Cần bổ sung thêm chế tài quản lý

Thuế là nguồn thu chính của ngân sách, Nhà nước đã tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp (DN) mở rộng sản xuất - kinh doanh, thế nhưng không ít DN vẫn cố tình nợ thuế, thậm chí trốn thuế gây thất thu ngân sách.

Số nợ thuế vẫn lớn

Theo báo cáo của Cục Hải quan TP. Hà Nội gửi Tổng cục Hải quan về số nợ thuế phát sinh trong tháng 10/2016, thuộc phạm vi ngành quản lý (Thuế hàng hóa đã thông quan; thuế phải nộp ở các nghĩa vụ thuế sau thông quan, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng...) đáng chú ý số nợ thuế của các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn TP Hà Nội tăng. Trong tổng số gần 800 tỉ đồng nợ thuế, có đến 480 tỉ đồng là nợ quá hạn. Đặc biệt, số nợ khó có khả năng thu hồi khoảng 431 tỉ đồng.

Nhiều DN thành lập xong biến mất gây ra thất thu thuế. Ảnh minh họa.

Cũng theo cục Hải quan Hà Nội, số hàng hóa của đối tượng nợ thuế này chủ yếu tập trung vào: hàng hóa đã thông quan, thuế phải nộp ở các nghĩa vụ thuế sau thông quan, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng...

Hiện, số nợ thuế có khả năng thu hồi trong tháng 10/2016 của Hải quan Hà Nội chỉ đạt 25,6 tỉ đồng (chiếm chưa đầy 6% số nợ thuế khó thu). Phần còn lại, nhiều khả năng số nợ thuế khó thu đang chuyển dần thành số nợ thuế không thể thu hồi trong năm 2016. So sánh tổng số nợ thuế tháng 10/2016 của Hải quan Hà Nội với tháng 9/2016, số nợ thuế của các DN thuộc ngành Hải quan TP quản lý tăng hơn 6,8 tỉ đồng và so với tháng 12/2015, tăng gần 12 tỉ đồng. Theo lý giải về số nợ thuế của Hải quan Hà Nội, số nợ thuế tập trung nhiều vào đối tượng nộp thuế đã có quyết định giải thể doanh nghiệp của các cấp có thẩm quyền; nợ thuế của những đối tượng "bỏ trốn", "mất tích" hoặc không còn kinh doanh tại địa chỉ đăng ký, ngừng hoặc tạm ngừng kinh doanh không khai báo cơ quan chức năng. Thực trạng này đã và đang gây không ít khó khăn cho các cơ quan quản lý.

Nhiều DN “cửa đóng then cài”

Thực trạng có không ít doanh nghiệp tuy có trưng biển, nhưng lại “cửa đóng then cài”. Tìm hiểu mới biết, đây là những DN có quy mô nhỏ, mang tính chất gia đình, thậm chí có những DNchỉ có 5 hoặc 7 nhân viên, sản xuất, kinh doanh không ổn định.

Thực trạng này không chỉ gây khó khăn cho công tác truy thu thuế của các đơn vị thuế mà các đơn vị khác như Liên đoàn lao động, Bảo hiểm xã hội... cũng trong tình trạng nhiều lần xuống tận địa bàn để liên hệ nhưng tới nơi thì “cửa đóng then cài” nên đành ra về.

Thừa nhận thực trạng khó khăn này, đại diện một Chi cục Hải quan trên địa bàn Hà Nội cho biết, nhiều DN cố tình chây ì không chịu nộp thuế, kể cả khi cơ quan chức năng thông báo nhiều lần. Chỉ khi DN biết sẽ bị cưỡng chế mới vội vã đi nộp. Thậm chí, có trường hợp sáng hôm sau sẽ cưỡng chế, cuối giờ chiều DN đến nộp tiền.

Ý kiến về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Đắc Thực – Giám đốc Công ty Luật Minh Thư cho rằng, cần xem xét điều chỉnh lại Luật Doanh nghiệp theo hướng phải có chế định xử lý về DN bỏ trốn. Cạnh đó, cần có quy định về việc phối hợp giữa cơ quan thuế và bên đăng ký kinh doanh về hoạt động của DN để biết được các DN đang làm gì, ở đâu để còn biết thu thuế. Cụ thể, ví dụ một DN chỉ cần 2 lần liên tục không thực hiện báo cáo thuế, thì cơ quan Thuế, Hải quan báo ngay cho cơ quan đăng ký kinh doanh để đi kiểm tra nội tình doanh nghiệp. Hay phải quy định cụ thể về việc quản lý hoạt động của DN theo thời gian. Ví như DN mất liên lạc 6 tháng liên tục thì bị rút giấy phép.

Tuệ Liên

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/can-bo-sung-them-che-tai-quan-ly-46057.html