Cảm hứng truyền cho giới trẻ qua 'Sống như ngày mai sẽ chết'

Lâu mới thấy một buổi sinh hoạt văn hóa đọc có đông bạn trẻ đến dự như buổi tọa đàm 'Tuổi trẻ không trải nghiệm, không đáng một xu' và ra mắt sách 'Sống như ngày mai sẽ chết' tại Không gian văn hóa Đông Tây (trong Làng Sinh viên Hacinco - Hà Nội) chiều 15/7/2017.

Bìa ấn phẩm "Sống như ngày mại sẽ chết" của nữ tác giả Phi Tuyết. Ảnh: L.Q.V

Đầu tháng 7/2017, Alpha Books và NXB Thế Giới ra mắt cuốn "Sống như ngày mai sẽ chết” - tập hợp các bài viết của nữ tác giả Phi Tuyết (tên thật là Phạm Thị Ánh Tuyết) từng đăng trên blog “Triết học cho tâm hồn”. Chỉ trong một tuần, 3.000 bản in đầu tiên đã được bán hết, khiến đơn vị xuất bản phải in nối thêm 5.000 bản của “Sống như ngày mai sẽ chết”.

Lý giải về sức hút này, nhiều bạn đọc trẻ cho hay, bởi hầu hết đó là các bài viết truyền cảm hứng mạnh mẽ, giúp người trẻ có được thái độ đúng đắn trong cuộc sống và có nhiều thay đổi tích cực trong hành động.

Trong phần giao lưu với bạn đọc, từ phải sang: Khách mời Đinh Trần Tuấn Linh, nữ tác giả Phi Tuyết. Ảnh: L.Q.V

Cách đây 2 năm, Phi Tuyết đã gây chấn động cư dân mạng với bài viết “Không có trải nghiệm, tuổi trẻ không đáng một xu”, đồng thời, tác giả đã nhận được rất nhiều chia sẻ trên Facebook bởi phát ngôn ấn tượng: “Tuổi trẻ mà không có trải nghiệm là tuổi trẻ vứt đi. Giống như một cuốn sách không có nội dung, một bài hát không có giai điệu, một khu rừng không có chim thú cỏ cây... một đời người mà không có tuổi trẻ cũng vô nghĩa tương tự. Tuổi trẻ là kho báu quý giá mà mỗi người chỉ có cơ hội sở hữu một lần trong đời. Phải làm gì để tuổi trẻ không bị lãng phí vô nghĩa?”.

Trong bài viết đó, Phi Tuyết cũng chỉ ra cho các bạn trẻ nhiều cách trải nghiệm để khẳng định giá trị bản thân: “Tuyệt đối không một ai trên đời phải hối hận vì trải nghiệm quá nhiều. Bởi lẽ, với trải nghiệm thì bao nhiêu cũng không đủ. Ấy thế mà bạn vẫn muốn để tuổi trẻ trôi qua mà không có trải nghiệm gì sao? Đừng tìm kiếm xa xôi, kho báu tuổi trẻ là thời gian và sức khỏe đang ngay trong bạn đấy”.

Tại buổi ra mắt sách "Sống như ngày mai sẽ chết" nói trên, ngoài Phi Tuyết còn có khách mời Đinh Trần Tuấn Linh - một cây viết tự do, có nhiều tài lẻ và nói năng dí dỏm, nhưng cũng đầy tính triết lý. Tại buổi tọa đàm, trong khi chàng Tuấn Linh dường như “nhún mình” trong trò chuyện, thì Phi Tuyết “nổ” như “pháo rang”, luôn muốn “cướp” diễn đàn. Động thái này của các diễn giả đã khiến cuộc tọa đàm thêm phần vui vẻ, sôi động.

Buổi tọa đàm và ra mắt sách "Sống như ngày mai sẽ chết" thu hút sự tham gia của đông đảo bạn đọc trẻ. Ảnh: L.Q.V

Phi Tuyết sinh năm 1990, người gốc Lâm Đồng, có gương mặt đầy cá tính. Cô chẳng ngại chia sẻ những trải nghiệm của bản thân: Bị “bồ” bỏ rơi, lao vào kinh doanh (quản lý một cửa hàng thời trang, một quán cà-phê và một homestay cho khách du lịch bụi), rồi bỗng chán. Năm 26 tuổi, Phi Tuyết quyết định dừng kinh doanh để lao vào đọc nhiều sách, đi du lịch, tập trung viết, viết hối hả, như một cách giúp cô truyền đi những thông điệp sống tích cực đến với mọi người: “Sống như ngày mai sẽ chết”! Hiện, cô chuyên chú nghiên cứu về vấn đề tâm linh và đâu như, sang năm sẽ xuất ngoại trui rèn ngoại ngữ.

Trong “Sống như ngày mai sẽ chết” (mà tác giả coi như một thứ triết học đường phố dành tuổi trẻ) có nhiều đoạn đáng chú ý. Như việc trải nghiệm, là “Nếu muốn trải nghiệm, việc bạn cần làm là phải không ngừng hành động, không ngừng đặt bản thân vào thế chủ động và thế sẵn sàng, đi những vùng đất mới, thử những cái mới, làm những điều mới, học những thứ mới, quen những người bạn mới”.

Đoạn khác: “Cái cây đứng một chỗ nhận tất cả những gì nó cần: Ánh sáng, nước, chất dinh dưỡng, nhưng nó vẫn luôn khao khát được vươn ra xa hơn. Thế nên rễ nó mới dài tủa đi khắp nơi, thế nên tán nó mới vươn rộng và cành không ngừng vươn cao để nhìn được những vùng đất xa lạ. Bạn may mắn hơn cái cây, bạn có thể tự dịch chuyển mình đi khắp chốn, thế thì tại sao lại không? …”.

Với lớp trẻ hiện nay, nhiều người cũng luôn muốn trải nghiệm, nhưng cũng e ngại nhiều điều. Phi Tuyết đã chỉ ra: “Cái giá của trải nghiệm là ban đầu bạn sẽ cảm thấy sợ hãi, lo lắng, bất an, hoài nghi và rất nhiều cảm xúc tiêu cực khác nữa…Nhưng đó chỉ là những cảm xúc ban đầu thoáng qua mà thôi. Khi đã quen với nó thì mọi cảm xúc đó đều tan biến hẳn, thay vào đó sẽ là sự hào hứng, thích thú, tò mò, vui sướng lẫn hài lòng. Người trải nghiệm nhiều sẽ có cái nhìn về đời, về cuộc sống toàn diện và thông thoáng hơn.

Trải nghiệm đơn giản là hãy nhào ra ngoài đời, nhào vào cuộc sống, không sợ thử những điều mới lạ, những thử thách và cơ hội với tâm thế của người học hỏi mọi thứ, nhưng cũng đừng quên ước chừng trước những gì bạn có thể mất, hay cái giá bạn phải trả để có những trải nghiệm đó…”.

Với băn khoăn của một bạn trẻ về vấn đề “sứ mệnh”, Phi Tuyết chân thành chia sẻ: “Công việc nào khiến cho mình vui thì hãy nên theo đuổi nó. Sứ mệnh là công việc khiến cho mình vui hơn. Nên chọn cho mình một sứ mệnh để theo đuổi, thay vì cả đời đi tìm sứ mệnh đó…”.

Nhiều người hẳn có thể nghĩ tên cuốn sách có “động từ mạnh quá”, còn Phi Tuyết đã tâm sự: “Tôi không sợ chết, bởi đã sẵn tâm thế: Trước khi chết, phải tự hỏi, trước đó, mình đã sống ra sao?”. Và, “những điều tôi đã viết (và cũng như của nhiều người khác) là để chia sẻ với mọi người. Mỗi người hãy chọn cho mình thái độ sống phù hợp. hữu ích, chứ không hẳn phải theo những chia sẻ đó…”.

Lê Quang Vinh

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/cam-hung-truyen-cho-gioi-tre-qua-song-nhu-ngay-mai-se-chet-56421.html