Cải tạo môi trường hồ Hoàn Kiếm: Hành động ngay để cứu hệ sinh thái

Tình trạng ô nhiễm của hồ Hoàn Kiếm đã kéo dài từ nhiều năm nay và đang ngày càng trầm trọng. Hơn lúc nào hết Hà Nội cần tìm ra một phương án tổng thể phù hợp, nhanh chóng bắt tay vào hành động để cứu môi trường hồ trước nguy cơ hủy diệt cả hệ sinh thái.

Báo động đỏ

Hồ Hoàn Kiếm được biết đến như trái tim, biểu tượng lịch sử, văn hóa của Thủ đô Hà Nội. Ngoài những giá trị về tâm linh, văn hóa, hồ còn giữ chức năng điều hòa vi khí hậu cho khu vực, trữ nước mưa. Hồ có diện tích 12ha, đã được kè đá xung quanh và bịt tất cả các miệng cống thoát để tách hoàn toàn khỏi nước thải sinh hoạt, sản xuất từ khu vực xung quanh. Mực nước hồ đo tại thời điểm 28/12/2016 đạt 7,12m, cao độ mặt nước cao nhất đạt 7,8m và mực nước đang giảm xuống, lượng nước bốc hơi khoảng từ 7 - 8mm/tháng. Hồ Hoàn Kiếm vốn có một hệ vi tảo phong phú, trong đó các loại tảo lục, tảo lam có giá trị đặc biệt để tạo nên màu xanh đặc trưng cho mặt nước. Nhưng thời gian qua, bên cạnh tình trạng suy giảm khối lượng, nước hồ còn đang có dấu hiệu chuyển dần sang màu đỏ do mật độ tảo lớn, xuất hiện nhiều tảo độc. Lòng hồ thì bồi lắng nhiều phù sa; phạm vi 7m từ chân kè ra có tới 5m đất nền cứng với nhiều gạch đá.

Hồ Hoàn Kiếm cần được thường xuyên cải tạo để đảm bảo hệ sinh thái phát triển tốt. Ảnh: Công Hùng

Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội Vũ Tiến Hùng chia sẻ: “Theo nghiên cứu của nhiều nhóm chuyên gia và đơn vị nghiên cứu, hồ Hoàn Kiếm đang gần như mất hẳn khả năng tự làm sạch, nước ô nhiễm, lớp bùn lắng đọng ở đáy hồ chứa nhiều kim loại nặng và khí độc khiến động thực vật suy giảm”. Bên cạnh đó, lượng chất dinh dưỡng được đưa vào hồ quá lớn gây nên tình trạng “siêu phú dưỡng”, kết váng, biến đổi thành chất độc hại; nhiều loại tảo độc sinh trưởng, rất dễ xảy ra hiện tượng “tảo nở hoa”, đe dọa sinh tồn của các loài động thực vật. Hiện độ PH trong nước hồ đo được thường xuyên dao động từ 9,4 - 10,5mg/l, trong khi nồng độ cho phép tối thiểu chỉ là 5,5mg/l; các chỉ số hữu cơ BOD, COD cao gấp 2 lần ngưỡng an toàn. Một nguyên nhân khác khiến hồ Hoàn Kiếm ô nhiễm “trầm kha” là việc thiếu nguồn nước bổ cập. Năm 2011, một cửa phai được xây dựng tại góc hồ giáp với đường Hàng Khay và Đinh Tiên Hoàng phục vụ các kỳ xả đáy, điều hòa và làm sạch môi trường nước; tuy nhiên, cửa phai này hầu như không thể hoạt động trong suốt những năm qua do thiếu nguồn nước bổ cập. Hiện nguồn chủ yếu của hồ là nước mưa mà lượng mưa lại phân bố không đều, chỉ tập trung vào 3 tháng 7, 8, 9 trong năm. Thời gian còn lại hồ gần như không có nguồn bổ sung dẫn đến môi trường nước tù đọng, lượng ô xy suy giảm mạnh ảnh hưởng đến sự sống của động thực vật trong hồ.
Phương án tổng thể
Từ nhiều năm nay, chính quyền và các cơ quan chức năng của Hà Nội đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm cải tạo môi trường hồ Hoàn Kiếm như: tách nước thải; thử nghiệm nạo vét bùn bằng phương tiện cơ giới; tổ chức nhiều Hội thảo lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học... Nhưng phải đến thời điểm này mới có một phương án tổng thể để giải quyết 2 phần việc cấp bách là: làm sạch lòng hồ và xử lý ô nhiễm nước. Phương án do Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội xây dựng và được đưa ra tham vấn ý kiến vào ngày 15/2 vừa qua gồm 3 giải pháp chính: nạo vét bùn, thanh thải phế liệu dưới đáy hồ; bổ sung nguồn nước, xả đáy định kỳ để đảm bảo môi trường nước trong sạch, nâng cao khả năng tự “chữa trị” của hồ; sử dụng chất Redoxy - 3C xử lý ô nhiễm nước. Các chuyên gia đánh giá, nếu được thực hiện bài bản, thận trọng và có sự giám sát chặt chẽ, đây sẽ là phương án tối ưu, toàn diện nhất cho việc cải tạo môi trường hồ.
Dự kiến hồ Hoàn Kiếm sẽ có 57.000m3 bùn, phế liệu phải nạo vét, thanh thải trong phạm vi cách mép chân kè bờ và kè Tháp Rùa, Đền Ngọc Sơn là 7m. Đơn vị thi công sẽ chia thành 10 khu vực nạo vét nhỏ, luân phiên sử dụng lưới quây, dồn hệ thủy sinh vào từng vị trí riêng biệt, cách xa khu vực thi công để đảm bảo an toàn. Sử dụng máy xúc đứng đưa bùn lên phễu chứa của các xe bơm bùn, đưa vào bờ và vận chuyển đi; riêng rác và phế thải sẽ được thu gom thủ công, chở bằng thuyền vào điểm tập kết. Đây là phần việc có khối lượng lớn và nặng nề nhất, dự kiến sẽ được hoàn tất trong 69 ngày (không kể thời gian chuẩn bị phương tiện, vật tư, nhân lực). Quá trình dùng máy móc nạo vét bùn đáy đòi hỏi đơn vị thi công phải hết sức thận trọng không để xăng dầu rơi rớt; tiếng ồn, độ rung quá lớn gây ô nhiễm, hạn chế ảnh hưởng đến hệ thủy sinh dưới lòng hồ.
Một giếng khoan với độ sâu 70m, công suất 150m3 nước/giờ cũng dự kiến được xây dựng để bổ sung nguồn cho hồ vào những tháng mùa khô. Một khi có nguồn bổ sung ổn định, cửa phai có thể hoạt động đều đặn, phục vụ xả đáy, thau nước, giữ vệ sinh môi trường hồ. Cùng với đó, chế phẩm Redoxy - 3C đã qua kiểm nghiệm thực tế, phù hợp với hồ Hà Nội sẽ được sử dụng để làm sạch và duy trì vệ sinh nước hồ.
Thận trọng
Mặc dù đánh giá cao phương án do Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đưa ra nhưng nhiều chuyên gia vẫn yêu cầu phải thận trọng, thực hiện từng bước một cách chắc chắn, có kiểm tra, đánh giá chặt chẽ để đảm bảo việc cải tạo không làm thay đổi hệ thủy sinh của hồ Hoàn Kiếm. PGS. TS Hà Đình Đức cho rằng: “Việc nạo vét bùn làm bằng máy móc cỡ lớn rất có thể sẽ gây ô nhiễm ngoài mong muốn, ảnh hưởng đến động thực vật trong hồ. Đặc biệt các loại tảo lục, tảo lam vốn làm nên màu xanh đặc trưng của hồ Hoàn Kiếm rất cần được bảo tồn. Nên hạn chế máy móc càng ít càng tốt để tránh những rủi ro cho động thực vật trong hồ”. PGS Trần Đức Hạ phân tích: “Hà Nội cần tập trung nghiên cứu kỹ việc cải tạo môi trường nước trước. Hồ Hoàn Kiếm có ý nghĩa rất quan trọng với Thủ đô và cả nước, khi cải tạo phải bảo vệ được các thành phần thủy sinh, hệ vi tảo để giữ màu xanh đặc trưng như hiện nay. Theo tôi nên lấy nguồn nước gần bờ hồ là tối ưu vì nó có sự tương đồng cao nhất với chất lượng nước hồ”.
Lo lắng về nguồn nước bổ cập cho hồ, PGS. TS Trịnh Thị Thanh cho rằng: “Việc bổ sung nước vào hồ Hoàn Kiếm mới chỉ đưa ra được một phương án là nước ngầm, theo tôi cần phải thực nghiệm kỹ xem nước ngầm có phù hợp hay sẽ ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của tảo trong hồ. Ngoài ra, sau cải tạo cũng cần phải duy trì sự cân bằng hệ sinh thái, trong đó có những loại gì, tỷ lệ là bao nhiêu cho phù hợp để nhanh chóng khôi phục sinh thái trong hồ, đảm bảo sinh trưởng bền vững”. Ông Vũ Tiến Hùng cho biết sẽ tiếp thu nghiêm túc các ý kiến của giới chuyên gia và tính toán, hoàn thiện phương án tổng thể hợp lý nhất. “Việc cải tạo môi trường hồ Hoàn Kiếm đã trở nên rất cấp bách, chúng tôi mong UBND TP sớm xem xét phương án để có thể nhanh chóng triển khai thi công” - ông Hùng đề xuất.

"Hồ Hoàn Kiếm đang phải hứng chịu một lượng rác thải rất lớn từ du khách và người dân quanh khu vực. Do đó, việc cải tạo môi trường hồ phải đi kèm với công tác thu gom rác thải, tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân và khách du lịch mới đạt hiệu quả cao và bền vững." - Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long

"Việc trao đổi nước của hồ Hoàn Kiếm hiện đang bị hạn chế; để bảo tồn hệ sinh thái hồ bền vững, sau cải tạo cần phải có biện pháp duy trì chế độ “động”, tức là định kỳ trao đổi nước để hạn chế ô nhiễm, nâng cao khả năng tự làm sạch của hồ. " - GS.TS Trần Hiếu Nhuệ - Khoa môi trường, Đại học Xây dựng Hà Nội

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/cai-tao-moi-truong-ho-hoan-kiem-hanh-dong-ngay-de-cuu-he-sinh-thai-280720.html