Cải tổ Liên hợp quốc: Hy vọng mới cho câu chuyện cũ

Khóa họp thứ 72 của Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) tại New York (Mỹ) đã có sự khởi đầu tốt đẹp với việc 128 quốc gia đã ký vào tuyên bố chính trị 10 điểm ủng hộ kế hoạch cải cách toàn diện LHQ của Tổng thư ký (TTK) Antonio Gutteres. Việc nhiều nước tán thành cải tổ LHQ được xem là một mốc lớn tại khóa họp lần này.

Toàn cảnh ngày đầu tiên phiên họp cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 72. Ảnh: MNA

Nhu cầu cấp bách phải cải tổ

Khóa họp của LHQ năm nay diễn ra trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với nhiều mối đe dọa ngày càng tăng trên toàn cầu như khủng bố, xung đột vũ trang, khủng hoảng người di cư, thảm họa thiên nhiên, dịch bệnh....

TTK LHQ Guterres trong phiên khai mạc kỳ họp cấp cao ĐHĐ LHQ khóa 72 đã nhấn mạnh: “Thế giới đang lâm nguy, con người đang bị tổn thương và giận dữ, phải chứng kiến tình trạng mất an ninh leo thang, tình trạng bất bình đẳng gia tăng, xung đột lan rộng và hiện tượng biến đổi khí hậu. LHQ đang đứng trước những thách thức nghiêm trọng”.

TTK LHQ đặc biệt nhấn mạnh 7 thách thức đòi hỏi thế giới cần chung tay hành động một cách linh hoạt mới có thể mang lại hòa bình, an ninh và ổn định. Thứ nhất, đó là mối đe dọa của vũ khí hạt nhân. Ông kêu gọi Triều Tiên và tất cả các nước thành viên tuân thủ các nghị quyết của HĐBA để giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên.

Thứ hai, mối đe dọa chủ nghĩa khủng bố trên toàn cầu đòi hỏi các quốc gia cần nỗ lực hơn nữa để nhổ tận gốc chủ nghĩa cực đoan, tận dụng hết các công cụ của LHQ và mở rộng cuộc chiến chống khủng bố.

Thứ ba, những cuộc xung đột vũ trang, sắc tộc kéo theo đó là khủng hoảng nhân đạo quốc tế, và chỉ có giải pháp chính trị mới có thể mang lại hòa bình cho các dân tộc, từ Syria tới Yemen, từ Nam Sudan tới Sahel, Afghanistan và nhiều nơi khác.

Thứ tư, tình trạng biến đổi khí hậu đang đe dọa tương lai của loài người, do đó các chính phủ các nước cần quyết tâm thực thi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

Thứ năm, tình trạng bất bình đẳng đang gây phương hại tới những nền tảng của xã hội và khế ước xã hội. Thứ sáu là mối đe dọa an ninh mạng ngày càng leo thang, và cuối cùng là thách thức trong vấn đề di cư.

TTK LHQ kêu gọi các quốc gia cùng chia sẻ trách nhiệm tiếp nhận người di cư, tăng cường hợp tác để quản lý dòng người di cư đồng thời đưa ra cam kết mạnh mẽ hơn cho việc trấn áp nạn buôn người và bảo vệ các nạn nhân.

Tất cả những thách thức trên đòi hỏi LHQ phải hoạt động hiệu quả hơn, hợp pháp hơn. Muốn vậy, LHQ cần phải cải tổ một cách toàn diện, tương xứng với vị thế của một tổ chức đa phương lớn nhất thế giới, có đủ lý do chính đáng để hành động và duy trì sự cân bằng quốc tế. Chính Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng khẳng định: “chủ nghĩa đa phương là cách hiệu quả nhất để đối mặt với những thách thức toàn cầu”.

Hy vọng cải tổ LHQ thành tổ chức hành động

Tuy nhiên, Tổng thống mới của Mỹ, ông Donald Trump, từ khi nhậm chức đến nay đã nhiều lần tỏ ra hoài nghi về vai trò của LHQ. Tại cuộc họp, mặc dù ủng hộ sự tồn tại của LHQ, Tổng thống Trump vẫn cho rằng, những năm gần đây, LHQ chưa hoạt động hết khả năng do tình trạng quan liêu, quản lý chưa thỏa đáng và Mỹ chưa nhìn thấy kết quả hoạt động xứng với đầu tư của Mỹ cho tổ chức này.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (giữa) tại Hội nghị về cải tổ Liên hợp quốc, trong khuôn khổ Đại hội đồng khóa 72. Ảnh: AP

Theo ông Trump, LHQ không nên tiếp tục duy trì những cách hoạt động cũ vốn đã không còn hiệu quả. Đối với việc tài trợ cho LHQ, Tổng thống Mỹ nhấn mạnh cần phải đảm bảo rằng không quốc gia thành viên nào phải gánh phần trách nhiệm quá lớn đối với ngân sách của tổ chức này. Đối với hoạt động gìn giữ hòa bình, ông Trump cũng cho rằng mỗi sứ mệnh cần phải có những mục tiêu rõ ràng. Hiện Mỹ là nước đóng góp nhiều nhất cho ngân sách hoạt động của LHQ, với 25% trong ngân sách phục vụ hoạt động hàng năm của tổ chức này và hơn 28% ngân sách phục vụ hoạt động gìn giữ hòa bình.

Song ông Trump vẫn tin tưởng nếu các nước thành viên đoàn kết lại để tiến hành cải tổ LHQ, tổ chức này sẽ trở thành một lực lượng mạnh hơn và hiệu quả hơn trong sứ mệnh mang lại hòa bình cho thế giới. Ông hoan nghênh những nỗ lực của TTK LHQ Gutteres trong việc tìm kiếm cách thức để khiến LHQ có thể đảm nhiệm công việc tốt hơn trên lĩnh vực phát triển, an ninh và hòa bình.

Trong nhiều năm qua, câu chuyện về cải tổ LHQ luôn được nhắc đến mỗi khi các nhà lãnh đạo thế giới tề tựu về New York để tham dự phiên họp cấp cao của ĐHĐ LHQ vào tháng 9 hàng năm. Đã từng có nhiều nỗ lực để cải cách nhằm nâng cao hiệu quả của LHQ trong việc giải quyết các cuộc khủng hoảng quốc tế. Các sáng kiến thường tập trung chủ yếu vào việc cải cách HĐBA bằng cách tăng số lượng thành viên thường trực hoặc xóa bỏ quyền phủ quyết. Song vẫn chưa có nỗ lực cải tổ nào thành công.

Kỳ họp cấp cao ĐHĐ LHQ khóa 72 khai mạc ngày 19-9 tại New York, Mỹ và kéo dài cho đến 25-9. Chủ đề của kỳ họp năm nay là "Chú trọng vào con người - Phấn đấu vì hòa bình và cuộc sống có phẩm giá cho tất cả mọi người trên một hành tinh bền vững".

Khóa họp ĐHĐ LHQ khóa 72 lần này được đánh giá là có nhiều chuyển biến hơn những năm trước, làm dấy lên hy vọng các quốc gia thành viên sẽ tìm được tiếng nói chung cho một số giải pháp cụ thể để cải tổ LHQ, đưa tổ chức này từ một tổ chức “nói nhiều làm ít” thành một tổ chức “sẵn sàng hành động”. Khi được hỏi về thông điệp chính của mình đối với ĐHQ, ông Trump đã lặp lại khẩu hiệu của chính ông khi tranh cử: “Hãy biến LHQ trở nên vĩ đại... Và với những tiềm năng hiện nay, tôi nghĩ chúng ta hoàn toàn có thể làm được điều đó”.

Tuy nhiên, Nga - một cường quốc hạt nhân và là ủy viên thường trực HĐBA - không ủng hộ những đề xuất của Mỹ về việc cải tổ LHQ vì cho rằng đó là một bước tiến hướng tới trật tự thế giới đơn cực, làm giảm thiểu vai trò của LHQ trong thế kỷ XXI.

Nguyễn Trung

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/cai-to-lien-hop-quoc-hy-vong-moi-cho-cau-chuyen-cu/