Cán bộ các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long: Cấm rượu, bia trong giờ làm việc!

Thói quen “nhậu nhẹt” ở vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có từ thời “khẩn hoang”, đeo đẳng đến ngày nay. Cán bộ, công chức (CBCC) nơi đây cũng có thói quen ấy, đặc biệt là ở cấp cơ sở. Buổi chiều ở trụ sở UBND xã vắng hoe do cán bộ “bận”… đi nhậu, chuyện đó không phải cá biệt. Thói quen đó cản trở những nỗ lực cải cách hành chính, nâng cao năng lực phục vụ của bộ máy công quyền. Các tỉnh vùng ĐBSCL đã đồng loạt “tuyên chiến” với nạn nhậu nhẹt trong ngày làm việc. Nhiều cán bộ đã cố gắng “đoạn tuyệt” với rượu, bia.

Hình minh họa.

“Long An trung dũng kiên cường”

Tỉnh Long An có loại rượu nổi tiếng “nặng đô” là “rượu đế Gò Đen”. Người Long An uống rượu cũng nổi tiếng không kém. Người nơi xa, khi đến chơi Long An, sau khi “vô” vài xị rượu Gò Đen, thường ngân nga câu hát “Long An trung dũng kiên cường – Toàn dân đánh giặt mượn xuồng không cho”. Chuyện “mượn xuồng không cho” không biết thực hư ra sao, nhưng chuyện Long An đi đầu trong chống Mỹ cứu nước, được Trung ương tặng 8 chữ vàng “Trung dũng kiên cường – Toàn dân đánh giặc” là có thật, là niềm tự hào của người dân Long An.

Bước vào “Đổi mới”, Long An cũng từng làm “nổi đình nổi đám” với việc cải tiến phân phôi lưu thông. Và cũng chính tỉnh Long An đã tiên phong nói không với nạn uống rượu bia làm ảnh hưởng tới năng lực làm việc của bộ máy công quyền. Ngày từ năm 2007, Tỉnh ủy Long An đã có Chỉ thị 17 nổi tiếng qui định: Cán bộ, đảng viên không được uống rượu, bia trong ngày làm việc. Đã có không ít cán bộ vì không chấp hành nghiêm túc Chỉ thị 17 mà bị kiểm điểm, kỷ luật, trong đó có cả người đứng đầu một ngành.

Công bằng mà nói, từ khi có Chỉ thị 17, nạn nhậu nhẹt trong ngày làm việc ở tỉnh Long An đã giảm rất nhiều, nhất là ở cấp tỉnh. Tình hình ngày càng chuyển biến tốt hơn về cấp cơ sở, cùng với quyết tâm cải cách hành chánh của tỉnh này.

Sau Long An, nhiều tỉnh, thành phố trong vùng ĐBSCL cũng “tuyên chiến” với nạn CBCC uống rượu bia trong ngày làm việc. Thậm chí có lúc tỉnh Bến Tre còn tổ chức một đội công tác chuyên kiểm tra, xử lý các CBCC vi phạm qui định cấm uống rượu, bia trong ngày làm việc.

Từ bỏ một thói quen lâu đời, chuyện không phải dễ và cần có thời gian. Nhưng vi phạm qui định rất dễ bị kiểm điểm, kỷ luật. Vậy là những “bợm nhậu” ở miền Tây phải chờ đợi đến chiều thứ 6 cuối tuần để “nhậu” bù lại những ngày trước đó. Các hội nghị, họp mặt cơ quan cũng thường được tổ chức vào chiều thứ sáu, để sau hội nghị là có thể “nhậu” hơp pháp.

Phải thường xuyên “hâm nóng”

Tháng 6 vừa qua, Tỉnh ủy Trà Vinh ra Chỉ thị “Về việc không được uống rượu, bia trong giờ làm việc và việc chấp hành giờ giấc hành chính, kỷ luật phát ngôn của cán bộ, đảng viên”. Chỉ thị lần này tỏ rõ quyết tâm của tỉnh trong việc để CBCC “đoạn tuyệt” với rượu bia.

Theo Chỉ thị mới của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Trà Vinh, nếu CBCC nào vi phạm việc uống rượu, bia trong giờ làm việc sẽ bị kỷ luật nghiêm, đồng thời, tỉnh xem đây là tiêu chí bình xét thi đua, khen thưởng, đánh giá, bổ nhiệm, đề bạt, phân công cán bộ…

Theo đó, tất cả CBCC phải thực hiện nghiêm túc việc không được uống rượu, bia trong giờ hành chính, giờ nghỉ trưa của ngày làm việc, ngày trực, kể cả các hội nghị, liên hoan... cũng không phục vụ rượu, bia, đồ uống có cồn vào buổi trưa (trừ trường hợp công tác đối ngoại, tiếp khách Trung ương, khách ngoài tỉnh và doanh nghiệp ngoài tỉnh đến làm việc, quan hệ tìm hiểu đầu tư… nhưng được Thủ trưởng cơ quan, đơn vị phân công sau khi có ý kiến thống nhất của Thường trực Tỉnh ủy hoặc Chủ tịch UBND tỉnh).

“Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức vi phạm Chỉ thị này tùy theo tính chất, mức độ mà có hình thức xử lý nghiêm túc theo quy định của Đảng, Nhà nước. Nếu người đứng đầu có hành vi bao che, không xử lý vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý thì sẽ bị xử lý trách nhiệm. Cán bộ, công chức, viên chức khi phát hiện người vi phạm các nội dung trên cần thông báo với Thủ trưởng cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý biết để có biện pháp ngăn chặn, xử lý; đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý có hành vi vi phạm thì thông báo với người đứng đầu cơ quan cấp trên trực tiếp để có biện pháp xử lý”. Chỉ thị nêu rõ.

Trên thực tế, từ năm 2012, Tỉnh ủy Trà Vinh đã có Chỉ thị “Về việc cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức không được sử dụng rượu, bia trong giờ làm việc”, qua đó, thu được nhiều kết quả đáng kể. Đa số cán bộ, công chức, viên chức đã chấp hành nghiêm túc không sử dụng rượu, bia trong giờ làm việc và chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, kỷ luật phát ngôn, ý thức rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất đạo đức và chất lượng, hiệu quả công việc ngày càng được nâng lên.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức nhận thức và chấp hành chưa tốt, còn trường hợp vi phạm làm ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả công việc, ảnh hưởng đến đoàn kết nội bộ và ảnh hưởng đến sức khỏe, uy tín cá nhân và của cơ quan, đơn vị; công tác kiểm tra, uốn nắn, nhắc nhở, xử lý vi phạm của một số lãnh đạo ngành, địa phương chưa được thường xuyên, từng lúc thiếu cương quyết. Vì vậy mà lãnh đạo tỉnh phải tiếp tục “hâm nóng” chủ trương trên. Tỉnh ủy Trà Vinh còn chỉ đạo phổ biến rộng rãi Chỉ thị trong Nhân dân để cùng giám sát.

Hiện, Trà Vinh được xem là một trong những địa phương cực kỳ mạnh tay trong việc cấm CBCC ăn nhậu trong giờ làm việc. Từ nhiều năm qua, tỉnh này đã đưa ra những quy định nghiêm khắc cũng như các mức xử lý từ thấp đến cao như: Nhắc nhở, phê bình, cắt thi đua và cuối cùng là kỷ luật với nhiều mức khác nhau; thời gian xử lý trong vòng 30 ngày kể từ khi phát hiện vi phạm...

Lãnh đạo một cơ quan ở tỉnh Trà Vinh cho biết: “Sau hơn 1 tháng Chỉ thị được ban hành, các anh em trong cơ quan ai cũng chấp hành nghiêm túc. Bởi, chẳng ai muốn những nỗ lực phấn đấu của mình trong nhiều năm làm việc sẽ bị “đổ sông đổ biển” vì chuyện ăn nhậu. Ngay cả các vị lãnh đạo cũng rất sợ, vì họ sẽ liên đới bị trách nhiệm nếu để thuộc cấp mình vi phạm”.

Không chỉ rượu, bia

Tại tỉnh Đồng Tháp, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản để chấn chỉnh ý thức và thái độ chấp hành giờ giấc làm việc của CBCC trên địa bàn tỉnh, giúp CBCC có ý thức trong chấp hành giờ giấc làm việc tốt hơn. Tuy nhiên, ở nhiều sở, ngành và nhiều địa phương trong tỉnh có không ít CBCC sử dụng rượu, bia để tiếp khách trong giờ làm việc, ảnh hưởng đến việc giải quyết công việc chuyên môn và giờ giấc làm việc hành chính.

Để chấn chỉnh tình trạng này, tháng 9.2015, UBND tỉnh Đồng Tháp đã ban hành kế hoạch phòng, chống tác hại của việc lạm dụng đồ uống có cồn, trong đó có quy định CBCC không được sử dụng rượu bia, đồ uống có cồn trong giờ làm việc hay trong ngày làm việc, ngày trực. Đồng thời, quy định người đứng đầu có trách nhiệm đưa quy định cấm sử dụng rượu bia, đồ uống có cồn vào quy chế làm việc và giám sát thực hiện. Sau thời gian thực hiện quy định này, tình trạng sử dụng rượu, bia trong ngày làm việc tại tỉnh Đồng Tháp đã có chuyển biến rõ rệt.

Không chỉ cấm sử dụng rượu bia trong giờ làm việc, UBND tỉnh Đồng Tháp cũng đã ban hành quy định nghiêm cấm CBCC, viên chức la cà hàng quán và làm việc riêng trong giờ làm việc để tập trung suy nghĩ, giải quyết tốt công việc được giao. Quy định này cũng đã được các cấp, các ngành tỉnh triển khai thực hiện và tạo sự đồng thuận của nhân dân.

Việc chấn chỉnh giờ giấc làm việc của CBCC sẽ từng bước góp phần chấn chỉnh ý thức chấp hành thời gian làm việc hành chính của CBCC, đảm bảo các cơ quan có người trực thường xuyên và liên tục, không để xảy ra tình trạng vắng mặt khi các tổ chức và công dân đến liên hệ công tác. Người dân tỉnh Đồng Tháp cũng được thông báo rộng rãi chủ trương này để giám sát việc chấp hành của CBCC, thông báo về cơ quan có thẩm quyền khi có CBCC cố tình vi phạm.

Hình minh họa.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/thoi-su-xa-hoi/can-bo-cac-tinh-vung-dong-bang-song-cuu-long-cam-ruou-bia-trong-gio-lam-viec-577928.bld