Cám cảnh cuộc sống trong "chung cư ma" ở Sài Gòn

Chỉ có 100 hộ dân sống trong khu chung cư 2.000 căn hộ, tường bong tróc, sân chi chít kim tiêm, lo cướp giật... đó là nguyên nhân khiến khu tái định cư Vĩnh Lộc B (Bình Chánh, TP.HCM) bị người dân gọi bằng cái tên đầy ám ảnh "chung cư ma".

6 năm nay, kể từ ngày chuyển nhà sang khu tái định cư Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh, TP.HCM), cuộc sống của nhiều hộ dân trước đây cư ngụ tại khu vực có các dự án cải tạo bờ kênh Tân Hóa – Lò Gốm, dự án tiêu thoát nước và cải thiện ô nhiễm kênh Tham Lương – Bến Cát – Rạch Nước Lên bị đảo lộn rõ rệt. Từ chỗ có việc làm ổn định, gần các cơ sở phúc lợi xã hội, di chuyển thuận tiện, giờ đây họ phải đối mặt với nhiều vấn đề nan giải.

Cách trung tâm thành phố khá xa, chung cư Vĩnh Lộc B gần như tách biệt khỏi đời sống đô thị khi nằm lọt thỏm ngoài rìa xã Vĩnh Lộc B, một xã heo hút của huyện Bình Chánh, TP.HCM. Đây là khu tái định cư mà thành phố xây dựng cho các hộ dân bị giải tỏa ở các quận 1, 6, 8, 11, Tân Phú, Tân Bình, Bình Tân, Bình Thạnh, Phú Nhuận và huyện Bình Chánh. Thế nhưng từ khi đưa vào sử dụng từ năm 2010, mới chỉ có khoảng hơn 100 hộ gia đình vào ở so với quy mô gần 2.000 căn hộ, nên trông chung cư chẳng khác gì bị bỏ hoang. Chính vì điều này, nhiều hộ dân đã gọi nơi đây bằng cái tên khá "sởn da gà": Chung cư ma.

Khu chung cư có quy mô rất rộng nhưng hiện chỉ có 100 hộ gia đình sinh sống.

Lô B1.1 là nơi thành phố bố trí cho các hộ dân trước đây sinh sống tại khu vực kênh Tân Hóa - Lò Gốm. Bà Ngô Ngọc Nga (57 tuổi) cho biết, bà và gia đình đã sang đây được 5 năm. Con gái lớn của bà hiện đang là sinh viên tại một trường đại học trong trung tâm thành phố, lại phải đi làm thêm nên ngày nào cũng đến khuya mới về. Đoạn đường trước cổng khu chung cư khá vắng, cướp giật thường xuyên, nên ngày nào bà cũng sống trong thấp thỏm.

Sau khi căn nhà cũ bị giải tỏa, gia đình bà Nga được đền bù 250 triệu đồng. Với số tiền ít ỏi này, bà không thể mua được đất trong nội thành lẫn các khu vực lân cận, buộc lòng phải chuyển ra khu dân cư Vĩnh Lộc B, chấp nhận mua một căn hộ nhỏ với giá 500 triệu. Giờ đây ngoài việc sinh kế bị ảnh hưởng khi không thể bán buôn được như trước, gia đình bà Nga phải còng lưng đóng khoản tiền trả góp gần 2 triệu đồng mỗi tháng, trong 15 năm.

Ở Lô B1.2 sát bên, bà Huỳnh Thị Bang (75 tuổi) cũng tức tưởi cho hoàn cảnh hiện tại của gia đình mình. Bà bảo trước đây còn ở nhà cũ, gia đình sáng bán cơm, tối mở quán lẩu bình dân, thu nhập rất ổn định. Vậy mà qua đây chẳng còn làm được gì. Từ chỗ được vận động tay chân, ngày nào bà cũng thui thủi trong nhà, bệnh thấp khớp, nhức mỏi cũng vì thế mà kéo đến. Nhưng bệnh cũng phải vào tận bệnh viện Q.6 để khám và mua thuốc. Người đàn bà lắc đầu, nói cứ như vậy hoài chắc phải đăng bảng bán nhà thôi.

Tại dãy nhà A.05, chị Nguyễn Thị Bích Huyền (37 tuổi) cũng khá "thảnh thơi" khi quán nước nhỏ của chị quá ế ẩm. Trước kia chị làm công nhân ở Q.6, thu nhập mỗi tháng 6-7 triệu đồng. Nhưng từ khi chuyển đến khu dân cư Vĩnh Lộc B, chị phải xin nghỉ việc ở nhà để chăm hai con do trường học xa khu ở mới.

Cuộc sống thay đổi chóng mặt đã đành, nhưng đến nơi ở mới tưởng chừng khang trang, các gia đình còn phải gánh chịu với sự xuống cấp của cơ sở hạ tầng. Trên hình là những mảng xi măng ở thềm nhà nứt ra lộ cả đường móng. Chưa hết, mùa nắng ruồi muỗi bay đầy, còn mùa mưa cỏ mọc um tùm ngoài sân. Thậm chí rắn rít bò luôn vào nhà họ. Các đường ống cũng thường xuyên rơi vào tình trạng ùn ứ khi các hộ dân đa phần là người lao động nghèo, đã quen với lối sống cũ, chưa được trang bị kỹ các kiến thức sinh hoạt trong khu nhà tập thể.

Dẫn chúng tôi vào bên trong nhà mình, chị Nhung ngán ngẩm khi cánh cửa nhà tắm đã bung khỏi bản lề mấy tháng nhưng gọi hoài không thấy thợ đến sửa, dù nhà vẫn còn thời gian bảo hành.

Chỉ ra sân, chị cho biết mới mấy ngày trước, ngoài hàng rào chi chít những chiếc kim tiêm. Sợ hãi quá, chị báo với ban quản lý rồi cùng mọi người dọn dẹp, đồng thời đóng luôn cánh cửa, cấm tuyệt đối mấy đứa trẻ trong nhà bước ra ngoài và bắt chúng đi đâu cũng phải mang dép thật dày.

Vì rất nhiều tòa nhà trong chung cư bị bỏ hoang, các cống rãnh xung quanh đây cũng vì thế bị xuống cấp trầm trọng, lộ cả lỗ chứa chất thải. Không may nếu trẻ em đi ngang và sa vào những chiếc "bẫy" này, chẳng biết hậu quả sẽ như thế nào.

Các phòng ốc không bóng người, kính vỡ nát, đóng rất nhiều bụi bặm là thứ xuất hiện nhan nhản tại nơi đây.

Vì trống trải nên trước những cánh cửa, nhiều người vô ý thức tận dụng luôn làm nơi đổ rác.

Ngoài các ban công của từng căn nhà, cây kiểng không thể cạnh tranh lại với bọc ni lông và ly nhựa. Chúng cứ mỗi ngày một héo úa mà không ai đến chăm sóc, tưới nước.

Gạch ốp tường cũng không ngoại lệ, bể nát khắp xung quanh, để lộ ra sự hoang tàn, cũ kỹ dù chung cư mới chỉ đưa vào hoàng động có 6 năm. Vẫn còn hơn 1.000 căn hộ chưa có người ở tại nơi đây.

Từng mảng bê tông bong tróc ngay trên đỉnh các tòa nhà cao tầng không khác gì một "chung cư ma". Nhìn cảnh tượng này, ai dám tin nơi đây từng được đầu tư với kinh phí hơn 1.000 tỷ đồng.

Con đường từ cổng vào khu chung cư chưa được trải nhựa. Khi trời mưa, mặt đường khá trơn trượt, lầy lội, gây nguy hiểm cho người dân khi lưu thông. Một số chị em vì chồng đi làm xa ở nhà không có sẵn phương tiện nên nếu muốn đi đâu phải cuốc bộ mấy cây số để ra mặt lộ đón xe buýt. Nhiều người ngán ngẩm than: "Chẳng biết khi nào cuộc sống mới được cải thiện. Thời gian có lẽ cũng dài thườn thượt như con đường này".

Nguồn aFamily: http://afamily.vn/cam-canh-cuoc-song-trong-chung-cu-ma-o-sai-gon-20160717012432279.chn