Cắm biển hạn chế tải trọng để buộc… xin phép!

Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM đã có đơn kiến nghị bộ Giao thông vận tải và các cơ quan quản lý cho phép xe container có tổng tải trọng (tính cả vỏ container và hàng) từ 34,48 tấn trở xuống được chạy bình thường mà không cần xin giấy phép lưu hành đặc biệt.

Khập khiễng cầu đường đồng bằng sông Cửu Long: Ngày 10.8, ông Thái Văn Chung, tổng thư ký hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM cho biết đã chính thức gửi văn bản kiến nghị đến bộ Giao thông vận tải, cục Đường bộ Việt Nam về tình trạng “khập khiễng” giữa tải trọng cầu trên hệ thống đường quốc lộ, tỉnh lộ, đường vào các khu công nghiệp đồng bằng sông Cửu Long. Hiệp hội kiến nghị bộ Giao thông vận tải và cục đường bộ Việt Nam ghi nhận sự đóng góp của các doanh nghiệp vận tải hàng hóa vào sự nghiệp phát triển kinh tế của đất nước, chứ không thể nhìn một chiều vào sự hạn chế của hệ thống cầu đường giao thông mà khiến ngành vận tải từ “người có công thành kẻ có tội” và có những quy định làm ảnh hưởng xấu đến hoạt động của ngành. Xe container đều “quá tải trọng của cầu” “Hiện có hàng chục các khu công nghiệp được xây dựng tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, và điều kiện để các khu công nghiệp này tồn tại và phát triển là đảm bảo việc lưu thông hàng hóa được thuận lợi”, ông Chung nói. Hàng hóa tại các khu công nghiệp này là nông sản, thủy hải sản phục vụ xuất khẩu; và hàng nhập về chủ yếu là thiết bị máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp. Do bất cập của quy định hiện nay, khoảng 80% xe container đang trong tình trạng “buộc phải quá tải trọng cầu” tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Bất cập này xuất phát từ quy định vì đường bộ thì tính theo tải trọng trục (của xe), còn cầu lại tính tải trọng theo tổng tải trọng xe. Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM còn nêu thắc mắc về những khoản tiền được đầu tư rất nhiều cho phát triển hạ tầng giao thông so với kết quả đạt được. Theo hiệp hội, chính phủ có những ưu tiên phân bổ nguồn vốn từ trái phiếu chính phủ rất lớn cho bộ Giao thông vận tải để đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông (năm 2009 bộ được phân bổ 10.000 tỉ đồng trong tổng số 20.000 tỉ đồng từ trái phiếu chính phủ). Ngoài ra, một lượng lớn vốn ODA từ các nhà tài trợ thế giới; nguồn thu phí giao thông người dân, doanh nghiệp nộp thông qua tiêu thụ xăng dầu (khoảng 10.000 tỉ đồng)… cũng “đổ” vào đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông. “Với những khoản tiền tiền rất lớn như thế nhưng sao bộ Giao thông vận tải không tập trung, ưu tiên nâng cấp cầu đường trên các trục đường quốc lộ để hạn chế tình trạng “huyết mạch” của nền kinh tế không còn bị “ tắc nghẽn” khắp mọi nơi như hiện nay?”, đơn kiến nghị của hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM nêu thắc mắc. Hàng nhập về và xuất đi phải được đóng trong các container theo tiêu chuẩn cho phép. Do vậy, theo ông Chung, không thể chia nhỏ hàng ra để vận chuyển bằng các xe tải nhỏ như nhận xét của cơ quan quản lý đường bộ là khu quản lý Đường bộ VII. Ngoài ra, các cảng đang trong tình trạng quá tải, và nếu chia nhỏ hàng để tập trung về các cảng rồi đóng hàng để xuất khẩu thì khó khả thi vì thực tế không có chỗ để đóng hàng. Chưa kể nhiều loại hàng hóa cần sự ổn định cao trong quá trình di chuyển, như hàng đông lạnh xuất khẩu là thế mạnh của các khu vực đồng bằng sông Cửu Long. “Những thực tế diễn ra hàng ngày này cần được nhìn nhận một cách đúng đắn mới có thể tìm được lời giải cho bài toán về tải trọng cầu của khu vực đồng bằng sông Cửu Long”, ông Chung nhận xét với SGTT ngày 10.8. Hạn chế để… cấp phép (!) Theo hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM, do những quy định lạc hậu và bất nhất về tải trọng cầu, nhiều doanh nghiệp phải từ chối nhận chở hàng về các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Nhiều xe container được phép chạy trên đường, nhưng khi qua cầu sẽ bị quá tải, sẽ bị xử phạt. Theo cục Đường bộ Việt Nam, do hạ tầng chưa đồng bộ, cầu yếu còn nhiều nên phải cắm biển hạn chế tải trọng. Nhưng cơ quan chức năng cũng tính toán, cho phép xe quá tải qua cầu và buộc những xe quá tải muốn qua cầu phải có giấy phép. Tuy vậy, theo ông Chung, cần phải phân biệt giữa xe quá tải, quá khổ tải trọng cầu đường, xe chở hàng siêu trường siêu trọng với những loại xe thông thường. Những loại xe “quá tải, quá khổ” là cá biệt và việc buộc xin giấy phép lưu hành là đúng, nhằm bảo vệ hạ tầng giao thông. Nhưng không thể lấy tình trạng cá biệt này để áp dụng với những trường hợp phổ biến, bắt hàng trăm doanh nghiệp với hàng vạn xe chở container có “trọng lượng hàng hóa bình thường”, chở hàng nằm trong giới hạn cho phép phải có “giấy phép lưu hành đặc biệt”. Ông Chung bức xúc: “Điều này là hoàn toàn vô lý”. Ông Chung cho biết, hiệp hội kiến nghị cục đường bộ Việt Nam và các cơ quan quản lý cầu đường thực hiện nhanh một số biện pháp để bảo đảm an toàn cho cầu đường, vừa không ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Cụ thể cần cắm thêm biển báo hướng dẫn về khoảng cách, tốc độ, thời điểm được phép lưu thông đối với xe chở container khi đi qua các cầu có tải trọng dưới 30 tấn trên các trục đường quốc lộ, tỉnh lộ, đường vào các khu công nghiệp, khu chế xuất. Ở các cầu cho phép lưu thông hai chiều, có thể lắp đặt hệ thống đèn giao thông để xe bên này qua cầu thì xe bên kia tạm thời dừng và ngược lại. Minh Phong

Nguồn SGTT: http://www.sgtt.com.vn/detail29.aspx?columnid=29&fld=htmg/2009/0810/55367&newsid=55367