Cán bộ ngân hàng đánh nhân viên cây xăng bị xử lý như thế nào?

Tùy vào mức độ vi phạm có thể bị xử lý hành chính hoặc xử lý trách nhiệm hình sự - Tiến sỹ, luật sư Nguyễn Trọng Hải, Trưởng Văn phòng Luật sư Trọng Hải và cộng sự cho biết.

Trước đó, vào khoảng 8 giờ 10 ngày 24/10, anh Hoàng Hữu Đức - Sinh năm 1979, nhân viên Ngân hàng hợp tác xã Việt Nam tại Nghệ An (Co-op Bank) đi chiếc xe ô tô biển kiểm soát 37A - 321.99 vào đổ xăng tại cửa hàng Nghi Phú, thuộc Công ty PTS Nghệ Tĩnh (xã Nghi Phú, TP Vinh).

Tại đây, anh Đức đã yêu cầu bơm 500.000 đồng tiền xăng. Sau đó, thanh niên này rời đi, một lúc sau thì quay lại và phản ánh cây xăng bơm thiếu.

Đồng thời, khách hàng này lớn tiếng yêu cầu chị Nguyễn Thị Ngọc - Nhân viên tại cửa hàng xăng dầu Nghi Phú phải bơm thêm xăng vào xe.

Trong khi đó, nhân viên này lại đề nghị khách hàng kiểm tra kỹ đồng hồ. Trong lúc bức xúc, người thanh niên này đã chạy lại giật lấy cò bơm xăng và đánh vào đầu chị Ngọc.

Ngay sau đó, phát hiện thấy nữ nhân viên chảy máu, nam khách hàng ra liền chạy tới quàng tay vào đầu, giữ vết thương. Đồng thời dìu nữ nhân viên này vào bên trong cửa hàng xăng dầu, tạm thời dùng khăn cầm máu và đưa đến bệnh viện 115 cấp cứu.

Tại bệnh viện, các bác sĩ kiểm tra và đã xác định chị Ngọc bị thương ở phần mềm, may mắn không ảnh hưởng phần xương và não. Bác sĩ đã khâu và băng bó cho về nhà điều trị.

Sau khi sự việc xảy ra, Công ty cổ phần vận tải và dịch vụ Petrolimex Nghệ Tĩnh (PTS Nghệ Tĩnh - thuộc Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam) đã có mặt tại hiện trường và tiến hành lập biên bản vụ việc.

Anh Hoàng Hữu Đức đã công khai xin lỗi nữ nhân viên cửa hàng vì không giữ được bình tĩnh dẫn tới sự việc không đáng có. Ngoài ra, anh Đức xin chịu mọi chi phí điều trị và chăm sóc chị Ngọc.

Ông Đặng Công Linh - Giám đốc chi nhánh Ngân hàng hợp tác xã Việt Nam tại Nghệ An (Co-op Bank) cho biết, anh Hoàng Hữu Đức là cán bộ tín dụng, làm việc tại ngân hàng 10 năm nay. Phía ngân hàng sẽ yêu cầu anh Đức viết bản tường trình, làm rõ trách nhiệm và phải bồi thường cho người bị hại.

Trước sự việc trên, trao đổi với PV, Tiến sỹ, luật sư Nguyễn Trọng Hải, Trưởng Văn phòng Luật sư Trọng Hải và cộng sự cho biết: “Hành vi lớn tiếng, đôi co, dùng vòi bơm xăng đánh vào đầu chị Nguyễn Thị Ngọc là hành vi trái quy định của pháp luật. Tùy vào mức độ vi phạm có thể bị xử lý hành chính hoặc xử lý trách nhiệm hình sự”.

Cho rằng đổ thiếu, cán bộ ngân hàng đã dùng vòi bơm xăng đánh vào đầu nhân viên của hàng.

Cụ thể: Hành vi gây tổn hại cho sức khỏe của chị Ngọc là hành vi trái quy định của pháp luật, xâm phạm tới danh dự, nhân phẩm và sức khỏe của chị Ngọc.

Dựa vào hành vi của anh Hoàng Hữu Đức, có thể bị xử phạt một hoặc nhiều hành vi theo quy định tại điều 5, Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình.

Ngoài ra, nếu hành vi này thỏa mãn các yếu tố cấu thành tội phạm, anh Hoàng Hữu Đức có thể bị xử lý trách nhiệm hình sự về tội “Cố ý gây thương tích” điều 104 (BLHS năm 1999, SĐ,BS năm 2009) hoặc tội “Gây rối trật tự công cộng” theo quy định tại điều 245 (BLHS năm 1999, SĐ,BS năm 2009)”.

Hơn nữa, vì anh Hoàng Hữu Đức là cán bộ chi nhánh Ngân hàng hợp tác xã Việt Nam tại Nghệ An (Co-op Bank) và có thâm niên công tác đã hơn 10 năm. Dựa vào mức độ vi phạm có thể bị xử lý kỷ luật theo Luật cán bộ công chức năm 2008 - Tiến sỹ, luật sư Nguyễn Trọng Hải cho biết thêm.

Rõ ràng, với một cán bộ ngân hàng đã công tác hơn 10 năm, hành vi chửi bới, đôi co, dùng vòi bơm xăng đánh vào đầu người khác là trái với đạo đức cũng như trái với quy định của pháp luật - Tiến sỹ, luật sư Nguyễn Trọng Hải nhấn mạnh.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/can-bo-ngan-hang-danh-nhan-vien-cay-xang-bi-xu-ly-nhu-the-nao-2492699-l.html