Campuchia phản đối đưa phán quyết Biển Đông vào tuyên bố chung?

Hội nghị ASEAN tại Vientiane (Lào) không tìm được tiếng nói chung trong tranh chấp tại Biển Đông.

Ngoại trưởng của 10 quốc gia thành viên ASEAN đã có cuộc họp đầu tiên kể từ sau khi Tòa trọng tài thường trực (PCA) ở The Hague ra phán quyết ủng hộ Philippines và bác bỏ yêu sách đường 9 đoạn của Trung Quốc ngày 12/7.

Tại hội nghị, Philippines và Việt Nam mong muốn các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN sẽ cùng đề cập tới phán quyết của tòa trọng tài trong tuyên bố chung sau hội nghị.

Tuy nhiên Campuchia, đối tác thân cận nhất của Trung Quốc tại ASEAN, đã phản đối việc đề cập tới phán quyết này trong tuyên bố chung, dự kiến đưa ra ngày 26/7.

Lào lại có bước đi thận trọng hơn và không đứng về bên nào vì đang giữ vai trò chủ tịch luân phiên của ASEAN năm 2016.

Các bộ trưởng ngoại giao ASEAN chụp ảnh trong phiên khai mạc hội nghị hẹp các bộ trưởng ASEAN tại Vientiane, Lào. Ảnh: AP

Bởi thế, dù trải qua cuộc thảo luận kéo dài nhiều giờ nhưng các nước thành viên ASEAN vẫn không thể đạt được một thỏa hiệp cho vấn đề.

Thông cáo báo chí được công bố cuối phiên họp toàn thể chỉ nói chung chung rằng các ngoại trưởng ASEAN đã có cuộc trao đổi quan điểm thẳng thắn và mang tính xây dựng về các vấn đề khu vực và quốc tế, cũng như những diễn biến ở Trung Đông, bán đảo Triều Tiên và Biển Đông.

Tuy nhiên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Thái Lan Sek Wannamethee cho biết các ngoại trưởng sẽ tiếp tục cuộc thảo luận tại hội nghị hẹp diễn ra sau đó.

Lần đầu tiên ASEAN không thể ra được tuyên bố chung là vào năm 2012 do Campuchia phản đối về vấn đề câu chữ liên quan tới Biển Đông.

Mới đây, Thủ tướng Campuchia Hun Sen thông báo trên trang Facebook chính thức của mình rằng: "Thủ tướng Trung Quốc đã tuyên bố rằng Trung Quốc sẽ cung cấp 3.600 triệu Nhân dân tệ, khoảng 600 triệu USD cho Campuchia, trong giai đoạn từ 2016-2018.

Theo yêu cầu của tôi, những người bạn Trung Quốc đã đồng ý cung cấp viện trợ cho tiến trình bầu cử, y tế, giáo dục và chương trình nước sạch, như đào giếng, những dự án đem lại lợi ích cho nhân dân chúng ta”.

Ông Hun Sen nói rằng Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã đưa ra khoản viện trợ trong cuộc gặp ở Ulaanbaatar, Mông Cổ, nơi họ đang tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Á-Âu (ASEM).

Trước và sau thời điểm phán quyết của PCA, ông Hun Sen đã lên tiếng tổng cộng 5 lần công khai bày tỏ ủng hộ lập trường của Trung Quốc chống lại phán quyết trọng tài.

An Nhiên (Tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/campuchia-phan-doi-dua-phan-quyet-bien-dong-vao-tuyen-bo-chung-3314838/