Cameroon: Xung đột ngôn ngữ biến thành bạo động

Cuộc đụng độ đầy bạo lực đã làm 3 người thiệt mạng, hàng chục người khác bị thương vừa nổ ra vào thứ Hai (28/11) tại thành phố Bamenda, Tây Bắc Cameroon.

Nguyên nhân dẫn đến sự kiện bi thảm trên chính là mối hiềm khích vốn trở thành cố hữu của cộng đồng nói tiếng Pháp và cộng đồng nói tiếng Anh của đất nước này.

Khi xung đột ngôn ngữ bị chính trị hóa

Các cuộc bạo loạn nổ ra sau khi chính phủ Cameroon quyết định đưa việc giảng dạy tiếng Pháp vào các trường học gây thiệt hại cho việc giảng dạy tiếng Anh và dịch giấy tờ pháp lý từ tiếng Anh sang tiếng Pháp. Trong cuộc biểu tình xuất hiện những khẩu hiệu đòi độc lập của hai khu vực nói tiếng Anh ở Cameroon - Tây Bắc và Tây Nam và đòi Tổng thống Paul Biya, người đã lãnh đạo đất nước từ năm 1982 phải từ chức. “Hãy cút đi! Không có họ, chúng tôi đủ khả năng thực hiện công việc của mình” - Một trong các phiến quân hét vào camera của Euronews.

Các cuộc biểu tình hiện nay do Hội đồng quốc gia Cameroon Nam (SCNC) lãnh đạo. Một lần nữa họ đặt ra vấn đề độc lập hoặc chế độ liên bang. “Các cơ quan chức năng hoàn toàn không nhạy cảm với các vấn đề của chúng tôi. Với lý do là hài hòa giữa cải cách, họ muốn tiêu diệt giáo dục và hệ thống pháp luật bằng tiếng Anh. Những điều này phải được tôn trọng, nhưng chính quyền không muốn nghe điều này...!” - Lãnh đạo phong trào đấu tranh - TS Ngala Nfor nói với Đài tiếng nói Hoa Kỳ.

Cameroon - một trong những nước phát triển nhất ở châu Phi cận Sahara với dân số khoảng 22 triệu người. Số người nói tiếng Anh chiếm thiểu số ở nước này - khoảng 3 triệu người. Đất nước này được thành lập vào năm 1961 trên cơ sở thuộc địa cũ của Đức được chia lại cho Anh và Pháp sau Chiến tranh Thế giới thứ I. Vào năm 1961, Cameroon thuộc Anh thông qua một cuộc trưng cầu dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc đã đưa ra sự lựa chọn sáp nhập vào một trong hai nước: Nigeria hay Cộng hòa Cameroon. Khi đó, tình hình kinh tế của Cameroon khá thuận lợi khiến cộng đồng nói tiếng Anh lựa chọn nước này và Nhà nước Cộng hòa Liên bang Cameroon (PRK) được thành lập.

Tuy nhiên, những người nói tiếng Anh - “Anglophones” là thiểu số nên thường xuyên bị lấn át bởi số đông người nói tiếng Pháp. Đến những năm 1990, tiếng Pháp trở thành ngôn ngữ chính của Cameroon và tên nước được công bố bằng tiếng Pháp - Republique du Cameroun. Kể từ đó, 90% quan chức của chính phủ là các đại diện của “Cộng đồng tiếng Pháp”. Anglophones cũng tin rằng doanh thu từ ngành công nghiệp dầu chỉ được sử dụng vì lợi ích của đa số người nói tiếng Pháp. Trong những năm 90, các nhà lãnh đạo ưu tú của cộng đồng tiếng Anh ở Tây Nam, nơi có nhiều dầu mỏ đã đưa ra yêu sách đòi quyền tự trị và sau đó là ly khai.

Thế lực nào kích động xung đột ngôn ngữ?

Các nhà chức trách Cameroon muốn loại bỏ bản sắc ngôn ngữ riêng của một phần dân cư nhưng họ lại nhận lấy hậu quả nặng nề. Một lực lượng vũ trang có một kế hoạch làm mất ổn định đất nước - yếu tố cần thiết để thực hiện phân phối lại tài sản. Rõ ràng, Cameroon - là một khu vực lợi ích của Pháp với 75% tự túc về điện từ các nhà máy điện hạt nhân. Với những nỗ lực tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, nhóm cư dân nói tiếng Anh muốn tuyên bố độc lập vào năm 1994 để tham gia Khối thịnh vượng chung Anh, nhưng vô ích.

Pháp tích cực chống lại điều này và người Anglo-Saxons quyết định không làm trầm trọng thêm mối quan hệ trong “Euro - Atlantic đậm tình huynh đệ”. Ngày nay, tình hình Cameroon càng trầm trọng hơn bởi một lực lượng địa chính trị thứ ba trong khu vực - Tổ chức khủng bố “Boko Haram”, những người tuyên thệ trung thành với IS thao túng.

Theo các nhà phân tích, sau khi bị thất thủ ở Trung Đông do Mỹ, Nga và các lực lượng Hồi giáo tiến bộ liên tục tiến công, IS và các nhóm Hồi giáo cực đoan khác có xu hướng tìm về những quốc gia bất ổn ở châu Phi. Rất có thể Cameroon sẽ trở thành thành trì của những phần tử Hồi giáo cực đoan, của chủ nghĩa khủng bố.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/the-gioi/cameroon-xung-dot-ngon-ngu-bien-thanh-bao-dong-2634175-b.html