Cầm cố tài sản không đúng chủ sở hữu hợp pháp: Kỳ 2: Vì món lợi lớn, nhiều cửa hàng cầm đồ bất chấp pháp luật

Do lãi suất cầm đồ “không chính chủ” cao hơn cầm đồ “chính chủ” khoảng 5%/tháng nên dù đã có quy định rõ ràng nhưng nhiều cửa hàng kinh doanh dịch vụ này vẫn cầm cố nhiều loại tài sản không đúng tên chủ sở hữu, không có giấy ủy quyền hợp lệ như quy định.

Luật sư Đỗ Hải Bình (Đoàn Luật sư TP.HCM).

Luật sư Đỗ Hải Bình (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết Thông tư liên bộ của Ngân hàng Nhà nước - Thương mại số 02/TT/LB ngày 3/10/1995, hướng dẫn kinh doanh dịch vụ cầm đồ lãi suất và phí cầm đồ tối đa không quá 4,2%/tháng, tính trên số tiền được vay của mỗi lần cầm đồ. Trường hợp nếu bên cầm đồ muốn vay nóng ngắn hạn (dưới 15 ngày) lãi suất và phí cầm đồ cao nhất không quá 0,3%/ngày, tương đương 9%/tháng.

Tuy nhiên, theo khảo sát của phóng viên Báo Người Tiêu Dùng trong những ngày vừa qua, tại nhiều cửa hàng dịch vụ cầm đồ cho thấy điều ngược lại. Hầu hết, lãi suất của các hiệu cầm đồ đều cao hơn quy định nhiều lần.

Cửa hàng B.T nằm trên ở đường Lê Văn Chí, P.Linh Trung, Q.Thủ Đức, TP.HCM cầm chiếc xe biển số tỉnh với giá 3 triệu đồng nhưng lãi suất thỏa thuận giữa 2 bên qua Hợp đồng vay tiền mặt. Chỉ ít tiếng sau, chúng tôi lấy xe ra, lãi suất được cửa hàng B.T tính 65.000 đồng gồm 5.000 đồng tiền giữ xe và lãi suất 60.000 đồng cho 5 ngày (cầm xe tối thiểu 5 ngày). Như vậy, lãi suất ở đây được tính là 12%/tháng, cao gần gấp 3 lần Thông tư 02 quy định.

Thắc mắc về lãi suất quá cao, chủ cửa hàng này cho biết: “Do công an cấm em à, bị bắt là phạt dữ lắm. Xe không chính chủ nên phải vậy và phải có thêm tiền giữ xe nữa. Vì công an cấm nên xe loại này, chị phải đưa đi cất ở chỗ khác, để tại cửa hàng nếu bị phát hiện là phạt mỗi chiếc mấy triệu đồng chứ không phải ít”.

Hoạt động dịch vụ cầm đồ ngày càng phức tạp và bất chấp luật để kinh doanh. (Ảnh minh họa)

Tại cửa hàng H.S, đường Kha Vạn Cân, P.Linh Chiểu, Q.Thủ Đức, chiếc xe Honda RSX được cầm với giá 2 triệu đồng từ ngày 15-29/11, tiền lãi 1.200 đồng/ngày qua Hợp đồng cầm đồ. Tuy nhiên, sau vài tiếng chiếc xe được chuộc ra chủ xe phải trả 24.000 đồng cho 2 ngày cầm xe, tương đương lãi suất 18%/tháng, cao hơn mức quy định tối đa 4,18 lần.

Một số cửa hàng bất chấp quy định của pháp luật để cầm xe không chính chủ đang tạo nên mối nguy hiểm về trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện cho việc trộm xe có đất sống… Đồng thời, việc tiêu thụ hàng hóa do phạm tội mà có, thì người mua vì ham hàng giá rẻ có thể “xộ khám” bất cứ lúc nào.

Theo luật sư Đỗ Hải Bình, hành vi cầm xe không đúng chủ sở hữu hợp pháp hoặc không có giấy ủy quyền hợp lệ của chủ sở hữu cho người mang đi cầm cố đã được quy định rõ tại điểm i khoản 2 Điều 6 Thông tư 33/2010/TT-BCA có quy định một số điểm về dịch vụ cầm đồ như sau: Khi thực hiện dịch vụ cầm đồ, chủ cơ sở kinh doanh phải lập hợp đồng theo quy định. Người đến cầm đồ, thế chấp phải xuất trình CMND hoặc hộ chiếu còn giá trị sử dụng để chủ cơ sở kiểm tra, đối chiếu và in lưu tại cơ sở.

Đối với những hàng hóa, tài sản cầm đồ thuộc sở hữu của người thứ 3 phải có giấy ủy quyền hợp lệ của chủ sở hữu; Không được nhận cầm đồ đối với hàng hóa, tài sản không rõ nguồn gốc hoặc tài sản do các hành vi vi phạm pháp luật mà có. Khi có nghi ngờ hàng hóa, tài sản do phạm tội mà có phải thông báo ngay với cơ quan công an có thẩm quyền kiểm tra, xử lý; chủ tiệm cầm đồ nào vi phạm sẽ bị xử phạt từ 2-5 triệu đồng theo Điểm e khoản 2 Điều 11 Nghị định 167/2013/NĐ-CP cho hành vi trên.

Điều 250 Bộ luật Hình sự 1999, sửa đổi bổ sung ngày 19/06/2009 về Tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có được quy định như sau: Tiêu thụ tài sản biết rõ do người khác phạm tội mà có thì bị phạt tiền từ 5-50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Thiết nghĩ, cơ quan chức năng nên vào cuộc kiểm tra lại hoạt động của dịch vụ cầm đồ trên địa bàn thành phố. Cần có biện pháp mạnh tay hơn để chấn chỉnh những cửa hàng bất chấp luật pháp cầm xe không chính chủ với lãi suất cao ngất ngưỡng.

Ngày 11/11/2016, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai tiến hành bắt tạm giam 4 tháng đối với Võ Quốc Trung (45 tuổi, quê TP.Cần Thơ) để điều tra về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Theo điều tra ban đầu, Trung hành nghề mua bán xe cũ. Vào cuối năm 2015, do việc làm ăn thua lỗ, Trung bị nợ nần chồng chất. Để có tiền trả nợ và tiêu xài cá nhân, Trung đã nghĩ ra cách thuê xe tự lái, rồi đem bán hoặc mang đến tiệm cầm đồ thế chấp.

Trung tìm đến những gia đình có xe hơi đời mới giả vờ thuê xe dài ngày với giá 700.000 đồng/ngày, rồi đem cầm cố với giá từ 200-400 triệu đồng/chiếc xe. Tính từ đầu tháng 2/2016 đến cuối tháng 6/2016, Trung đã thuê 10 xe ô tô của người dân trên địa bàn TX.Long Khánh và TP.HCM rồi đem cầm, chiếm đoạt gần 1,5 tỷ đồng.

Trước đó, vào ngày 23/8/2016, Công an TX.Thuận An, tỉnh Bình Dương đã tạm giữ Lê Châu Xem (36 tuổi, chủ cửa hàng xe máy tại KP.1, P.Hòa Phú, TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) để điều tra về hành vi "Lừa đảo" và "Chiếm đoạt tài sản".

Theo thông tin ban đầu, chiều 19/8, chủ đại lý xe máy Nguyễn Tuấn Vũ (44 tuổi, ngụ P.Lái Thiêu, TX.Thuận An) báo với nhóm “hiệp sĩ” thuộc Đội phòng chống tội phạm P.Phú Hòa, TP.Thủ Dầu Một việc bị Xem lừa đảo, lấy 39 xe máy (trị giá gần 700 triệu đồng).

Trong ngày, “hiệp sĩ” Nguyễn Thanh Hải cùng 5 người khác đến các khu phố lần manh mối. Đến 21h, nhóm phát hiện Xem tại khu vực gần chợ Búng, P.An Thạnh, TX.Thuận An, tỉnh Bình Dương nên áp sát, mời về trụ sở công an làm việc.

Tại cơ quan điều tra, Xem khai nhận đem xe máy đến các tiệm cầm đồ ở Bình Dương để thế chấp với giá rẻ, lấy tiền rồi bỏ trốn.

Quang Bình - Minh Luân

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://www.nguoitieudung.com.vn/cam-co-tai-san-khong-dung-chu-so-huu-hop-phap-ky-2-vi-mon-loi-lon-nhieu-cua-hang-cam-do-bat-chap-phap-luat-d50318.html