Cam go phóng viên chiến trường (*): Chiến trường là văn phòng

Phóng viên nam hay nữ đều có các cơ hội như nhau trong nghề này dù nữ giới ít nhiều vẫn có những nỗi lo với các đặc điểm giới tính của riêng họ

Nữ nhà báo người Mỹ gốc Armenia Lara Setrakian, tác nghiệp ở Syria, cho biết không có khoảng cách về giới tính khi phóng viên nữ đưa tin ở chiến trường đầy máu lửa. Lara so sánh nữ phóng viên chiến trường với các bác sĩ, luôn chăm sóc bệnh nhân chừng nào họ còn nhịp thở. Tuy nhiên, đặc điểm công việc của họ là lăn lộn ngoài chiến trường đầy hiểm nguy chứ không phải ngồi trong văn phòng mát lạnh.

Tấm lòng người mẹ

Trong chuyến đi Syria gần đây nhất hồi tháng 2-2016, phóng viên kênh CBS Elizabeth Palmer và đồng nghiệp đã dừng chân ở Aleppo. Để đến đó, họ phải đi trên con đường mà tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng nắm quyền kiểm soát và đã bắn phá. “Trong bụng tôi cứ như đánh lô tô vậy” - chị nói chuyện với bạn qua điện thoại.

Nữ phóng viên Holly Williams tác nghiệp ở mặt trận Mosul - Iraq tháng 3-2016 Ảnh: CBS NEWS

Nữ phóng viên kỳ cựu này đã đến Syria trên chục lần và cảm nhận bạo lực ở đây đã phá nát nó. Aleppo từng là một trong những điểm du lịch tuyệt vời ở Trung Đông nhưng hiện là thành phố 2 triệu dân không có điện và nước sinh hoạt. Người dân khoan giếng ngay trên vỉa hè chỉ để có nước uống. Giữa đống đổ nát, Palmer đã tìm được niềm an ủi khi nhớ lại cảnh đám trẻ con chạy nhảy trên đường phố Aleppo trong chuyến đi gần nhất của mình. “Trong đó có 1 em bị mất 1 chân vì trúng đạn cách đây chưa đầy 1 năm” - chị xúc động.

Theo đài CBS News, dù hiểu rằng không phải mọi người đều đủ điều kiện với công việc như Palmer đang làm nhưng chị vẫn e ngại khi lên tiếng bảo vệ nó. Thậm chí, chị còn cảm thấy ái ngại khi khuyến khích phái đẹp theo đuổi công việc này. Tuy nhiên, một nhóm phụ nữ trẻ đã đi theo bước chân của Palmer với tham vọng cháy bỏng, gồm: Holly Williams, Erin Lyall, Agnes Reau và Justine Redman. Họ đều nhận định rằng phóng viên nam hay nữ đều có các cơ hội như nhau trong công việc dù nữ giới ít nhiều vẫn có những nỗi lo của riêng họ.

“Điều quan trọng là có thể đoan chắc rằng con cái, nếu bạn có, sẽ ổn thỏa, rằng chúng sẽ bình an khi thiếu vắng sự chăm sóc của mẹ” - Palmer tâm sự. Chị có 2 con và người chồng mẫu mực. “Tôi có thể tự tin nói với những phụ nữ tôi gặp rằng các con tôi không gặp bất trắc gì. Mọi sự ổn cả” - chị khẳng định.

Trong khi đó, Holly Williams cảm thấy vui mừng vì triển vọng nghề nghiệp của mình. Biết rằng công việc này không bao giờ được ngồi trong căn phòng yên tĩnh, chị vẫn thú nhận tình mẫu tử là trở ngại đáng kể. Quay lại chiến trường chỉ vài tuần sau khi sinh con vào năm 2012, Williams đã mạo hiểm vào các khu rừng già ở Myanmar để thực hiện phóng sự về những chiến binh bộ tộc. Trong suốt thời gian ấy, chị luôn làm mọi cách để vẫn có thể cho con bú sau khi trở về nhà.

Nhớ lại trải nghiệm ấy, Williams nhấn mạnh: “Tôi nghĩ mong muốn tình mẹ con không ảnh hưởng đến nghề nghiệp là điều không thể được. Thứ tình cảm đó đem lại cho mọi người một cái nhìn khác hẳn. Tất cả nữ nhà báo làm mẹ sẽ đều có chung tâm trạng rằng khi chứng kiến điều gì đó khủng khiếp xảy ra với một đứa trẻ, họ luôn hình dung hình ảnh ấy chính là đứa con của mình”.

Ưu thế

Cách đây vài tháng, Williams đã phỏng vấn một người tị nạn Iran di cư từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Hy Lạp. Lúc đó, người này ẵm trên tay đứa con trai 1 tuổi. Chị nhớ lại: “Họ không biết bơi nhưng họ vẫn bước lên những chiếc thuyền nhỏ bé. Nếu như thuyền chìm hoặc bị lật, những đứa trẻ mà họ tuyệt vọng bảo vệ nhất định sẽ chết. Bất chợt tôi lại nghĩ đến con mình”.

Khác biệt với nam giới, khi tác nghiệp ở chiến trường, nữ phóng viên không chỉ làm tròn công việc mà còn luôn liên lạc với tổ ấm của mình. Gần đây, trong lúc Williams sắp sửa thực hiện buổi truyền hình trực tiếp về làn sóng người tị nạn vượt biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria thì chuông điện thoại của chị reo. Thì ra, con gái Williams hỏi liệu chị có mua cho nó bộ trang phục như nhân vật hoạt hình Pocahontas hay không!

Nhà báo Palmer nhìn nhận đó là những tình cảnh mà mọi phụ nữ đi làm đều trải qua. Cách đây khoảng 10 năm, thời còn tác nghiệp ở Afghanistan, Palmer đã tiếp xúc một nữ phóng viên người Pháp. Sau một ngày làm việc mệt nhoài, chị này đã nhanh chóng nối điện thoại vệ tinh và bắt tay ngay vào việc làm bài tập toán về nhà cùng con trai. Còn hiện nay, mạng truyền thông xã hội đã giúp các bà mẹ trên các chiến trường xa nhà vẫn có thể dễ dàng liên lạc với con cái. “Tôi có thể gửi cho chúng những bức hình chụp các cảnh tượng mà tôi chứng kiến. Nhờ đó, sự vắng mặt của tôi trong cuộc sống của các con sẽ được bù đắp một phần” - Palmer bộc bạch.

Khi Palmer và Williams tác nghiệp ở những địa điểm được xem là ngột ngạt nhất trên trái đất, cả hai đều nói đến những ưu thế mà giới tính đem lại cho công việc của họ. “Người ta luôn muốn biết nhiều về nữ phóng viên chiến trường ở Trung Đông. Theo tôi, mọi phụ nữ làm công việc như tôi đều sẽ đưa ra câu trả lời như nhau bởi đó là sự thật. Chúng tôi có thể trò chuyện với những người đàn ông địa phương khiến họ hiểu rằng phụ nữ phương Tây có vai trò nổi bật hơn trong xã hội. Chúng tôi cũng có khả năng tiếp cận phụ nữ địa phương vốn thường từ chối cho người lạ vào nhà mình” - Williams thừa nhận.

Kỳ tới: Xông pha vì sự nghiệp

Giới tính trung gian

Palmer và Williams cho biết họ có nhiều chuyện kể hơn nữa do cả hai đều từng trải qua nhiều năm tháng ở các chiến trường khốc liệt. Giờ đây, Williams đang bị mê hoặc bởi đất nước Trung Quốc - nơi chị từng nhiều năm tác nghiệp. Còn Palmer đang nhắm đến Iran, với mong muốn chứng kiến diễn biến lịch sử nước này. “Dĩ nhiên, tôi muốn trở thành người đưa tin cuộc nội chiến ở Syria kết thúc. Công việc của chúng tôi là nói về con người. Đàn ông, phụ nữ, trẻ em…, bất cứ chuyện gì, miễn là về con người” - chị tâm sự.

Theo Palmer, chị luôn nghĩ rằng phụ nữ làm phóng viên ở thế giới Ả Rập gần như thuộc “giới tính trung gian”. “Chúng tôi là giới tính thứ ba hoặc gần như vô tính” - chị khôi hài.

NGÔ SINH

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/cam-go-phong-vien-chien-truong-chien-truong-la-van-phong-20160729214421584.htm