Cần bổ sung quy định về truy xuất nguồn gốc rau

TPHCM đã triển khai chương trình truy xuất nguồn gốc rau từ ngày 18-1-2017. Sau hơn 3 tháng thực hiện, mặc dù đã đạt được những kết quả bước đầu nhưng vẫn còn nhiều ý kiến cho rằng cần phải bổ sung nhiều quy định cũng như thống nhất các tiêu chuẩn...

Thông tin về đơn vị sản xuất, phương pháp canh tác được thể hiện sau khi người tiêu dùng sử dụng điện thoại thông minh "soi" vào mã QR code trên bao bì rau. Ảnh: Vũ Yến

Bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Giải pháp và Dịch vụ truy xuất nguồn gốc (Traceverified), đơn vị phối hợp hỗ trợ xây dựng mã vạch QR code cho chương trình, cho rằng các cơ quan chức năng cần cập nhật, bổ sung quy định về việc khai báo thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Theo bà Minh, Luật An toàn thực phẩm cũng như Thông tư 74 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có đề cập tới việc nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm trong việc thông tin về nguồn gốc xuất xứ sản phẩm. Tuy nhiên, thông tin về nguồn gốc xuất xứ được đề cập tại những văn bản đó khá chung chung, không cụ thể và chưa đầy đủ. "Trong khi đó, để thông tin truy xuất nguồn gốc thực phẩm được đầy đủ, cần có các thông tin về quá trình canh tác (sản phẩm xuất xứ từ đơn vị nào, quy trình gieo trồng ra sao, sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón gì, có đúng quy định an toàn hay không…); quá trình thu hoạch...", bà Minh nói.

Vì vậy, theo bà Minh các cơ quan quản lý nhà nước cần có những quy định pháp lý chặt chẽ hơn về vấn đề nguồn gốc xuất xứ sản phẩm.

“Những vấn đề cụ thể về truy xuất nguồn gốc như đã nói có thể đơn vị sản xuất không thể hiện hết trên bao bì sản phẩm, hay người tiêu dùng đôi khi cũng không quan tâm nhiều nhưng trong hệ thống thông tin của đơn vị sản xuất buộc phải có, phải lưu trữ để cơ quan chức năng theo dõi, nắm bắt thông tin để lỡ có sự cố thì sẽ truy xuất được nguyên nhân”, bà Minh nói.

Đồng thời, bà Minh cũng cho biết, các cơ quan chức năng cần đưa ra một logo chuẩn, thống nhất cho tiêu chuẩn VietGap. Bởi theo bà, hiện nay có nhiều công ty chứng nhận VietGAP, theo đó, logo mỗi nơi làm một mẫu, gây sự băn khoăn không đáng có cho người tiêu dùng.

Là một trong hai đơn vị tham gia vào chương trình truy xuất nguồn gốc rau, ông Nguyễn Quốc Toản, Phó chủ nhiệm HTX Phú Lộc (Củ Chi, TPHCM), cho biết khó khăn khi tham gia vào chương trình đó là tốn thêm nhân lực để hướng dẫn người nông dân cập nhật thông tin truy xuất nguồn gốc rau trên máy và dán tem truy xuất. Tuy nhiên, theo ông Toản, lợi ích mà chương trình mang lại là khá lớn. Đó là làm thay đổi tư duy trồng trọt, tăng trách nhiệm của người sản xuất.

“Với việc tham gia chương trình, trong quá trình sản xuất người nông dân bên cạnh thói quen ghi chép bằng giấy, bút theo kiểu truyền thống cũng đã được hướng dẫn để nhập dữ liệu trên máy. Tất nhiên quy trình nhập này bà con nông dân cũng gặp không ít khó khăn, lúng túng. Tuy nhiên, việc ghi các thông tin cụ thể, rõ ràng về quy trình sản xuất, sử dụng loại phân bón gì, cách ngày thu hoạch bao lâu... làm người nông dân có ý thức, trách nhiệm hơn trong việc tạo ra sản phẩm rau an toàn”, ông Toản nói thêm.

Nói về tem truy xuất, ông Toản cho biết hiện nay đơn vị mua tem trắng với giá 100.000 đồng/5.700 tem, cộng với 300.000 đồng/cuộn mực in, cứ mỗi 1kg rau HTX sẽ tốn 2,5 tem. Theo ông Toản, mức chi phí này khá hợp lý. Ngoài ra, khi cung ứng rau vào hệ thống siêu thị Co.opMart, HTX còn được hỗ trợ 500 đồng/kg rau.

Về phía hệ thống siêu thị, đại diện Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) cho biết, thời gian đầu khi mới triển khai chương trình truy xuất nguồn gốc người tiêu dùng rất hào hứng, nhiều người sử dụng điện thoại thông minh để “truy” nguồn gốc rau. Hiện nay, sau một thời gian, vì đã quen, khá tin tưởng nên rất ít người tiêu dùng kiểm tra.

Đánh giá về tác động của chương trình, vị này cho biết, thực tế lượng rau tiêu thụ không tăng đáng kể, tuy nhiên chương trình đã tạo được niềm tin cho người tiêu dùng.

“Trong bối cảnh nguồn gốc thực phẩm nhập nhèm như hiện nay, việc truy xuất được nguồn gốc rau nói riêng và các loại thực phẩm khác nói chung sẽ có ý nghĩa lớn trong việc tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Từ đó, làm cơ sở giúp cơ quan chức năng quản lý tốt hơn về chất lượng sản phẩm”, vị này nói.

Ông Trần Ngọc Hổ, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM, cho biết sắp tới thành phố sẽ nhân rộng việc dán tem truy xuất nguồn gốc thực phẩm. Đối tượng tham gia là các tổ chức, cá nhân có quy trình kiểm soát chất lượng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP… từ sản xuất đến sơ chế, đóng gói, phân phối ra thị trường.

Đặc biệt, ưu tiên cho các tổ chức, cá nhân thực hiện bao tiêu sản phẩm cho nông dân, có mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi. Hình thức hỗ trợ gồm kỹ thuật, quảng bá, kết nối tiêu thụ và một phần kinh phí đầu tư ban đầu và chỉ áp dụng với tổ hợp tác, HTX.

Theo báo cáo sơ kết của Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM – đơn vị chủ trì thực hiện, sau hơn 3 tháng triển khai thí điểm, tổng sản phẩm rau, củ, quả có dán tem truy xuất nguồn gốc của 2 HTX (HTX Nông nghiệp SX – TM – DV Phước An, xã Tân Quý Tây, huyện Bình Chánh và HTX TM DV Phú Lộc, Bình Chánh) cho sản phẩm sản xuất của 168 hộ, với sản lượng 8-10 tấn/ngày, chiếm khoảng 60% sản lượng sản phẩm bán ra thị trường của 2 HTX. Sản lượng sản phẩm có dán tem truy xuất nguồn gốc tăng 100% so với thời điểm công bố.
Trong đó HTX Phú Lộc đã nhân rộng dán tem truy xuất của 82 hộ nông dân cung cấp rau, đã dán tem cho 16 chủng loại sản phẩm, với sản lượng khoảng 5-6 tấn/ngày (sản phẩm có dán tem truy xuất), chiếm tỷ lệ bình quân 60% sản lượng sản phẩm ra thị trường. HTX Phước An đã nhân rộng dán tem truy xuất đến 86 hộ nông dân cung cấp rau, tổng số chủng loại rau là 141 loại, sản lượng rau có dán tem truy xuất khoảng 3-4 tấn/ngày.
Tại hệ thống siêu thị Co.opMart sản lượng tiêu thụ đối với các sản phẩm dán tem truy xuất nguồn gốc của 2 HTX tăng bình quân 10-15%.

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/160097/can-bo-sung-quy-dinh-ve-truy-xuat-nguon-goc-rau.html/