Cấm tiệt kháng sinh thủy sản, được không?

Kháng sinh lâu nay là vấn nạn lớn của của ngành thủy sản, bởi liên tục bị các thị trường XK cảnh báo do dính kháng sinh cấm hoặc vượt ngưỡng cho phép. Câu hỏi đặt ra: Liệu có cấm hoàn toàn kháng sinh trên thủy sản được không?

* Phải dẹp loạn chế phẩm sinh học

Báo NNVN từng đề cập nhiều tới tình trạng loạn sử dụng kháng sinh trên thủy sản tại các tỉnh phía Nam. Loại kháng sinh được phép sử dụng có, cấm sử dụng có, trôi nổi, không nguồn gốc xuất xứ, thậm chí đưa cả kháng sinh dùng cho người, dùng trên thú y chữa bệnh cho thủy sản cũng có. Xem ra, cơ quan chức năng thật khớ đủ sức quản lí trước ma trận kháng sinh đang tung hoành trên thị trường.

Có thể cấm kháng sinh trong thủy sản, nếu có giải pháp thay thế

Có thể cấm kháng sinh trong thủy sản, nếu có giải pháp thay thế

Khác với động vật trên cạn có thể tiêm, cho uống, mỗi ao nuôi thủy sản rộng tới hàng nghìn mét vuông nên có thể nói ném kháng sinh xuống ao chẳng khác gì muối bỏ bể.

Trao đổi với NNVN về việc quản lí kháng sinh trong lĩnh vực nông nghiệp mới đây, TS Đậu Ngọc Hào - Chủ tịch Hội Thú y Việt Nam từng cho rằng: Bất luận thế nào, cũng phải cấm tiệt kháng sinh trên thủy sản, kể cả dùng để chữa bệnh. Bởi thủy sản ao nước mênh mông bát ngát, chữa bệnh vi khuẩn thôi cũng chẳng nổi, chưa nói là bệnh virus…

Vậy trên thực tế, tác dụng trong phòng trị bệnh của kháng sinh tới đâu? Và có thể loại bỏ hoàn toàn việc sử dụng trên thủy sản được không? Chúng tôi đã nhận được ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lí về câu hỏi này.

Ông Kim Văn Tiêu, PGĐ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia: Cần “nói không” với kháng sinh trong thủy sản

Thực tế cho thấy đối với một số bệnh vi khuẩn ở cá, việc sử dụng kháng sinh còn có tác dụng nhất định, chứ đối với tôm, khi đã dính bệnh thì gần như vô phương cứu chữa. Tại các vùng nuôi tôm ĐBSCL, mặc dù người nuôi luôn có tâm lí “còn nước còn tát”, dùng đủ loại để chữa khi tôm bị bệnh nhưng rồi đa số là “tiền mất tật mang”.

Một trong những nguyên tắc “4 đúng” trong sử dụng kháng sinh nói chung, đó là phải đúng liều. Nhưng đối với thủy sản, rất khó để xác định được thế nào cho đúng liều. Mà đã không xác định được đúng liều thì không thể nào chữa được bệnh.

Đối với động vật trên cạn, chỉ con nào bị bệnh mới dùng, và dễ dàng xác định dùng bao nhiêu là vừa. Trong khi đó đối với thủy sản, không thể nào điều trị riêng cho từng cá thể. Vì vậy phương pháp sử dụng kháng sinh trên thủy sản hiện nay đó là theo kiểu “điều trị cả làng” bằng cách trộn vào thức ăn hoặc quẳng bừa xuống ao, nhưng cả hai phương án sử dụng này cũng rất khó có hiệu quả điều trị bệnh, thậm chí phản tác dụng.

Bởi với ao nước mênh mông, không thể nào biết được bao nhiêu lượng kháng sinh đã được đưa vào con vật bị bệnh. Một số sản phẩm quảng cáo là chống tan trong nước nhưng thực tế các loại kháng sinh khi trộn vào thức ăn quẳng xuống nước đều bị tan hết.

Tóm lại, để xác định liều dùng kháng sinh trên thủy sản là không thể. Dùng ít quá thì không chữa được bệnh, mà dùng theo kiểu áng chừng “thừa hơn thiếu” thì không tiền bạc đâu kham nổi. Bên cạnh đó, do không thể xác định được từng cá thể bị bệnh nên những con khỏe cũng buộc phải ăn kháng sinh, dẫn tới tồn dư, chưa kể tới câu chuyện ảnh hưởng tới môi trường, nhờn thuốc…

Vì vậy, đã nuôi thủy sản thì cần kiên quyết “nói không” với kháng sinh. Thay vào đó, hãy thực hiện việc đảm bảo nuôi theo an toàn dịch bệnh. Hiện nay, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cũng đang triển khai nhiều mô hình nuôi tôm an toàn dịch bệnh. Rất nhiều mô hình tại Nghệ An, Quảng Ninh và một số tỉnh ĐBSCL cho kết quả rất tốt mà không phải sử dụng bất kỳ một loại kháng sinh nào.

Một số chế phẩm sinh học hiện có tác dụng kích thích các vi khuẩn có lợi, ức chế vi khuẩn có hại sử dụng rất hiệu quả, ví dụ như chế phẩm EM, EMC, SuperVS… Nhiều mô hình nuôi xử lí môi trường tốt, kết hợp sử dụng các chế phẩm sinh học cho thấy hoàn toàn đảm bảo an toàn dịch bệnh và không phải sử dụng một chút kháng sinh nào.

Vấn đề hiện nay là làm sao để quản lí chất lượng các chế phẩm sinh học. Bởi có thông tin hiện thị trường có tới khoảng 3.000 loại chế phẩm sinh học. Chất lượng thế nào không ai có thể biết, trong đó rất nhiều loại chế phẩm quảng cáo sai thực tế, “treo đầu dê bán thịt chó” rất nhiều nên người nuôi thủy sản không biết đâu là loại tốt. Trong khi đó, một số loại chế phẩm tốt lại do các tập đoàn, Cty nước ngoài độc quyền, chỉ khi nông dân mua giống, mua thức ăn của họ thì họ mới bán kèm chế phẩm.

Ngoài chế phẩm sinh học, hiện ngành thủy sản cũng đã có rất nhiều hóa chất xử lí môi trường rất hiệu quả. Có thể nói người nuôi thủy sản lâu nay sử dụng kháng sinh đôi khi như là một thói quen, hoặc khi tôm cá bị bệnh thì “vái tứ phương”, chứ hiệu quả thực sự tới đâu thì còn là câu hỏi. Tôi đảm bảo nếu có chế phẩm sinh học tốt, xử lí môi trường nuôi tốt thì hoàn toàn không cần tới kháng sinh làm gì nữa.

Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, GĐ Trung tâm Quan trắc môi trường và Dịch bệnh - Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I: Vacxin - giải pháp thay thế cho kháng sinh

Cho tới nay, kháng sinh gần như vẫn là liệu pháp duy nhất để điều trị bệnh nhiễm khuẩn trong nuôi trồng thủy sản (NTTS). Dù có nhiều tác dụng không mong muốn nhưng không thể phủ nhận vai trò của nó. Điển hình như bệnh xuất huyết ở cá rô phi, đốm đỏ trên cá trắm cỏ, bệnh gan thận mủ trên cá tra… có thể chữa khỏi bằng kháng sinh nếu dùng phù hợp.

Tuy nhiên, chữa bệnh cho thủy sản nuôi đúng là rất khó bởi đối tượng nuôi dưới nước, biện pháp cho ăn hay tắm đều không có tác dụng nhanh và mạnh trực tiếp vào tổ chức gây bệnh. Trong khi đó việc xác định liều lượng phù hợp cũng không dễ dàng.

Trên thế giới, xu hướng chung đều hạn chế sử dụng kháng sinh trong thủy sản, nhất là các loại đồng thời dùng cho y tế. Các nước phát triển rất nghiêm khắc trong sử dụng, tuy nhiên họ cũng không có các quy định cấm hoàn toàn trong NTTS.

Bản thân Mỹ hiện vẫn cho phép sử dụng Flofenicol để điều trị bệnh xuất huyết trên cá rô phi do vi khuẩn Streptococcus gây ra. Kinh nghiệm của các nước phát triển mạnh về NTTS cho thấy cấm kháng sinh là không cần thiết.

Dĩ nhiên, họ phải có các giải pháp thay thế một cách đồng bộ. Ví dụ như Na Uy trước đây (1996 - 1998) cứ SX 1 tấn cá hồi, họ phải sử dụng trung bình 1kg kháng sinh, tuy nhiên hiện nay khi đã có giải pháp kiểm soát dịch bệnh đồng bộ, nhất là có vacxin phòng bệnh cho cá thì việc sử dụng đã giảm đi gần như 100%, mặc dù họ không cần có lệnh cấm.

Vacxin hiện nay có thể nói là một giải pháp chúng ta cần phải thúc đẩy để hạn chế và thay thế dần việc phải sử dụng kháng sinh. Na Uy hiện đã có loại vacxin “7 trong 1”, chỉ cần tiêm một mũi là phòng được 7 loại bệnh phổ biến trên cá.

Hiện nay, tôi được biết một Cty thủy sản ở phía Nam liên doanh với Cty của Na Uy cũng đã bắt đầu thí điểm đưa vacxin tiêm phòng bệnh cho cá da trơn, hiệu quả khá tốt, có thể có tác dụng phòng bệnh 80%.

Tất nhiên, do đối tượng nuôi và các loại bệnh của các nước khác chúng ta, nên để vacxin có hiệu quả tại Việt Nam, sẽ cần phải tiếp tục nghiên cứu để phù hợp với chủng vi khuẩn gây bệnh ở nước ta.

Ngành nông nghiệp cần có cơ chế hỗ trợ, kêu gọi đầu tư để nghiên cứu, liên kết với đối tác nước ngoài để SX vacxin trong thời gian tới, trước hết là vacxin phòng bệnh cho cá da trơn. Các loại kháng sinh có nguồn gốc thảo dược cũng là một phương án cần đẩy mạnh nghiên cứu để thay thế cho kháng sinh tổng hợp hiện đang được dùng phổ biến.

Bên cạnh đó, các chế phẩm sinh học vừa có tác dụng xử lí môi trường, vừa kích thích sinh vật có lợi, ức chế sinh vật gây bệnh cũng là một phương pháp tốt để hạn chế dần kháng sinh. Hiện thị trường nước ta cũng đã có hàng nghìn loại chế phẩm.

Tuy nhiên, có thực tế là các chế phẩm sinh học hiện nay rất xô bồ, nhiều thứ rất vớ vẩn. Tôi biết có nhiều loại chế phẩm na ná nhau, chỉ thay vỏ bao bì, còn bên trong có khi chỉ có vài thứ bột ngô bột gạo vớ vẩn, tác dụng không phải như họ quảng cáo.

LÊ BỀN

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/cam-tiet-khang-sinh-thuy-san-duoc-khong-post170175.html