Cấm phạt tiền thay hình thức kỷ luật lao động

Gần đây nhiều cơ quan đơn vị doanh nghiệp đặt ra lệ phạt tiền đối với các trường hợp người lao động (NLĐ) vi phạm kỷ luật lao động, hoặc gây thiệt hại kinh tế, vật chất cho cơ sở.

 Ảnh minh họa - Nguồn: IE

Ảnh minh họa - Nguồn: IE

Điều 128 Bộ luật Lao động (BLLĐ) quy định những trường hợp cấm khi xử lý kỷ luật lao động bao gồm: Xâm phạm thân thể, nhân phẩm của NLĐ; dùng hình thức phạt tiền, cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động; xử lý kỷ luật lao động đối với NLĐ có hành vi vi phạm, không được quy định trong nội quy lao động. Tiếp theo đó, Điều 129 quy định chỉ tạm đình chỉ công việc NLĐ không được quá 15 ngày, trường hợp đặc biệt cũng không được quá 90 ngày, khi vụ việc vi phạm có những tình tiết phức tạp, nếu xét thấy để NLĐ tiếp tục làm việc sẽ gây khó khăn cho việc xác minh.

Việc tạm đình chỉ công việc của NLĐ chỉ được thực hiện sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở. Trong thời gian bị tạm đình chỉ công việc, NLĐ được tạm ứng 50% tiền lương trước khi bị đình chỉ công việc. Trường hợp NLĐ không bị xử lý kỷ luật lao động thì được người sử dụng lao động (NSDLĐ) trả đủ tiền lương cho thời gian bị tạm đình chỉ công việc.

Đối với trường hợp NLĐ làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị hoặc có hành vi khác gây thiệt hại tài sản của NSDLĐ thì bồi thường theo quy định của Điều 130. Trong trường hợp thiệt hại không nghiêm trọng, do sơ suất, với giá trị không quá 10 tháng lương tối thiểu vùng, thì NLĐ bồi thường nhiều nhất là 3 tháng tiền lương và bị khấu trừ hằng tháng vào lương; NLĐ làm mất dụng cụ, thiết bị, tài sản của NSDLĐ hoặc tài sản khác do NSDLĐ giao hoặc tiêu hao vật tư quá định mức cho phép thì phải bồi thường thiệt hại một phần hoặc toàn bộ theo thời giá thị trường; trường hợp có hợp đồng trách nhiệm thì phải bồi thường theo hợp đồng trách nhiệm; trường hợp do thiên tai, hỏa hoạn, địch họa, dịch bệnh, thảm họa, sự kiện xảy ra khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép thì không phải bồi thường. Để xử lý kỷ luật lao động buộc NSDLĐ phải chứng minh được lỗi của NLĐ.

Theo đó phải có sự tham gia của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở; NLĐ phải có mặt và có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa. Đặc biệt khi NLĐ đồng thời có nhiều hành vi vi phạm kỷ luật lao động thì chỉ áp dụng hình thức kỷ luật cao nhất tương ứng với hành vi vi phạm nặng nhất. Ngoài ra, NSDLĐ không được xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động đang nghỉ ốm đau, điều dưỡng; nghỉ việc được sự đồng ý của người sử dụng lao động; đang bị tạm giữ, tạm giam; đang chờ kết quả của cơ quan có thẩm quyền điều tra xác minh và kết luận đối với hành vi vi phạm; lao động nữ có thai, nghỉ thai sản; người lao động nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi và mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình.

Hãy liên hệ tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 19008088 để nhận được câu trả lời nhanh chóng, kịp thời hoặc gửi email cho chúng tôi: tuvanphapluat@laodong.com.vn hoặc đến 51 Hàng Bồ, Hà Nội và 39 Trương Định, P6, Q3, TPHCM để được Luật sư tư vấn trực tiếp.

Trung Hiếu (VPTVPL Báo Lao Động)

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/tu-van-phap-luat/cam-phat-tien-thay-hinh-thuc-ky-luat-lao-dong-613363.bld