Cần bảo vệ bền vững môi trường

Theo chương trình, tuần này, Quốc hội sẽ thảo luận về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017, Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020. Dù vậy, vấn đề bảo vệ môi trường - yếu tố bền vững trong phát triển kinh tế - xã hội đã được các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) liên tục đề cập ngay từ tuần làm việc đầu tiên.

Cảnh báo mức độ ô nhiễm môi trường của sông Tô Lịch, ĐB Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội, Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu trung ương) đề nghị, phải quyết liệt đầu tư cải tạo sông, xử lý tận gốc nguồn nước thải.

Chỉ rõ không riêng sông Tô Lịch mà nhiều sông đang bị ô nhiễm, ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Đoàn Hà Nội, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội) đề nghị Chính phủ phải đầu tư để làm sống lại các con sông, trước tiên là những con sông ở Thủ đô, vì sông có sạch, môi trường mới xanh, mới thu hút khách du lịch.

Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Trần Thị Quốc Khánh phát biểu trong buổi thảo luận tại hội trường. Ảnh: Nhật Nam

Theo ĐB Trần Thị Quốc Khánh, trong tái cơ cấu nền kinh tế, chúng ta cần phát huy nội lực và những đặc thù của đất nước và đặc biệt phải bảo vệ môi trường, với những giải pháp căn cơ. ĐB nhấn mạnh: “Chúng ta cần hướng đến trọng tâm tái cơ cấu là phải bảo vệ môi trường và tăng trưởng xanh. Chúng ta nên tập trung phát triển Ngành Du lịch, rồi tập trung tiền đầu tư trồng rừng, không mời gọi thép, xi măng vào nữa”.

Đặc biệt, trước tình hình tội phạm môi trường gia tăng, gây hậu quả nghiêm trọng, ĐB Ngọ Duy Hiểu (Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Hà Nội) cho rằng, cần nhìn nhận nghiêm túc hơn, từ đó đề ra các giải pháp khoa học và hiệu quả hơn.

Thực tế thời gian qua, Chính phủ và các cấp, ngành đã và đang chủ động giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường bằng những giải pháp căn cơ. Đơn cử như, TP Hà Nội vừa khởi công xây dựng hệ thống xử lý nước thải Yên Xá (Thanh Trì) với công suất 270 nghìn mét khối/ngày đêm. Hà Nội sẽ xử lý hơn 50% nước thải của sông Tô Lịch và sông Lừ thông qua hệ thống xử lý này.

Còn lại, phần thượng lưu của sông Tô Lịch, thành phố sẽ gom về xử lý ở Nhà máy Nước thải Đầm Bảy. Sau khi nước thải được xử lý bảo đảm tiêu chuẩn sẽ được bơm ngược trở lại sông để tạo ra dòng chảy. Tuy nhiên, Hà Nội có hơn 1 triệu mét khối nước thải/ngày đêm, nhưng đến nay mới xử lý được khoảng 22%. Do vậy, giải bài toán xử lý nước thải đối với thành phố vẫn rất gian nan, nhất là về nguồn lực đầu tư. Và đây mới chỉ là một trong những vấn đề ô nhiễm môi trường đang đặt ra.

Chính vì lẽ đó, các biện pháp ngăn chặn ô nhiễm môi trường, nhất là đề cao trách nhiệm bảo vệ môi trường đối với toàn xã hội, xử lý nghiêm minh tội phạm môi trường… đang được đặt ra cấp thiết. Khi thảo luận về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015, các ĐB đã đề nghị phải tăng mức chế tài đối với hành vi gây ô nhiễm môi trường.

ĐB Nguyễn Văn Thể (Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng) nhận định, tội phạm liên quan đến môi trường gây ảnh hưởng rất lớn trong cộng đồng. Một số sự cố về môi trường có thể gây ra hậu quả xấu không chỉ đối với con người hiện tại, mà cả môi sinh, môi trường sống lâu dài. Vì vậy, cần tăng mức hình phạt để có tính răn đe. ĐB Nguyễn Văn Thể cũng góp ý về quy định liên quan đến việc đưa chất thải vào Việt Nam. Nếu mức hình phạt nhẹ, sẽ không đủ sức răn đe và không khéo nước ta trở thành bãi rác vì có thể nhập công nghệ lạc hậu, những chất thải các nước không cho phép xử lý ở nước sở tại.

ĐB Nguyễn Thị Phúc (Đoàn Hưng Yên) nêu rõ: “Vấn đề liên quan đến môi trường và gây ô nhiễm môi trường là những vấn đề quan trọng, nếu quy định mức phạt chưa nghiêm, lại thiếu chặt chẽ sẽ không ngăn chặn được ô nhiễm môi trường”.

Kinh nghiệm các nước tiên tiến cho thấy, một quốc gia có sự phát triển bền vững phải chú ý đồng thời giải quyết các yếu tố quan trọng: Bền vững kinh tế, bền vững chính trị, bền vững xã hội và bền vững môi trường. Trong nghị quyết của Đảng ta cũng nhấn mạnh, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phải gắn với nhiệm vụ thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ tài nguyên và môi trường. Cần giải pháp căn cơ, phải tính toán, kiểm tra và kiểm soát chặt chẽ các dự án, không vì kinh tế, vì phát triển, vì đầu tư mà bỏ qua vấn đề môi trường. Đó là yêu cầu đặt ra đối với các cấp ngành, cũng là mong mỏi của cử tri.

Hiền Lương

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Chinh-tri/853528/can-bao-ve-ben-vung-moi-truong