Cầm cố tài sản không đúng chủ sở hữu hợp pháp - Kỳ 1: Biết rõ quy định vẫn cố tình làm?

Mặc dù đã có quy định rõ ràng, nhưng hiện nay nhiều cửa hàng kinh doanh dịch vụ cầm đồ vẫn cầm cố nhiều loại tài sản không đúng tên chủ sở hữu, không có giấy ủy quyền hợp lệ như quy định. Trong vai những người đi cầm cố tài sản, phóng viên chúng tôi đã đi tìm hiểu thực trạng trên tại một số cửa hàng cầm đồ trên địa bàn TP.HCM.

Tờ biên nhận của cửa hàng B.T

Trưa 15/11, trong vai người đi cầm cố xe máy, chúng tôi đã đến cửa hàng cầm đồ B.T, địa chỉ trên đường Lê Văn Chí, khu phố 3, P.Linh Trung để tìm hiểu. Sau vài câu chào hỏi, ông chủ là một thanh niên khoảng ngoài 30 tuổi hỏi cà vẹt (giấy chứng nhận đăng ký xe) và chứng minh nhân dân (CMND). Khi thấy tôi đưa cà vẹt không cùng tên với tên trên CMND thì anh tỏ vẻ e ngại rồi dò hỏi: “Xe này là của ai?” “Dạ, đây là xe của bà T. bán lại. Có chuyện gì sao anh?” - tôi trả lời và vờ hỏi lại.

Qua vài ba câu hỏi lòng vòng như thế thì ông chủ cũng quyết định cầm cho chúng tôi với giá 3 triệu đồng trong 15 ngày (từ 15-29/11) sau khi đã điện thoại hỏi thăm một người nào đó. Quyết định xong, anh này ra kiểm tra số khung, số máy xe xem có giống như trong cà vẹt không. Trong lúc này, chúng tôi có cơ hội để hỏi thêm người phụ nữ (chắc là vợ ông chủ) đang làm hợp đồng bên trong.

“Chị ơi, sao cầm xe không chính chủ rắc rối thế, lại còn bị tính lãi cao hơn bình thường vậy?”. Chị này trả lời: “Do công an cấm em à, bị bắt là phạt dữ lắm. Do xe không chính chủ nên phải vậy (tiền lãi cao hơn xe chính chủ) và phải có thêm tiền giữ xe nữa. Do công an cấm nên xe loại này chị phải đưa đi cất ở chỗ khác, để tại cửa hàng nếu bị phát hiện là phạt mỗi chiếc mấy triệu đồng chứ không phải ít”.

Khi hợp đồng được đưa ra, tôi thấy có ghi: “Ông/bà T. đứng tên chủ sở hữu đồng ý cho tôi mang đi cầm (nếu sai tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật)”, nhưng thực chất là chẳng có giấy tờ ủy quyền nào để chứng minh là chủ sở hữu đồng ý cho chúng tôi mang xe đi cầm cố cả! Mặt khác, nếu có giấy tờ chứng minh là chủ sở hữu đồng ý cho tôi đi cầm thì cửa hàng đã làm đúng theo luật định, vậy hà cớ gì cửa hàng lại phải sợ lực lượng chức năng đi kiểm tra(!)

Đến khoảng 15h30, chúng tôi quay lại cửa hàng cầm đồ B.T để lấy xe. Chủ cửa hàng tính lãi là 65.000 đồng cho số tiền cầm xe là 3 triệu đồng (lãi suất không ghi trên hợp đồng). Theo giải thích là 60.000 đồng tiền lãi cho 5 ngày (lấy liền thì tính lãi cho 5 ngày) và 5.000 đồng là tiền giữ xe. Sau đó, có một thanh niên trẻ chạy đi lấy xe về giao cho chúng tôi sau khoảng 20 phút chờ đợi.

Tờ biên nhận của cửa hàng H.S

Khoảng 16h cùng ngày, chúng tôi tiếp tục đi “cầm xe” tại cửa hàng cầm đồ H.S, đường Kha Vạn Cân, P.Linh Chiểu, Q.Thủ Đức sau khi 2 cửa hàng trên đường Hoàng Diệu 2, P.Linh Trung từ chối vì “mới bị công an bắt nên còn sợ”. Bà chủ cửa hàng H.S (khoảng ngoài 40 tuổi) làm việc khá nhanh gọn, tôi nói là xe mua lại của thằng bạn quê Quảng Ngãi nên cứ để vậy chạy thôi, không sang tên gì cả. Nghe vậy, bà này không hỏi nhiều mà còn khuyên “em nên đi công chứng giấy tờ xe, khi đó em là chủ sở hữu luôn. Nếu có cầm cố thì không tốn phí gửi xe, chị cũng đỡ lo hơn...”.

Sau khi ra kiểm tra xe, bà chủ làm hợp đồng cho tôi cầm với giá là 2 triệu đồng trong khoảng thời gian từ 15-29/11. Tại đây, quy định cũng giống như cửa hàng B.T, nhưng khác là có ghi thêm lãi suất trong hợp đồng. Cụ thể: “Lãi: 1.200 đồng/ngày”. 30 phút sau, chúng tôi đến lấy lại xe thì bà chủ lấy tiền lãi là 24.000 đồng.

Như vậy, cả 2 cửa hàng B.T và H.S đều biết rất rõ hành vi cầm xe không chính chủ khi không có giấy ủy quyền hợp lệ của chủ sở hữu là sai, nhưng họ vẫn cố tình làm. Vậy nguyên nhân là vì đâu?

Kỳ 2: Vì món lợi lớn, nhiều cửa hàng cầm đồ cố tình làm sai luật

Nói về vấn đề này, Luật sư Đỗ Hải Bình, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết:

Hành vi cầm xe không đúng chủ sở hữu hợp pháp hoặc không có giấy ủy quyền hợp lệ của chủ sở hữu cho người mang đi cầm cố đã được quy định rõ tại điểm I khoản 2 Điều 6 Thông tư 33/2010/TT-BCA có quy định một số điểm về dịch vụ cầm đồ như sau:

- Khi thực hiện dịch vụ cầm đồ, chủ cơ sở kinh doanh phải lập hợp đồng theo quy định. - Người đến cầm đồ, thế chấp phải xuất trình CMND hoặc hộ chiếu còn giá trị sử dụng để chủ cơ sở kiểm tra, đối chiếu và in lưu lại tại cơ sở.

- Đối với những hàng hóa, tài sản cầm đồ thuộc sở hữu của người thứ ba phải có giấy ủy quyền hợp lệ của chủ sở hữu.

- Không được nhận cầm đồ đối với hàng hóa, tài sản không rõ nguồn gốc hoặc tài sản do các hành vi vi phạm pháp luật mà có.

- Khi có nghi ngờ hàng hóa, tài sản do phạm tội mà có phải thông báo ngay với cơ quan công an có thẩm quyền kiểm tra, xử lý.

- Chủ tiệm cầm đồ nào vi phạm sẽ bị xử phạt từ 2-5 triệu đồng theo điểm e khoản 2 Điều 11 Nghị định 167/2013/NĐ-CP cho hành vi trên.

Bài, ảnh: Minh Luân - Quang Bình

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://www.nguoitieudung.com.vn/cam-co-tai-san-khong-dung-chu-so-huu-hop-phap--ky-1-biet-ro-quy-dinh-van-co-tinh-lam-d49969.html