Cấm bán rượu bia sau 22h, ai đồng ý giơ tay?

Khi dự án Luật phòng, chống tác hại của rượu bia được đưa ra, một số chuyên gia cho rằng nên đưa điều luật cấm bán rượu bia sau 22h. Câu hỏi đặt ra: Có nên cấm không? Có cấm được không? Ai là người kiểm tra, xử phạt? Liệu có “chìm xuồng” giống quy định cấm hút thuốc nơi công cộng, cấm công chức nhậu trưa, thậm chí là cấm… tiểu bậy!

Nên

Việt Nam đang là nước tiêu thụ rượu bia đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á, đứng thứ 10 Châu Á và thứ 29 trên thế giới, là những con số được Bộ Y tế công bố.

Thực ra, với một đất nước vẫn tồn tại tục dân tự nấu rượu để uống, thật khó để có thống kê cụ thể. Và như vậy, nhiều khả năng dân Việt uống rượu không chỉ đứng thứ 2 hay thứ 10 như thống kê đâu!

Khi dự án Luật phòng, chống tác hại của rượu bia được đưa ra, một số chuyên gia cho rằng nên đưa điều luật cấm bán rượu bia sau 22h. Câu hỏi đặt ra: Có nên cấm không? Có cấm được không? Ai là người kiểm tra,xử phạt? Liệu có “chìm xuồng” giống quy định cấm hút thuốc nơi công cộng, cấm công chức nhậu trưa, thậm chí là cấm… tiểu bậy!

Ths. Trần Quốc Bảo – Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho PV báo Lao Động hay, thống kê tính đến tháng 1.2016 Việt Nam tiêu thụ khoảng 3,4 tỷ lít bia và 70 triệu lít rượu, ngoài ra, khoảng 200 triệu lít rượu không chính thống được nấu ở trong dân. Đây là những con số khiến nhiều người phải giật mình. “Nếu tính trung bình, một người nam giới trưởng thành uống khoảng 27,4 lít cồn nguyên chất, đây là con số rất đáng báo động. Hiện, không có quốc gia nào sử dụng rượu bia ở mức nguy hại cao (77,3%) như ở Việt Nam, đó là lý do vì sao tỷ lệ mắc các bệnh liên quan đến rượu bia ở nước ta ngày càng gia tăng" - ông Bảo cho hay.

Phát biểu tại hội thảo về dự thảo luật Phòng chống tác hại rượu bia mới đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định dự án Luật là rất cần thiết. Theo ông, hiện trong dự luật này có nhiều điểm mới so với ở Việt Nam, nhưng lại cũ so với thế giới. “Tôi lấy ví dụ, việc dự luật đưa ra quy định về việc cấm bán rượu bia sau 22 giờ, việc cấm bán rượu bia cho trẻ ở tuổi vị thành niên hay việc cấm quảng cáo rượu bia ở nơi công cộng... Các nước đã thực hiện từ lâu, nhưng ở Việt Nam giờ mới dự thảo để đưa vào luật”.

TS Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Y tế cho biết thêm: “Đến năm 2015, trên thế giới đã có 67 quốc gia đã quy định cấm bán rượu bia sau 22h trong luật, và dân người ta thực hiện rất nghiêm. Cấm từ 22h tối đến 8h sáng hôm sau”.

Về khả năng thực thi của luật trên, TS Quang cho rằng: Các cơ quan làm luật đưa ra bao giờ cũng tính khả năng thực hiện. Quy định thì phải có nhưng việc người dân không chấp hành luật thì đó là thói quen không chấp hành pháp luật chứ không phải do luật. 67 quốc gia làm tốt thế sao mình không làm? Chứ không thể cho rằng luật khả thi hay không khả thi. Để mức độ tuân thủ pháp luật cao, cần một cuộc vận động về mặt xã hội.

“Không thể ban hành sẽ nghiêm ngay được nhưng ban hành luật là để cảnh báo, mang tính chất quản lý nhà nước, của chính quyền. Sẽ là tuyên ngôn của nhà nước về vấn đề quản lý vì rượu bia làm ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân và xã hội” - TS Quang nói.

Không nên

Đại diện cho ngành bia rượu, PGS.TS Nguyễn Văn Việt - Chủ tịch Hiệp hội Bia - rượu và nước giải khát Việt Nam cho rằng: Chủ trương chung là xây dựng một văn hóa lành mạnh, tuy nhiên, nếu dùng những biện pháp hành chính mà không thực tế và đưa ra không có khảo sát thì sẽ không có tác dụng.

Ông Việt cũng băn khoăn về tính khả thi của quy định này nếu áp dụng vào thực tế. Cần phải đánh giá, phải nghiên cứu thấu đáo việc nếu đưa vào thì quy định cấm bán rượu bia sau 22 giờ sẽ tác động như thế nào đến kinh tế, văn hóa, du lịch... chứ không chỉ nhìn riêng về mặt sức khỏe.

Có một thực tế là hiện nay, các quán nhậu đêm của Hà Nội vẫn tiếp đón khách sau 22 giờ. Vậy, khi cấm bán rượu bia đồng nghĩa với việc làm hạn chế quyền vui chơi thư giãn của người sử dụng cũng như những cửa hàng kinh doanh rượu bia?

Luật sư Nguyễn Quang Ngọc – Công ty luật Quốc tế Thiên Việt cho rằng: Việc đưa ra đề xuất này là không hợp cả tình lẫn lý. Bởi dưới góc độ pháp lý, các nhà hàng, điểm ăn uống được cấp phép hoạt động đến 24 giờ, bây giờ nếu luật lại có quy định đến 22 giờ cấm bán rượu bia thì sẽ ra sao?

“Luật kinh doanh không cấm những chủ cửa hàng bán rượu bia vào các thời gian, không gian nhất định. Rõ ràng sẽ có sự chồng chéo nhau về vấn đề kinh doanh. Ngoài ra, quyền tự do kinh doanh, quyền tự do cá nhân sẽ bị xâm phạm nếu việc này được thực hiện”, luật sư Ngọc nói.

Ông đặt thêm câu hỏi, nếu cấm có kiểm soát được không và ai sẽ là người kiểm soát, xử lý?

Một cán bộ Phòng CSGT Hà Nội (không muốn nêu tên) chia sẻ rằng: Việc cấm bán rượu bia sau 22 giờ là không hợp lý chút nào. Theo cán bộ này, điều cần quản lý (và phải quản lý thật chặt) là tình hình an ninh trật tự ở nơi bán rượu bia có đảm bảo an toàn cho các du khách đến đó giải trí, thưởng thức hay không, chứ không chỉ đơn thuần là thời gian bán và dung lượng uống của họ...

Có vẻ như ý kiến nào cũng có lý nhỉ? Bạn thì sao? Ai đồng ý giơ tay!

Theo Trịnh Cao Giang

Lao động

Nguồn CafeBiz: http://cafebiz.vn/cam-ban-ruou-bia-sau-22h-ai-dong-y-gio-tay-20160929144207531.chn