ an toàn thanh khoản.

Ngoài ra, dòng tiền chảy vào trong nước dưới dạng tiền và tiền gửi đã chuyển từ bị rút ròng 1,43 tỉ đô la Mỹ trong năm 2014 và 662 triệu đô la Mỹ trong năm 2015 thành rót vào ròng lên đến 1,4 tỉ đô la Mỹ trong năm 2016, trong đó khu vực TCTD rót ròng 1,46 tỉ đô la Mỹ và khu vực khác ngược lại bị rút ròng 45 triệu đô la Mỹ.

Trong khi đó, hoạt động vay trả nợ nước ngoài chứng kiến sự suy giảm lớn ở việc giải ngân các khoản vay dài hạn cho cả khu vực Chính phủ lẫn tư nhân. Cụ thể nếu như trong năm 2015 giải ngân vốn vay dài hạn lên đến 9,9 tỉ đô la Mỹ, trong đó khu vực Chính phủ là 4,35 tỉ đô la Mỹ và khu vực tư nhân là 5,56 tỉ đô la Mỹ, thì trong năm 2016 nguồn vốn này đã giảm chỉ còn hơn 7 tỉ đô la Mỹ, với khu vực Chính phủ là 3,19 tỉ đô la Mỹ và tư nhân là 3,83 tỉ đô la Mỹ. Diễn biến này cũng tương ứng với một số nhận định về việc nguồn vốn viện trợ giải ngân chậm do các dự án đầu tư công không đảm bảo tiến độ.

NHNN bán ngoại tệ trong quí 4-2016

Thống kê cho thấy trong quí 4- 2016, NHNN đã bán ra 1,26 tỉ đô la Mỹ để can thiệp thị trường ngoại hối. Dù vậy, dự trữ ngoại hối năm 2016 của NHNN vẫn tăng thêm 8,39 tỉ đô la Mỹ khi trước đó - chín tháng đầu năm - cơ quan này đã mua vào 9,65 tỉ đô la Mỹ . Nếu so với mức suy giảm dự ngoại hối hơn 6 tỉ đô la Mỹ trong năm 2015 thì việc NHNN mua được một lượng lớn ngoại tệ trong năm 2016 trong bối cảnh đồng đô la Mỹ tăng giá trên thị trường quốc tế là một điểm sáng tích cực.

Như đã nói, khả năng nguồn tiền gửi tại các ngân hàng đã dịch chuyển từ tiền gửi ngoại tệ sang tiền đồng sau khi trần lãi suất huy động đô la Mỹ về 0% đã giúp các ngân hàng mua được một lượng vốn ngoại tệ đáng kể và sau đó bán lại cho NHNN, nhất là khi việc kiểm soát và ổn định thị trường ngoại hối khiến kênh đầu tư ngoại hối trở nên kém hấp dẫn hơn.

Ngoài ra, khoản mục lỗi và sai sót năm 2016 chứng kiến ở mức cao gần 9,6 tỉ đô la Mỹ, tiếp tục tăng lên so với năm 2015 và là mức cao nhất kể từ năm 2009 đến nay. Đáng chú ý riêng quí 4-2016, lỗi và sai sót ở mức rất cao, đến 4,94 tỉ đô la Mỹ (quí 4-2015 con số này là 4,98 tỉ đô la).

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/159183/can-can-tong-the-thang-du-cao-nhat-trong-bon-nam-qua.html/