Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thăm Trung Quốc: Ưu tiên vấn đề Triều Tiên

Ông Jim Mattis đến Bắc Kinh hôm qua, 26.6, là Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đầu tiên thăm Trung Quốc trong vòng 4 năm qua. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Donald Trump có những động thái muốn làm suy yếu ảnh hưởng kinh tế và quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc.

Ông Jim Mattis đến Bắc Kinh hôm 26.6, trở thành Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đầu tiên thăm Trung Quốc kể từ 2014. Ảnh: Bloomberg

Ưu tiên các vấn đề chiến lược

Theo Bloomberg, ông Jim Mattis dự kiến hối thúc lãnh đạo Trung Quốc tiếp tục hợp tác trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên, bất chấp căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang diễn ra trên mọi phương diện từ vấn đề thương mại tới an ninh.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ lên kế hoạch cho cuộc đối thoại cởi mở, ít căng thẳng hơn với các nhà lãnh đạo Trung Quốc khi đến Châu Á chưa đầy một tháng sau khi chỉ trích gay gắt Bắc Kinh về vấn đề quân sự hóa các đảo trên Biển Đông. Trả lời báo giới hôm 24.6, ông Jim Mattis cho biết muốn tập trung nhiều hơn vào các vấn đề an ninh chiến lược lớn hơn, theo AP.

Quan chức Mỹ tiết lộ với AP, chủ đề chính trong các cuộc thảo luận sẽ là vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và vai trò mà Trung Quốc có thể tham gia. Động thái mang tính ngoại giao của ông Jim Mattis, sau chuyến thăm cách đây không lâu của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngay sau thượng đỉnh Donald Trump - Kim Jong-un, phản ánh sự thừa nhận của chính quyền Mỹ về vai trò quan trọng của Trung Quốc với Triều Tiên khi sắp diễn ra các cuộc đàm phán để Bình Nhưỡng bỏ chương trình hạt nhân.

Trong khi Trung Quốc cam kết đóng một vai trò mang tính xây dựng trong đàm phán, nước này cũng kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc xem xét lại các biện pháp trừng phạt đối với Bình Nhưỡng để tạo thuận lợi cho các cuộc đàm phán, Bloomberg cho hay. Và trong khi Mỹ muốn Trung Quốc sử dụng ảnh hưởng để củng cố các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa với Triều Tiên, Washington vẫn muốn Bắc Kinh cam kết thực thi các biện pháp trừng phạt Bình Nhưỡng, như một phần của chiến dịch gây sức ép.

Trung Quốc cũng có khả năng hài lòng với việc Mỹ đã dừng các cuộc tập trận quân sự lớn với Hàn Quốc - động thái tuân thủ những gì mà Tổng thống Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã nhất trí 2 tuần trước.

Bằng cách cải thiện mối quan hệ với Bắc Kinh, Washington tin rằng có thể chuẩn bị tốt hơn cho bất kỳ kịch bản nào liên quan tới Triều Tiên và có thể phối hợp hiệu quả hơn với Trung Quốc.

Thăm dò định hướng đôi bên

Đây là chuyến đi đầu tiên của ông Jim Mattis đến Trung Quốc, cả với tư cách cá nhân và trên cương vị Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ. Người đứng đầu Lầu Năm Góc gần đây nhất đến thăm Trung Quốc là Chuck Hagel tháng 4.2014.

Trước chuyến thăm của ông Jim Mattis, truyền thông nhà nước Trung Quốc cho rằng, đối thoại là cần thiết để đảm bảo các tranh chấp không trở thành điểm nóng. “Mặc dù các nước lớn như Trung Quốc và Mỹ có những lĩnh vực cạnh tranh là điều bình thường, nhưng cả hai nên có sự khôn ngoan và ý chí chính trị để kiểm soát sự ganh đua, nhờ thế kịch bản xấu nhất của việc bùng nổ đối đầu giữa hai bên có thể tránh được” - tờ China Daily viết hôm 25.6.

Oh Ei-sun - cố vấn cấp cao về các vấn đề quốc tế tại Viện Chiến lược và Lãnh đạo Châu Á tại Kuala Lumpur - nói rằng, Trung Quốc đang muốn xác định định hướng của ông Jim Mattis về các mục tiêu chính sách quốc phòng và đối ngoại trong chính quyền ông Donald Trump.

“Quan điểm chiến lược của Mỹ đối với Trung Quốc, và thực sự là với phần còn lại của thế giới, đang trải qua một sự thay đổi mô hình lớn vào thời điểm hiện tại - từ một cảnh sát toàn cầu tới lập trường tập trung vào thương mại” - chuyên gia Oh Ei-sun nói.

Theo Bloomberg, trong chuyến thăm Trung Quốc, ông Jim Mattis có khả năng công bố những quan ngại của Mỹ về những động thái mới nhất của Trung Quốc nhằm khẳng định quyền kiểm soát ở Biển Đông. Lầu Năm Góc cũng phản đối vụ các phi công Mỹ bị thương do tấn công bằng tia laser, cáo buộc mà bộ ngoại giao của Trung Quốc đã bác bỏ.

Graham Webster - thành viên cấp cao của Trung tâm Trung Quốc Paul Tsai - Trường Luật Yale, cho biết, câu hỏi mấu chốt là liệu các động thái đánh thuế của ông Donald Trump có dẫn tới việc Bắc Kinh liên kết các vấn đề này với kinh tế và hợp tác an ninh. “Nếu họ làm thế, tôi nghĩ đó là một dấu hiệu cho thấy mối quan hệ Mỹ-Trung sẽ trở nên phức tạp hơn nhiều” - ông Graham Webster nói.

THANH HÀ

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/the-gioi/bo-truong-quoc-phong-my-tham-trung-quoc-uu-tien-van-de-trieu-tien-615264.ldo