Cải tổ đào tạo sư phạm: Đặt điểm sàn riêng, cắt mạnh chỉ tiêu

Chiều 16/8, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã làm việc với hiệu trưởng các cơ sở đào tạo sư phạm trong cả nước. Tại đây, nhiều giải pháp quyết liệt đã được đưa ra để nâng cao chất lượng đào tạo sư phạm trong thời gian tới.

Số thí sinh có điểm bằng điểm sàn nhập học: Rất ít

Thống kê của Bộ GD-ĐT cho thấy, trong số 673 ngành đào tạo sư phạm, có:

23 ngành lấy điểm xét tuyển từ 25 trở lên (điểm trúng tuyển trung bình là 27,75 điểm).

158 ngành lấy điểm xét tuyển từ 20 đến dưới 25 điểm (điểm trúng tuyển trung bình là 23,35 điểm).

302 ngành lấy điểm xét tuyển từ 15,5 đến dưới 20 điểm (điểm trúng tuyển trung bình là 20 điểm).

Đặc biệt, có 197 ngành tuy lấy điểm xét tuyển dưới 15,5 điểm song mức điểm trúng tuyển trung bình vẫn đạt 17,5 điểm.

Số lượng ngành đào tạo sư phạm theo các mức điểm trúng tuyển năm 2017

Theo Bộ GD-ĐT có rất nhiều thí sinh nhập học đạt điểm cao hơn mức điềm chuẩn đầu vào mà các trường sư phạm đặt ra. Số lượng thí sinh nhập học có điểm trúng tuyển bằng điểm sàn rất ít.

Chẳng hạn, Trường ĐH Sư phạm - ĐH Thái Nguyên, Trường ĐH Sư phạm - Đại học Huế chỉ có chưa đến 1% thí sinh có điểm trúng tuyển ở mức 15.5 điểm.

Trường Đại học Vinh chỉ có 44/638 thí sinh trúng tuyển ngành sư phạm dưới 18 điểm, trong đó chỉ có 2 em có điểm trúng tuyển ở mức 15,5 điểm (đăng ký vào ngành giáo dục quốc phòng an ninh).

Tuy vậy, Bộ GD-ĐT thừa nhận, việc một số trường sư phạm đưa ra mức điểm chuẩn đầu vào thấp đã khiến cho xã hội lo ngại về chất lượng đội ngũ giáo viên trong tương lai.

Bộ GD-ĐT cũng khẳng định, mặc dù điểm trúng tuyển các trường sư phạm tính trung bình cao hơn năm ngoái song nhìn vào bức tranh chung tuyển sinh sư phạm năm nay có thể thấy nhiều thí sinh điểm cao không còn mặn mà với ngành sư phạm, nhiều trường mặc dù đưa ra điểm đầu vào thấp nhưng vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu.

Nguyên nhân được các trường đưa ra là do quy mô giáo dục đào tạo đã đi vào ổn định, vì thế, số lượng trường sư phạm hiện nay đã vượt quá yêu cầu thực tế. Nhiều thí sinh lo ngại sau khi ra trường không có việc làm từ thông tin dư thừa giáo viên cục bộ ở một số địa phương.

Bên cạnh đó, chính sách đối với giáo viên hiện nay chưa tốt: Vào “biên chế” khó khăn, thu nhập thấp, áp lực lớn, nhiều nơi lớp học quá đông nên giáo viên rất vất vả mà không được đãi ngộ xứng đáng. Vì vậy, ngành sư phạm không cạnh tranh được với các ngành khác và không tạo được động lực cho những người muốn theo đuổi nghề giáo.

Ngành không đủ điều kiện thì không được tuyển sinh

Thẳng thắn nhìn nhận những vấn đề còn hạn chế trong đào tạo sư phạm thời gian qua, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng, cần phải có các giải pháp quyết liệt để nâng cao chất lượng đào tạo sư phạm, trong đó có chất lượng đầu vào.

Ông Nhạ yêu cầu đào tạo phải gắn với nhu cầu sử dụng, ngành nào dư thừa dứt khoát phải dừng đào tạo, không để xảy ra tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ như thời gian vừa qua.

Bên cạnh đó, những ngành đang đào tạo nhưng không đáp ứng được các điều kiện đảm bảo chất lượng, không đảm bảo chuẩn đầu ra theo quy định cũng sẽ kiên quyết cho dừng.

Ngoài ra, để nâng cao chất lượng đầu vào, từ sang năm Bộ sẽ quy định điểm sàn riêng đối với các trường đại học sư phạm, cao đẳng sư phạm và các ngành đào tạo giáo viên.

Ông Nhạ yêu cầu Cục Quản lý chất lượng đẩy mạnh kiểm tra các điều kiện đảm bảo chất lượng của các ngành đào tạo sư phạm đã mở, nếu không đủ điều kiện thì không được tuyển sinh. Những ngành đủ điểu kiện, các địa phương còn nhu cầu tuyển dụng, cần ưu tiên đầu tư để nâng cao chất lượng.

Bên cạnh đó, cần đẩy nhanh việc quy hoạch lại mạng lưới các trường sư phạm. Theo đó, các trường có chất lượng cao, có uy tín sẽ được chọn làm trung tâm, các trường khác sẽ chuyển đổi hoạt động để trở thành phân hiệu hay vệ tinh của các trường trung tâm để trước mắt tập trung vào nhiệm vụ đào tạo lại đội ngũ giáo viên.

Người đứng đầu ngành giáo dục cũng nhấn mạnh sẽ nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội có những chính sách đãi ngộ tốt hơn, tạo động lực cho đội ngũ nhà giáo và tạo sức hấp dẫn người học đối với ngành sư phạm.

Tiếp tục cắt giảm mạnh chỉ tiêu sư phạm

Bộ GD-ĐT cho biết, năm 2017, chỉ tiêu thực tế của các trường sư phạm (không tính hệ liên thông, B2 chính quy) là 55.611 chỉ tiêu.

Trong đó, đại học chính quy là 22.356 chỉ tiêu; cao đẳng chính quy là 20.390 chỉ tiêu; trung cấp chính quy là 12.865

So sánh với những năm trước đó, tổng chỉ tiêu sư phạm năm 2017 đã giảm đáng kể. Cụ thể:

Năm 2014: Tổng chỉ tiêu là 91.230 (đại học chính quy: 29.925; cao đẳng chính quy: 32.575; trung cấp chính quy: 28.730).

Năm 2015: Tổng chỉ tiêu là 80.968 (đại học chính quy: 26.600; cao đẳng chính quy: 28.250; trung cấp chính quy: 26.118).

Năm 2016: Tổng chỉ tiêu là 67.698 (đại học chính quy: 26.885; cao đẳng chính quy: 23.053; trung cấp chính quy: 17.760).

Trong những năm gần đây, mỗi năm, Bộ GD-ĐT đã cắt giảm từ 10% đến 20% chỉ tiêu cho phù hợp với nhu cầu sử dụng.

Tuy nhiên, do số lượng cơ sở đào tạo sư phạm còn lớn, chỉ tiêu chung vẫn cao cho nên về lâu dài vẫn cần có một quy hoạch mạng lưới hợp lý, có tầm nhìn để đưa ra chỉ tiêu hàng năm sát hơn với thực tế sử dụng.

Trước mắt, trong năm học tới, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục cắt giảm mạnh chỉ tiêu đào tạo sư phạm, đặc biệt là những ngành không đáp ứng được các điều kiện đảm bảo chất lượng.

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học: "Sinh viên sư phạm được đặt hàng sẽ có đảm bảo về việc làm"

Khi quy hoạch hệ thống, sẽ có phân khúc về chất lượng: Có trường sẽ được đầu tư trọng tâm, có trường thì tự chủ để đáp ứng yêu cầu của thị trường và cũng có thể có những trường yếu kém không tuyển sinh được, xã hội không lựa chọn thì buộc phải lựa chọn hoặc tích cực đầu tư hoặc phải sáp nhập, hợp nhất - như một dạng vệ tinh.

Với các trường sư phạm thì sự can thiệp và điều tiết của thị trường sẽ ít hơn so với các trường khác trong toàn hệ thống. Do đó, phải đánh giá với quy mô dân số và nhu cầu học tập để xem nhu cầu sử dụng giáo viên đến đâu thì đào tạo giáo viên đến đó.

Về vấn đề "có nên tồn tại các trường cao đẳng", hiện nay không thể sử dụng các biện pháp hành chính trong quy hoạch. Bộ sẽ xây dựng chuẩn riêng cho các trường sư phạm. 3 năm gần đây, mỗi năm đều giảm trung bình từ 15-20% chỉ tiêu ngành sư phạm. Riêng các trường trực thuộc Bộ GD-ĐT còn giảm 20%/năm.

Sau quy hoạch, Bộ GD-ĐT sẽ đặt hàng đào tạo và những sinh viên được đặt hàng đào tạo khi tốt nghiệp được đảm bảo việc làm. Trong toàn bộ khối sư phạm cũng sẽ phân khúc, phân loại. Với những học sinh giỏi, đạt thành tích sẽ có những ưu đãi về việc làm.

Dự kiến, đối với các trường đào tạo chất lượng, sinh viên sư phạm thực sự giỏi khi ra trường có thể sẽ được sắp xếp việc làm như sinh viên các trường quân đội, công an.

Trước mắt, sẽ tập trung vào khối trường chất lượng nhất và nhóm sinh viên chất lượng nhất. Khi khảo sát trên toàn hệ thống trường sư phạm.

Các trường sư phạm lớn ngoài việc tuyển sinh thì còn được giao đào tạo lại đội ngũ giáo viên để đạt chuẩn trong giai đoạn tới, đáp ứng đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông.

Bộ GD-ĐT cũng đang xây dựng chuẩn nghề nghiệp giáo viên và cán bộ quản lý của từng cấp học, trên cơ sở đó sẽ đánh giá một cách toàn diện các yếu tố về phẩm chất, kiến thức, năng lực chuyên môn, kỹ năng,…Giáo viên sau ra soát mà chưa đạt chuẩn thì sẽ được đào tạo bồi dưỡng để đạt chuẩn để tiếp tục sử dụng. Chủ trương của Bộ là rà soát, bồi dưỡng để đạt chuẩn chứ không phải rà soát để loại bỏ giáo viên ra khỏi ngành.

Ông Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá - Giáo dục - Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: "Tôi ủng hộ đặt điểm sàn riêng"
Tại bàn tròn trực tuyến ngày 4/8 do báo VietNamNet tổ chức, trước câu hỏi "có nên đặt điểm sàn riêng" cho các trường sư phạm, ông Thắng cho biết:

Tôi chia sẻ với những băn khoăn của dư luận xã hội. Rõ ràng ta vẫn quan niệm sư phạm là máy cái đào tạo đội ngũ giáo viên để đào tạo thế hệ kế tiếp.

Chất lượng học sinh đương nhiên phụ thuộc rất lớn vào chất lượng của thầy cô giáo, và chất lượng của thầy cô giáo phụ thuộc vào chất lượng đầu vào tuyển sinh đại học. Về nguyên tắc, thí sinh điểm cao sẽ là những sinh viên giỏi.

Khi chúng ta có chủ trương miễn học phí cho sinh viên sư phạm, thì điểm của các trường sư phạm thuộc top cao nhất, và điều này kéo dài trong một số năm. Sau đó, do những biến động về kinh tế xã hội, những chính sách ấy ở thời điểm này dường như không còn sức hấp dẫn. Tôi cho rằng việc này liên quan đến hoạch định chính sách. Có lẽ, một chính sách không nên áp dụng thời hiệu quá dài mà phải phụ thuộc vào điều kiện kinh tế xã hội để thay đổi. Và việc xét tuyển vào các trường sư phạm năm nay là một sự nhắc nhở với chúng ta.

Chúng ta cần có những chính sách mới mạnh hơn để thu hút sinh viên giỏi vào các trường sư phạm.

Nếu so với các trường công an, quân đội, có thể thấy sự tương quan khá lí thú. Thứ nhất, các trường công an, quân đội có đầu ra rất ổn định. Học viên tốt nghiệp được bố trí công việc với thu nhập cao hơn mức lương công chức thông thường, và các điều kiện làm việc khác khá ổn định.

Thứ hai, cánh cửa vào rất hẹp, chỉ tiêu rất ít. Đặc biệt các trường công an, quân đội ưu tiên tuyển các chiến sỹ đã hoàn thành nghĩa vụ để tiếp tục học trở thành lực lượng phục vụ.

Tất cả những cái chúng ta nêu vẫn là điều kiện ưu tiên, tạo ra công việc ổn định, mức lương tốt. Đó là những chính sách chúng ta cần lưu ý để khi áp dụng với các trường sư phạm có thể cải thiện được tình trạng như hiện nay.

Không phải cứ đặt ra mức điểm sản cao thì chúng ta mới thu hút được học sinh giỏi vào trường đó, nhưng tôi ủng hộ quan điểm đặt ra điểm sàn riêng cho sư phạm để đảm bảo chất lượng của sinh viên mà chúng ta đào tạo ra.

Lê Văn - Thanh Hùng

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/nguoi-thay/cai-to-dao-tao-su-pham-dat-diem-san-rieng-dung-tuyen-sinh-nganh-yeu-393118.html