California đòi ly khai, Trump đau đầu tính toán

Làn sóng phẫn nộ ở California tới mức đòi ly khai khó có thể thành công nhưng ông Donald Trump đã lắng nghe và tính đoán khả năng này.

Tân Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump và các cố vấn hôm 13/11 đã gặp mặt ở Manhattan, New York, để thảo luận các bước đi tiếp theo khi làn sóng biểu tình chống tổng thống mới đắc cử của nước Mỹ đã bước sang ngày thứ 5.

Từ khi đánh bại nữ đối thủ thuộc Đảng Dân chủ Hillary Clinton, ông Trump đã có nhiều biểu hiện thay đổi các thái độ của mình so với những lời công kích khi tranh cử.

Nhà tỷ phú Mỹ đang bắt đầu lắng nghe và nghiên cứu về những cuộc biểu tình đòi phế truất ông.

Theo quản lý chiến dịch tranh cử của ông Donald Trump, bà Kellyanne Conway cho biết, thời gian gần đây, ông tiếp đón rất nhiều khách.

Trong số những người bước vào Tháp Trump ngày hôm 11/11 có Nigel Farage, thủ lĩnh phong trào vận động để Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit. Conway miêu tả cuộc gặp giữa ông Trump và ông Farage diễn ra "rất hiệu quả".

"Họ có cơ hội trao đổi về tự do và chiến thắng cũng như ý nghĩa của chúng đối với thế giới", bà Conway nói.

Dòng trạng thái của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump.

Cùng ngày, ông Trump viết lên Twitter: "Đây sẽ là quãng thời gian tuyệt vời đối với tất cả người dân Mỹ. Chúng ta sẽ đoàn kết và chúng ta sẽ chiến thắng, chiến thắng, chiến thắng!".

Thông điệp được vị Tân Tổng thống Mỹ đắc cử cho thấy một tương lai nước Mỹ sẽ được cân bằng và thể hiện thái độ hòa hoãn khi ông trở thành Tổng thống thay vì đối địch với nhau như trước đây. Đặc biệt là khi những cuộc biểu tình đã biến thành một phong trào đòi chia tách bang.

Tối ngày 10/11, khi nhìn thấy những người biểu tình vì ông đã giành chiến thắng, Donald Trump viết lên Twitter: "Giờ đây những người biểu tình chuyên nghiệp, do truyền thông kích động thì đang biểu tình. Thật bất công!".

Nhưng sau đó, ông thay đổi giọng điệu: "Thực tế rằng một nhóm nhỏ những người biểu tình tối hôm qua có một niềm đam mê rất lớn đối với đất nước vĩ đại của chúng ta. Tất cả các bạn hãy đến bên nhau và cùng nhau tự hào!".

Người dân đòi biểu tình ngay tại Tháp Trump (Trump Tower).

Hiện nay, tại Portland và các thành phố như Oakland, Los Angeles, Chicago hay New York, những người biểu tình viện dẫn hàng loạt lý do khiến họ đổ xuống đường. Vài người nói họ muốn thể hiện sự không hài lòng với tỷ phú Trump cũng như những gì ông đề xuất. Số khác bày tỏ mong muốn được dẫn dắt bởi một lãnh đạo có cùng chí hướng.

Các nhà hoạt động vì môi trường, nhân quyền, nhập cư, luật lao động, LGBT... cho rằng xuống đường biểu tình chỉ là bước đầu tiên để thể hiện lập trường phản đối.

Nhưng Giáo sư T.V. Reed từ Đại học Washington cảnh báo: "Chắc chắn các cuộc biểu tình sẽ lớn dần lên trong tương lai khi mà những nhóm phong trào xã hội bắt đầu tham gia chống đối các chính sách của chính quyền mới đe dọa tới những người bị ông Trump kỳ thị".

Tại Portland, hai đêm biểu tình đầu tiên diễn ra tương đối ôn hòa. Nhưng sang đêm thứ ba, mọi chuyện vượt khỏi tầm kiểm soát và biến thành bạo lực. Cảnh sát đêm 10/11 thông báo các cuộc biểu tình "nay được coi là bạo động".

Nhà chức trách cho biết "các nhóm vô chính phủ" đã xuất hiện trong đám đông biểu tình, xúi giục những người biểu tình ôn hòa đập phá đồ đạc bằng gậy bóng chày và phun sơn lên các tòa nhà, buộc cảnh sát phải dùng tới hơi cay và lựu đạn khói.

California- exit có thành sự thực?

Hàng loạt các cuộc biểu tình lớn nhỏ đã xảy ra ở California. Đây là một bang rất tiến bộ ở Mỹ song các chính sách của ông Trump đưa ra khi tranh cử đã cho thấy sự lệch nhịp.

Theo chuyên gia Kevin Klowden thuộc Viện Milken, kết quả bầu cử đã cho thấy “sự chia rẽ thực sự”. Đây là bang được biết tới với một hệ thống luật pháp cấp tiến về môi trường, sử dụng súng và quyền lợi của người đồng tính. Ngày 8/11, bang này đã bỏ phiếu hợp pháp hóa việc hút cần sa. Do vậy, những quan điểm của ông Donald Trump đã đi ngược lại sự phát triển vốn có ở đây.

Mặt khác, tuyên ngôn chống người nhập cư của ông Trump cũng như quan điểm về việc sử dụng súng và biến đổi khí hậu cũng khác quan điểm của đa số người dân California.

Thống đốc bang California Jerry Brown.

Việc ông Trump sẽ trở thành Tổng thống khiến người dân California lo ngại về khả năng ông sẽ phản đối quyền được phá thai, hôn nhân đồng tính và có thể thực thi tuyên bố của ông về việc trục xuất hàng triệu người nhập cư không có giấy tờ.

Mark Baldassare, Giám đốc Viện Chính sách Công California, cho rằng mặc dù ý tưởng ly khai là phi hiện thực, song nó phản ánh một thực tế từ lâu: tiểu bang này nghĩ tới việc đứng ngoài liên bang.

Với dân số gần 40 triệu người, California là một trong những bang đa sắc tộc nhất ở Mỹ, với người da trắng không đông bằng người gốc Mỹ Latinh và các nhóm sắc tộc khác.

Kinh tế ở California cũng đặc biệt phát triển. Hồi 2015, California là nền kinh tế lớn thứ 6 trên thế giới, đứng trên cả Pháp và Ấn Độ, theo Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF.

Ann Crigler, Giáo sư chính trị học của Đại học Nam California cho rằng, dù có ưu thế vượt trội, trên mặt trận chính trị, bang này - cũng như các bang khác ở Mỹ - không phải có sự đồng nhất về quan điểm, theo đó những người sống dọc bờ biển đa phần là người theo đảng Dân chủ, trong khi những người ở khu vực nông thôn có xu hướng bảo thủ hơn.

Giáo sư Crigler cho rằng, với khoảng cách nằm xa Washington, lịch sử tự do của California và hệ thống liên bang của Mỹ, California vẫn có thể tiếp tục sống ngoài lề song không chính thức rời khỏi liên bang.

Ngọc Dương

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/california-doi-ly-khai-trump-dau-dau-tinh-toan-3322939/