Cải thiện môi trường tạo đà phát triển

"Công nghiệp không khói" là tên gọi không chính thức của ngành du lịch đang nắm giữ vị trí quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu.

Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Nói cải thiện môi trường đô thị để tạo đà cho sự phát triển ngành công nghiệp này, thoạt đầu tưởng là không liên quan nhưng thực ra, đây là mối quan hệ biện chứng, tương hỗ lẫn nhau. Điều này được thể hiện rất rõ đối với Hà Nội đối với những quyết sách về văn minh, trật tự đô thị.

Thực tế cho thấy, các yếu tố môi trường không thể thiếu trong quy hoạch phát triển đô thị. Tất cả các cố gắng của các nhà quy hoạch đều muốn tiến đến mục tiêu xây dựng các đô thị hiện đại, đáp ứng được các nhu cầu phát triển của con người nhưng vẫn đảm bảo chất lượng môi trường theo tiêu chuẩn nhất định, đảm bảo sức khỏe của người dân đô thị, giảm thiểu phá vỡ cảnh quan tự nhiên, đồng thời bảo tồn được các nguồn tài nguyên thiên nhiên giới hạn trong khu vực đô thị. Đối với Hà Nội cũng vậy, để phát triển ngành công nghiệp không khói thì những quyết sách về vấn đề quy hoạch, cải thiện môi trường đô thị, nâng cao chất lượng sống là điều không thể xem nhẹ.
Thời gian qua, cùng với tốc độ hóa đô thị thì vấn đề cải thiện môi trường đô thị, môi trường sống luôn được lãnh đạo TP quan tâm chú trọng. Chỉ tính riêng năm 2016, Hà Nội đã có 4 bước đột phá về trong việc thực hiện “Trật tự, văn minh đô thị”, đó là thực hiện đổi mới vận hành thu gom rác thải; phủ xanh Thủ đô bằng 1 triệu cây xanh; người dân ngoại thành có thể uống nước tại vòi và xử lý 80 hồ ô nhiễm môi trường nước.
Trong đó, bước đột phá ấn tượng nhất có lẽ là việc UBND TP Hà Nội tổ chức nghiên cứu và đặt hàng chế phẩm Redoxy-3C để xử lý ô nhiễm nước hồ trên địa bàn. Sau khi thí điểm tại 3 trong số các hồ ô nhiễm nặng nhất là Giáp Bát, Hố Mẻ và Ba Mẫu, TP tiếp tục xử lý đột xuất Hồ Tây và nhân rộng ra toàn bộ các hồ khu vực nội - ngoại thành. Được biết, trước khi xử lý, nước của các hồ đều bị ô nhiễm hữu cơ và đang trong tình trạng phì dưỡng, nước mầu xanh đậm, có mùi tanh, thối. Tuy nhiên, chỉ sau 5 ngày xử lý, nước hồ đã trong, không còn mùi khó chịu, sinh vật thủy sinh phát triển bình thường, các chỉ tiêu về nước mặt giảm về ngưỡng cho phép.
Và hơn nữa, trong tiến trình đô thị hóa, giữa ngột ngạt của những khối bê tông và đường nhựa, những hàng cây xanh càng trở nên quý giá hơn bao giờ hết, vì thế, chương trình trồng mới 1 triệu cây xanh được Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung khởi xướng năm 2016 cũng đã được nhân dân hào hứng đón nhận. Đến nay đã có thêm 210.000 cây xanh mới được trồng, trong đó nhiều cây đang phủ xanh các công viên cũ, công viên mới. Cùng đó, công tác nâng cao chất lượng vệ sinh môi trường, đổi mới công nghệ thu gom rác thải theo hướng cơ giới hóa cũng được lãnh đạo TP chỉ đạo quyết liệt,…đã góp phần tạo ra một Hà Nội xanh, sạch, văn minh và hiện đại hơn. Người dân Thủ đô không lo ra đường vì bụi, vì ô nhiễm; du khách thập phương tới Hà Nội được hòa quện với thiên nhiên, có nhiều lựa chọn cho hành trình khám phá và hưởng thụ của mình. Số lượng khách du lịch đến Hà Nội tăng giúp nguồn thu từ ngành này ngày một tăng, chứng tỏ Hà Nội thực sự đang trở thành điểm đến ấn tượng.
5 tháng đầu năm 2017, tổng lượng khách du lịch đến Hà Nội đã ước đạt 9.659.888 lượt khách, tăng 7,6% so với cùng kỳ, trong đó khách du lịch quốc tế ước đạt 2.052.506 lượt khách, tăng 14% so với cùng kỳ; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 29.203 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước. Đây thực sự là con số biết nói, khi số lượng khách cũng như nguồn thu từ du lịch của Hà Nội đã có bước tiến khá bền vững, không còn tình trạng “phát triển tụt lùi” như trước đây. Điều ngày góp phần khẳng định tính đúng đắn cho những quyết sách và quyết tâm của TP trong vấn đề cải thiện môi trường đô thị thời gian qua, tạo đà để phát triển kinh tế Thủ đô, trong đó có ngành công nghiệp không khói.

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/cai-thien-moi-truong-tao-da-phat-trien-291194.html