Cán bộ chuyên trách vừa thiếu, vừa yếu

Việc để người dân mất lòng tin vào thực phẩm trên thị trường hiện nay có trách nhiệm của những người làm công tác quản lý chuyên ngành. Năng lực hạn chế, thiếu cán bộ chuyên trách đang là vấn đề lớn trong quá trình cung cấp thực phẩm an toàn trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.

Theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm - ATVSTP (Sở Y tế TP Hồ Chí Minh), nhân sự hiện nay của đơn vị là 171 người. Ngoài Chi cục ATVSTP, còn có lực lượng gần 200 người thuộc các phòng y tế, trung tâm y tế dự phòng của 24 quận, huyện trên địa bàn tham gia quản lý an toàn thực phẩm tại cơ sở.

Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết, UBND thành phố đang làm Tờ trình đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét cho thí điểm thành lập Sở ATVSTP thành phố. Sở này sẽ chuyên trách toàn bộ vấn đề an toàn thực phẩm mà hiện nay do 3 sở (Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế và Công Thương) phụ trách, nhằm đưa công việc về một mối, từng bước hạn chế thực phẩm "bẩn", không an toàn trên thị trường.

Chi cục phó Chi cục ATVSTP TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết, thành phố rất quan tâm đến nhân sự quản lý ATVSTP bằng việc đưa mô hình thanh tra chuyên ngành vào thực hiện, trong đó đội ngũ cán bộ cơ sở ở tuyến phường, xã là nòng cốt. Tuy nhiên bà Mai cũng thừa nhận, trình độ của cán bộ cơ sở còn hạn chế, mặc dù đây là lực lượng quản lý nhiều lĩnh vực liên quan đến ATVSTP như thức ăn đường phố, hàng rong... Đội ngũ này không phải chuyên trách, mà kiêm nhiệm nhiều việc của trạm y tế, UBND các xã, phường. Đơn cử như quy định nhân sự cơ sở phải có ít nhất một năm kinh nghiệm quản lý an toàn thực phẩm thì có không ít người không đáp ứng được do chưa được đào tạo chuyên sâu. Bà Trịnh Thị Phương Thảo, Phó phòng Y tế quận 5 cho biết, có xảy ra những trường hợp cán bộ tuyến phường, xã lợi dụng việc thanh tra, kiểm tra để móc ngoặc với cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm làm sai lệch kết quả hoặc chưa mạnh dạn xử lý vi phạm.

Theo bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, để khắc phục tình trạng trên, khi thực hiện chương trình thí điểm thanh tra chuyên ngành ATVSTP, từng nhân sự kiêm nhiệm tại cơ sở sẽ được đi tập huấn kiến thức chuyên ngành, nghiệp vụ thanh tra. Sau đó, họ sẽ được hướng dẫn công tác, thậm chí là “cầm tay chỉ việc” để thành thạo quy trình. Bà Mai cũng cho biết, chương trình này sẽ được thực hiện liên tục, bởi nếu TP Hồ Chí Minh thành lập cơ quan chuyên trách về ATVSTP thì nhân sự thuộc tuyến cơ sở vẫn sẽ thuộc quận, huyện chứ không đưa về một mối như các sở, ngành.

Theo ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP TP Hồ Chí Minh, để tăng cường cán bộ ATVSTP về cấp cơ sở, thành phố đã yêu cầu các trường đào tạo về chuyên ngành y tế hỗ trợ công tác đào tạo nguồn nhân lực. Cụ thể, TP Hồ Chí Minh đề nghị Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch mở chuyên khoa đào tạo ATVSTP cho cán bộ đang thực hiện nhiệm vụ cũng như từ sinh viên. Sau khi tốt nghiệp, đội ngũ này được bố trí về công tác tại cơ sở. Hiện tại, để việc quản lý tại cơ sở đạt hiệu quả, Chi cục đã phát triển hệ thống “tổ tự kiểm tra”, bảo đảm tính thường xuyên và chính xác trong hoạt động thanh tra, kiểm tra. Để kiểm soát hệ thống này, Chi cục sẽ thường xuyên lập đoàn kiểm soát xem các tổ đã đủ năng lực, vận hành tốt hay chưa từ đó có những giải pháp cụ thể.

Trong khi đó, cũng cần bàn tới trách nhiệm của chính quyền phường, xã khi không nắm được các cơ sở sản xuất thực phẩm không phép đang hoạt động trên địa bàn mình quản lý. Thực phẩm "bẩn" đều khởi nguồn từ cấp phường, xã nhưng trái khoáy là khi vi phạm xảy ra lại không có ai bị quy trách nhiệm. Do đó, cần phải xác định xử lý trách nhiệm đơn vị, cá nhân có liên quan đến tình trạng bất cập trong quản lý ATVSTP hiện nay thì mới mong thay đổi được thực trạng thực phẩm "bẩn" đang hoành hành như hiện nay.

Tiến Thành

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Doi-song/851440/can-bo-chuyen-trach-vua-thieu-vua-yeu