“Cán bộ là người anh, người chị, người bạn của bộ đội” (Bài 1)

“Cán bộ là người anh, người chị, người bạn của bộ đội” (Bài 1)

LTS: Đoàn B15, Quân khu 5 là đơn vị điển hình trong thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” mà nổi bật là thực hiện tốt mối quan hệ “cán - binh”, thể hiện tình yêu thương đồng chí, đồng đội. Nhân 40 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ, Báo Quân đội nhân dân vừa phối hợp với Đoàn B15, Quân khu 5 tổ chức tọa đàm với chủ đề “Người đội trưởng, người chính trị viên phải là người anh, người chị, người bạn của đội viên”. Kể từ số báo hôm nay chúng tôi xin giới thiệu những kinh nghiệm rút ra từ buổi tọa đàm. Bài 1: Đối thoại dân chủ Đối thoại dân chủ là để cán bộ gần gũi, hiểu tâm tư, nguyện vọng của chiến sĩ, thực sự trở thành "người anh, người chị, người bạn của đội viên", như lời căn dặn của Bác. Tuy nhiên để đối thoại được thực sự dân chủ còn đòi hỏi phẩm chất, tác phong của người cán bộ. Để chiến sĩ “cởi ruột, cởi gan” Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tuấn, Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 5 rất tâm đắc với hình thức đối thoại dân chủ. Anh cho rằng chỉ có mở rộng dân chủ, thực hành bình đẳng chính trị thì mới thực hiện tốt được mối quan hệ “cán - binh” theo lời dạy của Bác. - Chúng ta vẫn thực hiện dân chủ đấy chứ? Tôi hỏi. - Đúng thế, nhưng không phải dễ làm cho quần chúng cởi mở nói thẳng, nói thật. Đáng ngại nhất là dân chủ hình thức. Ngay ở Quân khu 5 mấy năm trở lại đây có rất nhiều chuyển biến, nhưng không phải không còn những phân đội có lúc vẫn dân chủ hình thức, thậm chí cá biệt cũng còn mất dân chủ! Tôi gợi hỏi: - Nguyên nhân dẫn đến dân chủ hình thức? - Vì cán bộ không sâu sát, không gần gũi, không thương yêu, không quan tâm chiến sĩ, nên chiến sĩ không “cởi ruột, cởi gan” nói thật với cán bộ… Có lẽ lâu nay công tác đào tạo mới chỉ chú trọng hướng dẫn cán bộ “làm quan” chứ chưa coi trọng dạy cán bộ làm anh, làm chị, làm bạn với đội viên (bộ đội). Mà khó nhất là làm bạn, như lời căn dặn của Bác. Đồng chí dẫn chứng ở Quân khu 5 có hiện tượng một số sĩ quan trẻ, sĩ quan mới ra trường lại tỏ ra quan cách, thiếu tác phong sâu sát hơn so với cán bộ có thâm niên công tác lâu hơn, quân hàm, chức vụ cao hơn. Những “quan trẻ” đó hằng ngày cùng ăn, cùng ở, cùng làm với chiến sĩ đấy mà vẫn không hiểu chiến sĩ. Họ không “nghe” được chiến sĩ nói, nên cũng không biết chiến sĩ nghĩ gì, làm gì. Chuyển sang bước hai thực hiện Cuộc vận động, Ban chỉ đạo Cuộc vận động Quân khu quyết định chọn xây dựng tình thương yêu đồng chí, đồng đội là một trong những nội dung để “làm theo”. Đó cũng là “khâu khó, việc khó” phải khắc phục theo Nghị quyết của Đảng ủy Quân khu. “Tôi học ở Bộ trưởng” Đó là câu nói rất xúc động của Đại tá Trương Đức Nghĩa, Đoàn trưởng Đoàn B15, Quân khu 5, khi mà có nhiều ý kiến, nhất là chiến sĩ phát biểu ca ngợi anh có tác phong sâu sát, thương yêu bộ đội. Anh nói: - Khi Đại tướng Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh còn là Tổng Tham mưu trưởng đã về thăm đơn vị chúng tôi. Đồng chí hỏi những khó khăn, chúng tôi băn khoăn không dám báo cáo hết, nhất là nước cho bộ đội sinh hoạt. Thủ trưởng đi kiểm tra. Thấy giếng nước cạn, thủ trưởng vỗ vai thân mật một chiến sĩ và hỏi “Lên giường các cậu có rửa chân không?”. Chiến sĩ trả lời “Báo cáo thủ trưởng, chỉ hai xoa ba đập thôi ạ”. Thấy được khó khăn ngoài khả năng của cơ sở, đồng chí quyết định cấp ngay 600 triệu đồng cho đơn vị đào giếng, làm hệ thống nước sạch phục vụ bộ đội. Anh Nghĩa khẳng định: - Nếu chỉ nghe báo cáo mà không đến tận nơi kiểm tra, không hỏi chiến sĩ thì ngày ấy chắc chắn đồng chí Phùng Quang Thanh không thể biết được sự thật về tình hình khan hiếm nước của bộ đội. Đó là bài học sâu sắc mà tôi học được. Có rất nhiều chuyện mà cán bộ, chiến sĩ đơn vị kể cho chúng tôi nghe về những hình thức đối thoại dân chủ của Đại tá Trương Đức Nghĩa với chiến sĩ. Điển hình như một lần đến sinh hoạt dân chủ ở Đơn vị M43, tới bữa trưa, anh “nhảy” về ăn ở bếp ăn Phân đội 2, thấy chiến sĩ chỉ chọn dãy bàn ăn phía dưới ngồi. Gợi hỏi, một chiến sĩ nói với anh “Nhà bếp chia cơm dãy dưới nhiều hơn!”. Sau đấy anh quyết định cân cơm chia đều và đến nay tất cả bếp ăn của các đơn vị trong đoàn đều thực hiện, tránh được tình trạng gạo thì “ba bên” cân đủ mà cơm chỗ thừa, chỗ thiếu. Cũng là quân phiệt Chuyện do Đại tá Lê Anh Thơ, Chính ủy Đoàn B15 kể. Ngày đó anh là Phó chỉ huy trưởng về chính trị Đơn vị M02, Đoàn B05, Quân khu 5. Hơn 8 giờ tối, anh “đột nhập” vào phòng ngủ Đại đội 5, Phân đội 2. Đứng nép sau cánh cửa nhìn vào, anh thấy một chiến sĩ tay cầm chiếc tăm đo xung quanh giường trung đội trưởng, mồm thì đếm… Đo xong ra báo cáo trung đội trưởng. Một mệnh lệnh phát ra bằng ký hiệu của đôi tay trung đội trưởng. Đồng chí chiến sĩ lại vào đo lại, cứ thế đến ba, bốn lần… Hỏi mới biết chiến sĩ này bị trung đội trưởng Th. phạt! Đồng chí Thơ triệu tập ngay cán bộ, kể lại hành động quân phiệt đó. Anh rơm rớm nước mắt nói: - Các đồng chí có biết mỗi chiến sĩ là một tài sản vô giá của gia đình mà nhân dân tin cậy gửi vào quân đội rèn luyện không? - Thưa thủ trưởng có ạ - Mọi người đồng thanh nói. - Thế tại sao các đồng chí lại đối xử với chiến sĩ trái với bản chất, truyền thống của quân đội ta như thế?... Thật là một bài học thấm thía cho trung đội trưởng Th. "Em định bỏ ngũ đấy" Phát biểu ý kiến tại buổi tọa đàm, Thiếu tá Đinh Văn Hưng, Chính trị viên Phân đội 1, Đơn vị M43, Đoàn B15, kể lại câu chuyện trên và phân tích kỹ về tác phong sâu sát của người cán bộ, nên đã chỉ ra được “góc khuất” đó. - Động lực nào thôi thúc người cán bộ phải có tác phong sâu sát? - Một ý kiến hỏi lại. Hưng nói: - Đó là tình thương yêu bộ đội. Ở đâu cán bộ gương mẫu, quan tâm đến cấp dưới thì ở đấy đơn vị đoàn kết, hoàn thành nhiệm vụ. Còn Binh nhất Phạm Minh Vương, Tiểu đội 8, Trung đội 2, Đại đội 1, Phân đội 1 thì nói: - Năm ngoái, khi mới nhập ngũ, một lần tôi đã xếp gọn ba lô định trốn về nhà mấy ngày, thì ngay tối hôm ấy Trung úy Võ Hùng, Chính trị viên đại đội gặp tôi hỏi: “Có chuyện gì mà mấy hôm nay em buồn thế?”. Tôi chột dạ, đành báo cáo thật, lâu không được về nên nhớ nhà quá. Anh Hùng khen tôi có nhiều tài vặt, rồi hỏi chuyện gia đình vừa ân cần như người chị, vừa thân thiết như người bạn… Sau đó anh phân tích nguyên nhân mấy tháng nay bộ đội không được về tranh thủ vì đơn vị đang chuẩn bị phục vụ diễn tập. Anh động viên tôi cố gắng rèn luyện, đừng làm điều gì sai để bố mẹ buồn… Thật bất ngờ, sau lời khuyên bảo của anh Hùng, tôi lại báo cáo thật với anh: “Em đang định bỏ ngũ đấy”. Anh Hùng rất ngạc nhiên… vỗ vào vai tôi một cái, rồi nói: “Sao em dại thế, trốn về nhà thì cả anh và em bị kỷ luật, bố mẹ thì buồn, địa phương thì nghĩ xấu về mình”… Lần đầu tiên tôi khóc trong quân ngũ, khóc trước sự quan tâm giúp đỡ chân thành của anh Hùng. Nghe Vương kể, tôi lại nhớ những câu thơ chan chứa tình “cán-binh” của một chiến sĩ sau khi xuất ngũ về địa phương gửi cho đơn vị mà Thượng úy Nguyễn Như Chất, Chính trị viên Đại đội 20 Trinh sát, Đơn vị M43, đọc trong buổi tọa đàm: “… Ra quân đã mấy tháng rồi/ Mà em cứ ngỡ như ngày hôm qua…/Đại đội rất hiểu chúng ta/Ấm tình ngày ấy thật là khó quên…”. Đồng chí đồng đội, cấp trên cấp dưới phải thương yêu, đoàn kết sâu nặng lắm thì người về mới xúc cảm viết ra được những vần thơ chan chứa tình cảm tặng người ở lại như thế. Và cũng chỉ trên cơ sở hết lòng vì nhau mới có dân chủ, mới đối thoại được cởi mở, thực sự dân chủ. Bài và ảnh: TRUNG HỘI, HUY THIÊM Bài 2: Chăm lo thiết thực

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/QDNDSite/vi-VN/61/43/10/90/90/86428/Default.aspx