Cảm nhận Trường Sa

Trường Sa, hai tiếng thiêng liêng và rất đỗi tự hào của bất cứ người dân đất Việt nào khi đặt chân đến đây. Ai đã từng đến Trường Sa dù một lần cũng có thể đong đầy cảm xúc, và những câu chuyện về Trường Sa sẽ mãi mãi là những kỉ niệm đẹp, đáng nhớ. Cùng với báo giới cả nước, hơn hai mươi lượt cán bộ, phóng viên Báo CAND đã vinh dự có mặt trên quần đảo Trường Sa.

Nhiều bài viết, bức ảnh, vần thơ về Trường Sa đã được phản ánh trên các ấn phẩm của Báo. Song chắc chắn với mỗi chiến sĩ Công an làm báo ấy, Trường Sa vẫn còn là đề tài thôi thúc họ cầm bút. Trong số báo này chúng tôi xin giới thiệu một số mẩu chuyện chưa từng đăng báo mà các phóng viên ghi được theo giác độ quan sát của mỗi người. Tổ chức viếng người thân theo kiểu lính đảo Đêm trên đảo Trường Sa lớn. Ngoài số chị em phụ nữ và mấy bác lãnh đạo các đoàn đã "có tuổi" được bố trí chỗ ngủ, những người khác thì tùy ý, tức là thích ngủ đâu cũng được. Trên đảo người ta không phân biệt dân sự hay quân sự, không phân biệt các binh chủng, miễn cứ có khách trong đất liền ra muốn được ngủ đêm, là bộ đội hoặc anh em Trạm Hải văn, kể cả các hộ dân sẵn sàng nhường chỗ. Đại tá Phạm Văn Miên - Phó Tổng Biên tập Báo CAND tặng quà cho một gia đình trên đảo. Tôi cùng mấy đồng nghiệp lang thang đến nửa đêm rồi sà vào "đại bản doanh" của một phân đội pháo. Chưa đến phiên gác, Trung úy Lương Trường Vinh, quê Kiến An, Hải Phòng bị chúng tôi tranh thủ khai thác thông tin. Một trong những chuyện Vinh kể làm tôi xúc động và nhớ mãi, đó là việc lính trên đảo tổ chức viếng người thân trong đất liền. Từ quê hương xa xôi mỗi khi nhận được điện hoặc thư báo người thân trong gia đình mất, lúc đầu anh em chỉ gặp người đồng đội hỏi thăm, chia buồn. Nhưng sau đó một vài chiến sĩ có sáng kiến là lập một "bàn thờ" để đồng đội đến viếng và chia buồn cho trang trọng. Nói là bàn thờ cho oai, chứ thực ra là kê chiếc hòm đựng đồ của lính, trải báo lên và một vỏ lon thịt hộp làm bát hương. Nhận tin, anh em bạn bè thân quen đến "viếng" với một bông hoa cải hoặc bàng vuông, và thậm chí còn có cả... phong bì. Tôi tò mò hỏi, Vinh cho biết, có khi 2 nghìn, 5 nghìn; thậm chí có anh còn viếng cả 10 nghìn đồng. Tất nhiên, bao nhiêu tiền không quan trọng, bởi trên đảo không tiêu tiền, mà đó là tấm lòng, tình cảm của lính đảo với đồng đội. Vinh nhắc tới những trường hợp có người thân mất được anh em tổ chức viếng, đó là Phan Văn Hài ở Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc; Cao Xuân Toàn ở Hưng Nguyên, Nghệ An; rồi các anh Lê Khắc Lĩnh, Trần Văn Lập. Vinh bảo tôi 6h30’ sáng hôm sau anh em tổ chức viếng mẹ anh Lập trợ lý pháo binh và mời tôi dự. Tôi háo hức muốn có mặt, phần để chia buồn với Lập, phần muốn ghi lại mấy tấm hình. Nhưng thật tiếc, 6h sáng hôm sau tàu chúng tôi phải nhổ neo rời Trường Sa lớn. Hôm nay viết ra mấy dòng này chắc chắn có những chiến sĩ đã về đất liền để thắp nén nhang cho người thân, nhưng câu chuyện Vinh kể cứ đeo đuổi, khiến tôi không thể quên cách mà những người lính đảo Trường Sa bù đắp sự thiếu thốn khi họ phải gác việc riêng, lo bảo vệ tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. "Cậu lính kiểng" chậm lớn trên đảo CoLin Cuối tháng 4, đầu tháng 5, nắng như đổ lửa, thế nhưng những khối bê tông vững chắc của đảo CoLin, thuộc quần đảo Trường Sa không hầm hập nóng như thường thấy ở đất liền, nhờ gió biển lồng lộng, làm mát đến từng ngõ ngách của đảo nhỏ. Vượt qua chiếc cầu thang nhỏ, những người khách đất liền ồn ào dừng chân bên cây bàng vuông nhỏ trồng theo kiểu của cây kiểng ngay gần chiếu nghỉ chật hẹp và được che chắn đặc biệt kỹ trước sự tấn công của những cơn gió biển mặn mòi. Người lính trẻ vừa kể chuyện vừa tranh thủ "bảo vệ" an toàn cho cây bàng vuông. Gặp cây xanh sau chục ngày lênh đênh trên biển, hơn nữa lại là bàng vuông, loài cây đặc trưng của Trường Sa, các vị khách tranh nhau "ôm cây" chụp hình làm kỷ niệm. Người lính trẻ kiêm "hướng dẫn viên" hốt hoảng xua tay: các anh các chị đứng xa hơn một chút, cẩn thận không làm gãy lá đấy! Hóa ra cái cây cao ngang ngực người này là một trong những công trình giải trí được lính đảo chăm chút nhiều nhất. Người lính trẻ kể rằng, 7 năm trước, một người tình cờ "lượm" được một trái bàng nhỏ dạt vào góc đảo. Biển khơi mênh mông thế, muốn đến "làm bạn" với lính, có lẽ trái bàng này đã phải lênh đênh giữa sóng gió rất nhiều ngày để vượt qua hàng chục ngàn kilômét. CoLin là đảo chìm, không gian sống chỉ vỏn vẹn vài trăm mét vuông bê tông kiên cố. Đất trồng cây ở đảo thuộc hàng quý hiếm, phải nhờ tàu vận chuyển từng chút từ đất liền, chỉ dành để trồng rau xanh nên cán bộ chiến sĩ chỉ dám bớt xén một chút dành cho… người bạn lạ. Nước ngọt nơi đây đặc biệt quý, có người nảy sáng kiến dùng bã chè làm phân bón cho bàng, vừa đỡ tốn đất, vừa giàu độ ẩm. Lo cây còn non, không chống chọi được những cơn gió biển đầy hơi muối, lính đảo chọn góc khuất gió nhưng dễ… ngắm nhất để dành cho cây, thỉnh thoảng lại thay nhau dùng khăn ẩm, nhẹ nhàng lau sạch thân cây và từng chiếc lá nếu phát hiện có bụi muối bám vào. Một lần đến đảo Tiên Nữ Tàu chúng tôi rời đảo Tiên Nữ, có thể coi là một trong những điểm cực Đông của Tổ quốc đúng chiều ngày 7/5, ngày kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ. Trong chuyến công tác tại quần đảo Trường Sa tháng 5/2008 ấy, chúng tôi đã đến nhiều đảo thuộc quần đảo Trường Sa, nhưng Tiên Nữ là một trong những hòn đảo in đậm trong tâm chí cánh nhà báo chúng tôi nhất. Nhà báo Phan Việt Anh trên đảo Tiên Nữ. Tôi và nhà báo Xuân Thủy, lúc ấy vẫn đang là phóng viên của Báo Phòng không - Không quân và cũng từng là một người lính Trường Sa, khi được cho phép đã là những người đầu tiên nhảy ùm xuống nước. Thỏa thích vô cùng, bởi mấy ai được may đẫm mình dưới làn nước trong xanh ở nơi cực Đông của Tổ quốc như chúng tôi. Kỳ lạ là ở Tiên Nữ, lính đảo chỉ nuôi được chó, chứ không nuôi được các loại gia súc khác. Chó thì có tới hơn chục con, tuyệt nhiên không thấy loại gia cầm như gà hay vịt nào. Chó nuôi thì cứ đẻ sòn sòn, nhưng gà vịt nuôi là chết. Lại nhớ cũng hôm tắm biển Tiên Nữ, nhà báo Võ Kiếm, làm báo của Quân khu 5 tắm biển xong mới lên bờ tìm chỗ khuất thay đồ. Ai dè anh chui đúng vào chỗ có ổ chó mẹ đang nuôi con. Chú chó mẹ lao ra. May mà có anh lính đảo gần đấy giải vây, không thì... Anh em báo chí được phen vừa sợ vừa cười nghiêng ngả… Đêm trên đảo Sơn Ca Nước da đen nhẻm, khuôn mặt sạm đi vì nắng gió, Nguyễn Tuấn Vũ bẽn lẽn cười: "Ở nhà em có biệt danh "Sói trắng" đấy. Em vốn trắng trẻo thư sinh mà". Nắng và gió ở đảo Sơn Ca đã khiến cậu trai con nhà khá giả, cựu sinh viên Đại học Hàng hải Hải Phòng trở nên phong sương, vững chãi. Vũ lem lém kể về bạn gái, về những trò ma mãnh thời học trò chưa xa là bao. Mải "buôn", nhưng cậu vẫn dứt ra đầy kiên quyết: "Em chuẩn bị đến giờ đi gác rồi". Nhà báo Ngô Hương Sen trên đảo Sơn Ca. Vuốt vuốt cho phẳng mép áo quân phục, khuôn mặt Vũ bỗng trở nên nghiêm trang, thành kính: "Em muốn nói là, bọn em ra đến Trường Sa, đã thành người của Tổ quốc rồi. Khi cần, bọn em sẵn sàng chết để bảo vệ Tổ quốc, mọi người ở đất liền đừng lo lắng quá nhé". Nói rồi, cậu quay ngoắt đi, màu áo trắng nhòa dần trong ánh hoàng hôn tím sẫm. Không chỉ từ lúc nghe Vũ nói, mà trong suốt hải trình ra Trường Sa, lúc leo lên nhà dàn DK 1, đặt chân tới những hòn chìm nhỏ như một cái chớp mắt: Đá Lát, Đá Tây, Đá Thị…, những trạng thái cảm xúc như Tình yêu Tổ quốc, chủ quyền, biển đảo…, không đơn thuần là khái niệm chung chung, mà trở nên thiêng liêng, thực thể hơn bao giờ. Trên đảo Sơn Ca, đêm văn nghệ có phông màn là cả nền trời xanh thẫm, nghe những người lính Hải quân 20 tuổi hát "đảo này là của ta, biển này là của ta, Trường sa ơi", càng thấm thía một điều đơn giản: Tại sao người Việt Nam mình, hàng nghìn năm trước, và chắc chắn cho đến mãi về sau này, lại luôn chấp nhận hy sinh vì sự toàn vẹn lãnh thổ…

Nguồn CAND: http://ca.cand.com.vn/vi-vn/binhyencuocsong/ghichep/2010/9/169126.cand