Cán bộ kiểm lâm đạp nhân viên thu phí: Lời thật BOT

Trạm BOT khẳng định, cho đến thời điểm hiện tại, trạm chưa nhận được một bộ hồ sơ tạm miễn phí nào của cán bộ kiểm lâm Trần Quang Lâm

Vụ việc ông Trần Quang Lâm - Cán bộ kiểm lâm thuộc Hạt Kiểm lâm huyện Lương Sơn (Hòa Bình) có hành vi hành hung nhân viên thu phí của trạm BOT QL6 Hòa Lạc - Hòa Bình (Hòa Bình) tiếp tục có những diễn biến mới.

Nhân viên trạm thu phí bị cán bộ Hạt kiểm lâm đá vào mặt (ảnh cắt từ clip)

Lời thật của trạm BOT

Chiều 2/11 trao đổi với Đất Việt, ông Hoàng Mạnh Hùng - Trạm trưởng Trạm thu phí BOT QL6 Hòa Lạc - Hòa Bình cho biết, hiện tại cơ quan Công an vẫn đang điều tra và dựng lại hiện trường vụ xô xát xảy ra hôm 29/10.

Ông Hùng cho biết thêm, người nhân viên bị cán bộ kiểm lâm huyện Lương Sơn hành hung bị thâm tím ở vùng ngực, đau trong vùng ngực, tay chân. Ngoài ra anh này còn bị vỡ một chiếc đồng hồ trong lúc xô xát.

Liên quan đến thông tin ông Trần Quang Lâm cho biết đã làm hồ sơ miễn thu phí dành cho đối tượng ưu tiên khi đi qua trạm BOT QL 6 Hòa Lạc - Hòa Bình được 3 tháng nhưng chưa được, ông Hùng khẳng định:

''Cho đến giờ trạm thu phí chưa nhận được một bộ hồ sơ nào của anh Lâm đưa lên. Sáng nay, Bộ Nông nghiệp phát triển nông thôn Hòa Bình rồi Thanh tra của Bộ xuống đây làm việc, và chúng tôi cũng đã cung cấp đầy đủ thông tin, chứng cứ về vụ việc''

Ông Hùng cũng nhấn mạnh rằng, theo chỉ đạo của UBND tỉnh Hòa Bình, thì phải tạm miễn phí qua trạm đối với người dân có phương tiện tại khu vực thị trấn Lương Sơn và 3 xã lân cận.

''Tuy nhiên, để có cơ sở tạm miễn cho người dân và phương tiện thì chính người dân phải làm thủ tục hồ sơ để công ty BOT có cơ sở tạm miễn thu phí. Những hồ sơ này còn được sử dụng để trạm BOT giải trình, báo cáo với Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Tài chính.

Nếu họ không làm thủ tục hồ sơ, không chứng minh được phương tiện đấy là của họ và họ ở trên địa bàn thị trấn Lương Sơn thì không có cơ sở gì để tạm miễn cho họ cả'' - ông Hùng lưu ý.

Ngoài ra, theo ông Hùng việc ông Lâm và một số người khác cho rằng, bản thân ông không đủ tiền mua xe mới nên không có chuyện xe chính chủ để làm hồ sơ tạm miễn phí khi đi qua trạm BOT là sai.

''Họ làm thế là vi phạm pháp luật. Theo quy định, khi mua bán xe cũ, sau 1 tháng họ phải có trách nhiệm sang tên đổi chủ. Chủ mua xe cũ hay xe mới đều phải có trách nhiệm sang tên đổi chủ. Điều này đã được quy định rất rõ ràng'' - ông Hùng nhấn mạnh.

Ai đúng ai sai?

Cùng ngày trao đổi với phóng viên, ông Đỗ Văn Sơn (45 tuổi, TT. Lương Sơn, Hòa Bình) cho biết, vụ việc ông Trần Quang Lâm có hành vi xô xát với nhân viên thu phí thì mọi người đều nắm được. Ông Sơn chia sẻ:

''Về chuyện này, chưa thể nói ai đúng ai sai nhưng phải bức xúc lắm thì anh Lâm mới có hành động bộc phát như vậy. Bản thân tôi là người dân cũng nhiều lần bức xúc, đặc biệt là trong vấn đề thu phí khi đi qua trạm.

Trạm BOT đã có chủ trương thu 30% số phí so với mức thu theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính. Về việc này chúng tôi đã nhiều lần phản đối nhưng đến nay vẫn chưa có câu trả lời chính thức.

Việc làm đường sẽ tiện lợi cho người dân cũng như phát triển kinh tế của vùng, thế nhưng làm xong đè chúng tôi ra thu phí thì chúng tôi không cần. Từ nhà tôi qua trạm chỉ 3 km, mỗi lần có công có việc đi qua là một lần đóng phí, tiền đâu cho đủ''

Về phía ông Trần Quang Lâm, vị cán bộ này cho rằng, bản thân là công chức nhà nước, không phải thuộc dạng côn đồ thích đánh nhau. Sự việc xảy ra là không ai mong muốn.

''Bản thân tôi quá bức xúc về việc nhân viên và lãnh đạo của trạm BOT QL6 Hòa Lạc - Hòa Bình làm việc vô trách nhiệm. Ban quản lý dự án BOT đã cam kết không thu phí của người dân sinh sống trong thị trấn Lương Sơn và cán bộ nhà nước.

Thế nhưng tôi đã gửi hồ sơ miễn thu phí lên ban quản lý được 3 tháng nay rồi nhưng lần nào đi qua cũng nhận được thông báo rằng chưa vào hệ thống. Lý do mà trạm BOT đưa ra là yêu cầu phải là xe chính chủ mới được đăng ký miễn thu phí.

Trong khi đó tôi làm gì có điều kiện mà mua xe mới nên phải mua xe cũ, mà đã là xe cũ thì làm sao chính chủ được. Thứ hai, đến CSGT toàn quốc cũng chưa làm việc này mà trạm BOT lại áp đặt cho người dân phải thực hiện'', ông Lâm phân trần.

Theo ông Lâm, khi xe bị chặn lại, ông có yêu cầu nhân viên cho gặp đội trưởng để giải trình thì nhân viên trạm BOT nói lại với ông rằng: ''Ông là cái ... gì mà bảo tôi đi gọi đội trưởng''.

''Chỉ vì câu nói xúc phạm đó đã khiến tôi bị áp lực, bức xúc dẫn đến hành động như vậy...'', vị cán bộ kiểm lâm nói

Trước đó, trưa 29/10, tại trạm thu phí quốc lộ 6 huyện Lương Sơn (Hòa Bình), ông Trần Quang Lâm lái ôtô đi vào làn thu phí hướng Hòa Bình - Hà Nội. Nhân viên Đặng Văn Ngọc cho rằng mình đề nghị dừng mua vé qua trạm, nhưng ông Lâm không mua mà còn lăng mạ.

Trích xuất camera giám sát tại trạm BOT vào thời điểm trên cho thấy ông Lâm đã tát, lao người qua cửa sổ cabin đạp nhân viên Đặng Văn Ngọc. Anh Ngọc đã phản ứng, đẩy ông Lâm ra ngoài. Vào can ngăn, nhân viên phân làn Lê Đức Dũng bị ông Lâm đấm vào ngực.

Trà Giang

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/can-bo-kiem-lam-dap-nhan-vien-thu-phi-loi-that-bot-3322222/