Cải tạo tiếp “sân chơi” cho doanh nghiệp

(TBKTSG Online) - Ngày 12-11, tại TPHCM, Văn phòng Chính phủ và Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương đã tổ chức buổi tọa đàm để bàn về những hạn chế và định hướng sửa đổi Luật Doanh nghiệp nhằm tạo sân chơi bình đẳng cho doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác nhau.

Quang Chung

Ông Nguyễn Đình Cung phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Lê Toàn

Tại tọa đàm, ông Phạm Tuấn Khải, Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ cho biết, hai mục tiêu đổi mới quản lý đối với doanh nghiệp nhà nước và tạo ra sân chơi bình đẳng, không phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế sẽ tiếp tục được "đeo bám" khi sửa đổi Luật Doanh nghiệp.

Vì, theo ông Khải, nhìn lại tám năm “đi vào cuộc sống”, Luật Doanh nghiệp 2005 vẫn chưa tạo ra được một sân chơi bình đẳng cho các thành phần kinh tế. Thực tế cho thấy, ngay trong việc thành lập doanh nghiệp vẫn còn có sự phân biệt đối xử. Đó là trình tự thủ tục (thành lập doanh nghiệp) dành cho nhà đầu tư nước ngoài (theo Luật Đầu tư) phức tạp và khó khăn hơn so với nhà đầu tư trong nước (theo Luật Doanh nghiệp).

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM, theo quy định, thời gian cấp giấy chứng nhận đầu tư cho nhà đầu tư nước ngoài là 45 ngày, nhưng trên thực tế thường mất nhiều tháng, thậm chí là vài năm.

Nguyên nhân dẫn đến sự bất cập kể trên, được ông Nguyễn Đình Cung, Quyền viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương chỉ ra, đó là, ở cả Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư đều quy định giấy chứng nhận đầu tư cũng đồng thời là giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; trong khi để cấp giấy chứng nhận đầu tư các cơ quan chức năng phải xem xét đến rất nhiều yếu tố.

Luật sư Phùng Anh Tuấn, Đoàn luật sư TPHCM cho rằng, để xóa bất cập này Luật Doanh nghiệp cần sửa đổi theo hướng tách giấy chứng nhận đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh ra làm hai. Đối với giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (thành lập công ty) thủ tục cấp phép cho nhà đầu tư nước ngoài cũng cần nhanh gọn như nhà đầu tư trong nước để họ thuận tiện trong việc đưa tiền vào chuẩn bị các bước đầu tư tiếp theo. Và, tùy vào việc nhà đầu tư đầu tư vào lĩnh vực gì chúng ta mới xem xét đến việc cấp giấy chứng nhận đầu tư.

Ông Phan Đức Hiếu, Phó trưởng Ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, cho rằng, để tạo sân chơi bình đẳng, không phân biệt đối xử, dự kiến sẽ có ba nội dung được phân tách khi thiết kế các quy định đối với đầu tư nước ngoài trong định hướng sửa đổi Luật Doanh nghiệp. Đó là chuyện nhà đầu tư nước ngoài gia nhập thị trường, thương quyền (quyền kinh doanh) và ưu đãi để thu hút đầu tư.

Về gia nhập thị trường (hoạt động đầu tư nước ngoài gồm góp vốn thành lập doanh nghiệp mới; mua cổ phần, phần vốn góp của doanh nghiệp đã thành lập, bao gồm mua lại toàn bộ doanh nghiệp; mua cổ phần, phần vốn góp của cổ đông, thành viên; bán, chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp) thì áp dụng một thủ tục, không phân biệt trong nước, ngoài nước.

Về thương quyền thì doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nào được làm gì và không được làm gì sẽ được quy định rõ. Đồng thời, các ngành nghề khác nhau, hạn chế tỷ lệ sở hữu của tổ chức, cá nhân nước ngoài là khác nhau (từ 0 – 99%). Tất nhiên, các quy định đó sẽ phải phù hợp với các cam kết quốc tế và các luật khác. Còn ưu đãi để thu hút đầu tư thì tiêu chí quan trọng xem xét là lĩnh vực đầu tư và quy mô đầu tư.

Tại tọa đàm, ông Cung cho rằng hoạt động của doanh nghiệp nhà nước hiện nay “có gì đó trái về nguyên lý”, khó áp đặt được nguyên tắc thị trường. Thực tế, kiểu kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước chưa thật sự “lời ăn lỗ chịu”, theo nghĩa là lỗ, không trả được nợ thì phá sản. Dễ thấy là doanh nghiệp nhà nước chưa lấy tối đa hóa lợi nhuận là ưu tiên hàng đầu; chạy theo và phục vụ lợi ích và nhu cầu chính trị, chưa coi trọng mục tiêu kinh doanh – còn bị can thiệp hành chính quá nhiều vào quản lý và hoạt động kinh doanh.

Và, một câu hỏi đặt ra là liệu có môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế hay không khi mà doanh nghiệp nhà nước còn được bao cấp, trợ cấp chéo (chưa theo giá thị trường). Cho nên, dự kiến trong Luật Doanh nghiệp sửa đổi tới đây, các vấn đề của doanh nghiệp nhà nước sẽ được đưa vào (thành một chương) luật này với các quy định nhằm nâng cao hiệu quả giám sát, đánh giá bên ngoài, công khai hóa thông tin.

Dự kiến Luật Doanh nghiệp sửa đổi sẽ được hoàn thiện và trình Quốc hội xem xét thông qua năm 2014.

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/home/doanhnghiep/phapluat/105583/