Cấm dùng thức ăn chứa kháng sinh kích thích tăng trưởng trong chăn nuôi, thủy sản

Từ 31/12/2017, sẽ chấm dứt sử dụng thức ăn chứa kháng sinh với mục đích kích thích tăng trưởng. Đến 2020 sẽ chấm dứt thức ăn chăn nuôi có sử dụng kháng sinh nhằm mục đích phòng trừ bệnh.

Thông tin trên được đưa ra trong hội nghị triển khai kế hoạch hành động quốc gia về quản lý và sử dụng kháng sinh và phòng chống kháng kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản 2017 – 2020 diễn ra mới đây tại Hà Nội.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Vũ Văn Tám cho biết, việc sử dụng rộng rãi kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản ở Việt Nam làm gia tăng sự hiện diện của các vi khuẩn kháng thuốc trong gia súc, gia cầm, thủy sản và sản phẩm động vật. Việc bán thuốc kháng sinh không theo đơn, trộn kháng sinh vào thức ăn cho gia súc, gia cầm, thủy sản mà không có sự giám sát về chuyên môn cho thấy, thuốc kháng sinh được sử dụng thiếu trách nhiệm ở Việt Nam. Do vậy, kế hoạch hành động quốc gia này sẽ góp phần giảm thiểu các nguy cơ kháng thuốc cho cộng đồng liên quan tới việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản.

Bộ NN&PTNT đã tham mưu, đề xuất với Chính phủ, Quốc hội sửa đổi bổ sung, ban hành một loạt các luật thế hệ mới như: Luật Bảo vệ thực vật, Luật Thú y, tới đây là Luật Chăn nuôi, Luật Thủy sản….

Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho biết, chúng ta đã đưa ra lộ trình cụ thể để quản lý chặt chẽ thức ăn chứa kháng sinh. Theo đó, từ 31/12/2017, sẽ chấm dứt sử dụng thức ăn chứa kháng sinh với mục đích kích thích tăng trưởng. Đến 2020 sẽ chấm dứt thức ăn chăn nuôi có sử dụng kháng sinh nhằm mục đích phòng trừ bệnh.

“Tới đây chúng tôi sẽ cùng Bộ Y tế tổng rà soát kháng sinh dùng cho người và vật, trong đó chia ra những nhóm kháng sinh chỉ chuyên dùng cho người, cho vật, hạn chế kháng sinh dùng cả cho cả người và vật. Bộ Y tế cũng đã đưa ra giải pháp kiểm soát tốt hơn khám chữa bệnh, kinh doanh thuốc kháng sinh cho người”, Thứ trưởng Tám cho hay.

Từ 31/12/2017, sẽ chấm dứt sử dụng thức ăn chứa kháng sinh với mục đích kích thích tăng trưởng. Ảnh minh họa

Theo đó, Kế hoạch hành động quốc gia có 5 mục tiêu: Rà soát, sửa đổi và thi hành các quy định và chính sách liên quan đến kháng kháng sinh và sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ sản; nâng cao nhận thức về sử dụng kháng sinh và nguy cơ về sự hình thành kháng kháng sinh cho cán bộ kỹ thuật, người làm công tác chuyên môn trong lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm, cho nông dân và người tiêu dùng; thực hiện các thực hành tốt trong khám chữa bệnh, thực hành tốt trong sản xuất thức ăn chăn nuôi, thực hành tốt trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản; giám sát sử dụng kháng sinh, kháng sinh tồn dư và kháng kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản; tạo điều kiện cho các hoạt động hợp tác liên ngành về quản lý kháng kháng sinh.

Thuốc kháng sinh có thể giết hoặc ức chế sự phát triển của vi sinh vật như vi khuẩn, nấm hoặc động vật nguyên sinh. Chúng đã được sử dụng rộng rãi trong những thập kỷ gần đây và cho phép chúng ta đạt được những thành tựu nổi bật về thuốc thú y và thuốc cho người. Là một công cụ thiết yếu để kiểm soát các bệnh truyền nhiễm, thuốc kháng sinh cũng góp phần cải thiện an ninh lương thực, an toàn thực phẩm và phúc lợi động vật.

Tuy nhiên, hiệu quả của thuốc kháng sinh đã bị cản trở bởi sự phát triển của các cơ chế kháng thuốc giữa các chủng vi khuẩn có nguồn gốc từ người, động vật, thực phẩm và môi trường. Việc nhiễm các vi khuẩn kháng thuốc có thể khiến cho điều trị bệnh bị thất bại, bệnh trở nên nặng hơn và thậm chí gây tử vong. Để triển khai có hiệu quả kế hoạch hành động quốc gia, Bộ NN và PTNT coi trọng tầm quan trọng các hành động phối hợp không chỉ giữa các đơn vị trực thuộc Bộ NN & PTNT mà còn sự phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên Môi trường và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố.

Hùng Cường

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/cam-dung-thuc-an-chua-khang-sinh-kich-thich-tang-truong-trong-chan-nuoi-thuy-san-d126719.html