Cải tạo và thu phí - chuyện bây giờ mới nói

Những ngày qua, chuyện các tài xế phản ứng mạnh mẽ trạm thu phí BOT ở Cai Lậy đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận, đặc biệt là bà con miền Tây.

Trạm thu phí BOT Cai Lậy (Tiền Giang).

Lý lẽ của những người phản ứng đưa ra khá thuyết phục, đại ý: Trạm thu phí BOT phải đặt trên tuyến tránh TX.Cai Lậy, vì đây là con đường được đầu tư mới. Còn việc cải tạo, sửa chữa đoạn QL1 qua TX.Cai Lậy phải từ kinh phí bảo trì cầu đường mà người tham gia giao thông vẫn đóng hàng năm. Không thể lấy cớ sửa chữa, nâng cấp con đường đã có sẵn để đặt trạm thu phí BOT, đó là tiền lệ rất đáng lo ngại!

Đây không phải câu chuyện mới ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Dự án (DA) cải tạo, nâng cấp con đường có sẵn theo hình thức BOT đã có từ lâu ở miền Tây. Có thể kể ra đây các DA tiêu biểu: DA BOT cải tạo, nâng cấp QL91 từ TP.Cần Thơ đi Long Xuyên (An Giang); DA BOT cải tạo, nâng cấp QL1 từ TP.Cần Thơ đi Cà Mau (cùng 2 tuyến đường tránh TP.Sóc Trăng và TP.Cà Mau) với 3 trạm thu phí đặt tại quận Cái Răng (TP.Cần Thơ), Sóc Trăng và Bạc Liêu. Cả 4 trạm thu phí trên đã lần lượt đi vào hoạt động từ hơn một năm trở lại đây.

Hiện tại trên vùng ĐBSCL đang tiếp tục triển khai 2 DA cải tạo, nâng cấp quốc lộ theo hình thức BOT, đó là: Đoạn QL53 từ Vình Long đi Trà Vinh và đoạn QL30 từ Cao Lãnh (Đồng Tháp) đến ngã ba An Hữu (huyện Cái Bè, Tiền Giang). Ngành GTVT và 2 địa phương Trà Vinh, Long An cũng đang kêu gọi đầu tư DA cải tạo, nâng cấp đoạn QL53 qua Trà Vinh và QL62 từ TP.Tân An đi cửa khẩu Bình Hiệp theo hình thức BOT.

Vùng ĐBSCL sông rạch chằng chịt, giao thông đường bộ phát triển chậm so với cả nước. Mỗi một con đường được xây dựng mới hoặc được cải tạo, nâng cấp đều rất đáng quý vì nó góp phần quan trọng đưa vùng đất này thoát nghèo, phát triển cùng cả nước.

Có lẽ vì vậy mà các địa phương, người dân và cánh tài xế trong vùng đã nén lòng chấp nhận các DA “cải tạo, nâng cấp” những con đường có sẵn và thu phí. Nhưng đến DA ở Cai Lậy thì có vẽ như “giọt nước đã tràn ly”.

Từ sự kiện này, chắc chắn các DA cùng loại (cải tạo, nâng cấp các con đường theo hình thức BOT) ở ĐBSCL sẽ khó tiếp tục triển khai trong thời gian tới. Để không kìm hãm sự phát triển của vùng, hàng chục con đường huyết mạch ở ĐBSCL vẫn phải tiếp tục được cải tạo, nâng cấp, nhưng không theo hình thức BOT, mà với cách làm an lòng dân nhất: Đầu tư từ ngân sách Nhà nước!

N.P.ĐẤU

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/trang-dbscl/cai-tao-va-thu-phi-chuyen-bay-gio-moi-noi-550593.ldo