Cán bộ trẻ giỏi: Trách nhiệm với nhân dân, với công việc và bản thân

TPHCM đã có nhiều chủ trương, biện pháp từng bước cải cách hành chính trên nhiều mặt. Tuy nhiên, quá trình triển khai công tác này vẫn còn vướng một số khó khăn, lực cản và rất cần có sự chung tay góp sức của đội ngũ cán bộ công chức trẻ. Chương trình giao lưu, tuyên dương “Cán bộ, công chức trẻ giỏi, thân thiện, làm theo lời Bác” do Thành Đoàn TPHCM tổ chức ngày 3-9, phần nào giúp chúng ta hình dung rõ hơn về chân dung của những cán bộ trẻ.

Chân dung cán bộ trẻ Cô cán bộ tiếp dân Nguyễn Lê Phương Thảo (Văn phòng UBND huyện Cần Giờ) vui vẻ kể về công việc tiếp dân, tiếp nhận đơn thư khiếu nại tố cáo của mình: Người dân tìm đến mình ai cũng có ít nhiều bức xúc, có người dễ chịu, có người rất khó chịu và cái khó của người cán bộ tiếp dân chính là làm hài lòng người dân. Bên cạnh đó, công việc này còn đòi hỏi người cán bộ tiếp dân vừa có kỹ năng vừa có tấm lòng với người dân nữa… Một lần, Thảo gặp một bà cụ ngoài 90 tuổi ở xã An Thới Đông. Cụ chỉ sống một mình vì con cái đã chia chác hết số đất đai rồi quên luôn người mẹ già tội nghiệp. Bà cụ đến nhờ cô cán bộ trẻ tìm cách lấy lại đất đai để bán lấy tiền chữa bệnh. Nghe hoàn cảnh xúc động này, Thảo liên hệ ngay với xã. Ngay sau đó, cô cùng các cơ quan chức năng tiến hành xác minh lại những phần đất của bà cụ. Ngặt nỗi, cụ bà đã bị lẫn, ra đến hiện trường mà không nhớ nổi vị trí đất của mình ở đâu. Hai lần xác minh đều không đem lại kết quả khả quan. Thảo đành nhờ chính quyền địa phương chăm lo đến cụ hơn chứ không còn cách nào khác… Biết được hoàn cảnh của các em nhỏ hiện đang sống trong các mái ấm, nhà mở không có giấy khai sinh, anh cán bộ trẻ Nguyễn Thành Băng, chuyên viên Phòng Hộ tịch - Lý lịch tư pháp - Quốc tịch, Sở Tư pháp TPHCM, liền nghĩ ra sáng kiến làm giấy khai sinh cho các em. Anh cùng các đồng nghiệp của mình xuống các mái ấm, nhà mở rà soát, lập danh sách những em nhỏ chưa có giấy khai sinh. Anh mời một số cơ quan chức năng cũng như đại diện UBND các xã phường thị trấn nơi các mái ấm nhà mở đặt trụ sở cùng tham gia tìm cách làm giấy khai sinh càng sớm càng tốt cho các em. Từ sáng tạo và tấm lòng của anh cán bộ 26 tuổi, nhiều trẻ em đường phố đã có “tấm hộ chiếu” vào đời. Khi được đặt vấn đề, thanh tra xây dựng là nghề rất dễ bị “lung lay” tư tưởng bởi hành vi lót tay của những công trình thi công sai quy định, anh Nguyễn Tùng Bảo Thanh - Tổ phó Tổ kiểm tra xây dựng, Thanh tra xây dựng quận 12 chỉ cười: Yếu tố quan trọng đối với chuyên viên ngành xây dựng là phải nắm vững những quy định của pháp luật khi kiểm tra xây dựng, xử lý các văn bản để người dân không khiếu nại và cũng không có điều kiện… “lót tay”. Với một nghề khá “nhạy cảm” trên một địa bàn mà chỉ tính trong 7 tháng đầu năm 2009, đã có trên 4.000 công trình được cấp phép xây dựng, đòi hỏi những cán bộ trẻ tuổi như anh Thanh phải luôn đấu tranh với chính mình để chống lại cám dỗ. Trách nhiệm công dân Có thể nói, việc cán bộ công chức trẻ tham gia cải cách hành chính đã góp phần khẳng định vai trò của thanh niên trong việc gánh vác trách nhiệm cùng xã hội. Hình ảnh người cán bộ công chức trẻ có ý thức trách nhiệm với nhân dân, công việc và bản thân đã từng bước xóa bỏ hình ảnh tụt hậu, trì trệ của bộ máy hành chính từng làm ưu phiền nhiều người dân. Phó Giám đốc Sở Xây dựng Đỗ Phi Hùng nhận định: Chúng tôi đánh giá rất cao vai trò của cán bộ trẻ. Họ luôn là lực lượng xung kích, đi đầu trong việc đưa ra những giải pháp xung quanh vấn đề cải cách hành chính. Thời gian qua, nhiều thủ tục hành chính của Sở đã được đơn giản hơn, thời gian chờ đợi của khách hàng giảm đi đều có sự nỗ lực gánh vác không nhỏ của đội ngũ cán bộ trẻ. Trong thời gian tiếp nhận hồ sơ của dân cũng như tiếp xúc với công dân, nhiều cán bộ trẻ đã thể hiện được sự nhiệt tình, niềm nở. Chúng tôi luôn đặt niềm tin vào đội ngũ kế thừa này”. Từ năm 2002, Thành Đoàn TPHCM đã triển khai thực hiện chương trình “Đoàn tham gia cải cách hành chính”, trong đó trọng tâm là phong trào 3 trách nhiệm (trách nhiệm với nhân dân, trách nhiệm với công việc, trách nhiệm với bản thân). TPHCM hiện có trên 7.800 cán bộ công chức và 1/3 trong số đó là những công chức trẻ. Lời dạy của Bác: “Không biết thì học, học để làm được, chỉ đòi hỏi có quyết tâm hay không” như nhắc nhở mỗi cán bộ trẻ phải ý thức học tập, hoàn thiện bản thân. Mỗi cán bộ công chức trẻ hôm nay cần xác định hành động, việc làm cụ thể thực hiện tốt chức trách, bổn phận đã được nhân dân giao phó. Làm được như thế, TPHCM sẽ có thêm nhiều cán bộ trẻ giỏi, thân thiện… Thạch Thảo

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/chinhtri/2009/9/201694/