“Cái tôi” của người trẻ hôm nay quá lớn

Từ đầu năm 2012, báo chí đưa tin những vụ tự tử của những học sinh lớp 7 đến lớp 12. Các nhà tâm lý cũng như giáo dục đưa ra rất nhiều nguyên nhân, nào là tuổi mới lớn với những nông nổi trong thời gian chuyển biến tâm sinh lý, nào là gia đình, thầy cô không quan tâm… Theo tôi nhận thấy, một trong những nguyên nhân đưa đến tình trạng tự tử của học sinh là “cái tôi” quá lớn.

Ngày xưa đi học, chúng tôi luôn nhận thức được trách nhiệm của mình, phải học bài làm bài, phải luôn nghe lời và kính trọng thầy cô giáo. Nếu lỡ không thuộc bài bị mắng, thậm chí bị đánh đòn cũng là phải lẽ. Có về nhà mách với ba mẹ, còn bị mắng thêm: “Có lỗi gì thầy cô mới đánh mắng. Sao mấy đứa trong lớp không bị?”. Nhờ vậy, hình thành tính cách khiêm nhu, nhún nhường cho lớp trẻ.

Nay nếu thầy cô có vì nóng giận la mắng học trò tức thì bị khiếu nại, kỷ luật vì xúc phạm nhân phẩm học sinh và bị dư luận lên án. Cũng từ hiện tượng “thầy sợ trò”, hình thành nơi học sinh một cái tôi thật lớn, để không thể nhận những lỗi lầm của mình, để không ai dám nói động tới. Và cái tôi đó chỉ tìm đến cái chết khi ngỡ rằng mình bị xúc phạm, mình cần “bảo vệ giá trị của mình” cũng là điều dễ hiểu.

Tại nhà trường ngoài những môn khoa học tự nhiên, học sinh rất cần được dạy cách làm người, được có nhiều cơ hội sinh hoạt, làm việc chung tạo mối liên kết cộng đồng, được dạy sống có mục đích và mục tiêu để phấn đấu. Thế nhưng học sinh ngày nay bị tất bật với bao trường chuyên lớp chọn.

Nếu chỉ học tại lớp 4 tiếng đồng hồ, về nhà làm bài tập thầy cô giao cao lắm 2 tiếng, còn lại là chơi đùa giải trí cùng bạn bè, thì giờ đâu nghĩ đến cái chết khi biết rằng mình sống để học hành, để vâng lời thầy cô và báo hiếu cha mẹ? Học sinh sẽ được ân cần bảo ban, tư vấn nếu như khi có thắc mắc gì về bài học hay bất cứ chuyện gì, có thể đến phòng giáo viên gõ cửa xin gặp và trao đổi.

Thế nhưng làm sao giáo viên “dám” quan tâm đến học trò khi trên vai giáo viên đầy ắp những áp lực thao giảng, dự giờ, sổ sách… và phờ phạc với gánh nặng cơm áo gạo tiền trên vai.

Vì vậy, không nên đổ lỗi hết cho internet, cho nhà trường, cho thầy cô… mà hãy suy nghĩ xem có phải chúng ta đã vô tình đặt người trẻ vào một vị trí của “người luôn được phục vụ và luôn được đáp ứng mọi yêu cầu” không.

Theo tiến sĩ Võ Văn Nam, Khoa Tâm lý giáo dục Đại học Sư phạm TPHCM, xét cho cùng khi quyết định tự tử là do cái tôi quá lớn, nhưng xét từ căn nguyên thì cái tôi đó chưa đủ bản lĩnh vượt lên chính mình để vượt qua nghịch cảnh. Đó là một nghịch lý, cho nên họ đáng thương hơn đáng trách. Họ là nạn nhân hơn là thủ phạm.

Theo Tiến sĩ Lê Vinh Quốc, nguyên Hiệu phó Đại học Sư phạm TPHCM, do điều kiện kinh tế và xã hội phát triển, người trẻ hôm nay khác với thế hệ 4X, 5X thậm chí 6X, họ có tự ái quá lớn.

Đã đến lúc chúng ta nên nhìn thẳng vào sự thật mà nói thẳng vấn đề để giải quyết từ gốc.

Nguyễn Ngọc Hà (Quận 3, TPHCM)

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/nhipcaubandoc/bandocviet/2012/4/286356/