Cái nhìn đa chiều về Thơ mới

'Thơ mới-Những chuyện chưa bao giờ cũ (Người đương thời Thơ mới bàn về các tác gia Thơ mới)' (NXB Văn học) là tên công trình sưu khảo mới của PGS, TS Nguyễn Hữu Sơn (Phó viện trưởng Viện Văn học) vừa ra mắt mới đây.

Cuốn sách gần 600 trang tập hợp những bài viết, những ý kiến phê bình của “người đương thời Thơ mới” về Thơ mới xoay quanh 12 tác gia: Đông Hồ, Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Nam Trân, Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Vũ Hoàng Chương, Bích Khê, Nguyễn Bính, Huy Thông. Như tác giả đã bộc bạch trong lời nói đầu, 12 tác gia chưa phải là diện mạo đầy đủ của Thơ mới. Tuy nhiên, đó là những đại diện sáng giá, những gương mặt tiêu biểu, giúp chúng ta có được những hình dung căn bản về thời đại thơ ca rực rỡ này.

Đóng góp quan trọng của công trình này, trước hết, đã cung cấp một cách chi tiết những ý kiến trao đổi, tranh luận, phê bình của người đương thời Thơ mới về các tác gia Thơ mới. Đối với những người nghiên cứu, phê bình Thơ mới, đây là những tư liệu quý hiếm, kết quả của quá trình lao động lâu dài, cần mẫn, nghiêm túc của PGS, TS Nguyễn Hữu Sơn. Người đọc sẽ được trở lại với không khí sinh hoạt thơ ca đầu thế kỷ XX, thời điểm Thơ mới khai sinh và phát triển ở Việt Nam. Chính việc phục hoạt không khí thơ ca tiền chiến đã đem đến nhận thức một cách đầy đủ hơn, gần hơn, và vì thế sáng rõ hơn câu chuyện từ hơn 80 năm trước. Mười hai tác gia Thơ mới được giới thiệu ở đây, trong con mắt những người đương thời như Nhất Linh, Thạch Lam (Việt Sinh), Hoài Thanh - Hoài Chân, Phan Văn Hùm, Kiều Thanh Quế, Lê Tràng Kiều, Vũ Ngọc Phan, Hoa Bằng, Đinh Gia Trinh, Vũ Bội Liêu, Trương Tửu, Trần Thanh Mại, Trần Thanh Địch, Lam Giang, Lương Đức Thiệp,… là những soi chiếu ở điểm nhìn đồng đại. Việc nghiên cứu, phê bình Thơ mới hiện nay, dường như ảnh hưởng quá nhiều từ Hoài Thanh - Hoài Chân và Thi nhân Việt Nam khiến cho nhận thức của cộng đồng về các tác gia Thơ mới, thời Thơ mới chưa hẳn đã như nó thực sự diễn ra. Do vậy, cuốn sách của Nguyễn Hữu Sơn là những manh mối, cho phép chúng ta có một hình dung khác về Thơ mới với những hé sáng của tư liệu, có thể tìm cho mình một câu chuyện riêng, khác về thời đại thơ ca này.

Một câu hỏi đặt ra là: Nếu chỉ sưu tầm tư liệu, thì vai trò cá nhân của Nguyễn Hữu Sơn trong cuốn sách này là gì? Rõ ràng, bản thân việc sưu tầm được các tư liệu quý hiếm này đã là một đóng góp không nhỏ của tác giả. Tuy nhiên, trong tư cách một nhà khoa học, Nguyễn Hữu Sơn không thể chỉ để tư liệu nằm im trên trang giấy. Đọc sách, chúng ta sẽ thấy tác giả tiến hành phân tích, đánh giá, nhận định về ý kiến của các nhà phê bình đương thời Thơ mới. Tác giả chỉ ra những điểm khách quan, công tâm, những cực đoan, thiên tả trong các ý kiến luận bàn. Đồng thời, bằng nhãn quan của một người nghiên cứu, phê bình, ông cũng bày tỏ quan điểm cá nhân về ý kiến của các nhà phê bình tiền chiến. Như thế, Nguyễn Hữu Sơn đã làm thêm một việc nữa: Phê bình sự phê bình, nghiên cứu sự nghiên cứu. Bởi vậy, cuốn sách không chỉ là sưu tầm, biên soạn, mà đúng như tên gọi của nó - một khảo luận.

Đọc kỹ cuốn sách Thơ mới-Những chuyện chưa bao giờ cũ, một điều có thể nhận thấy chính là những đóng góp có hệ thống của Nguyễn Hữu Sơn cho lịch sử văn học, lịch sử phê bình. Cuốn sách này, cùng với một số công trình trước đó (Trương Tửu - Tuyển tập nghiên cứu văn hóa; Tạp chí Tri tân (1941 - 1945) - phê bình văn học; Cuộc tiến hóa văn học Việt Nam…) mà ông cùng các đồng sự sưu tầm, giới thiệu đã tạo thành một vệt quan trọng, giúp hình dung của chúng ta về lịch sử văn học cận hiện đại, lịch sử phê bình được hệ thống hơn. Mặt khác, những phê bình của người đương thời Thơ mới trên các báo: Phong hóa-Ngày nay, Phụ nữ tân văn, Công luận, Tràng An, Dân báo, Tân thiếu niên, Mai, Hà Nội báo, Sông Hương, Tiểu thuyết thứ Năm, Tri tân, Thanh nghị,… qua phục dựng của Nguyễn Hữu Sơn, đã nói lên không khí sôi nổi của đời sống văn học tiền chiến.

Người đọc có thể ngạc nhiên hay băn khoăn về tên của cuốn sách: Thơ mới-Những chuyện chưa bao giờ cũ. Một câu hỏi khác, vì thế, lại được nêu ra: Chuyện chưa bao giờ cũ là chuyện gì?

Có một văn bản khác chìm dưới những lớp tư liệu hay những phân tích, bình luận của tác giả. Sự phong phú, đa dạng của các ý kiến luận bàn, sự nở rộ của các tài năng thi ca, sự thẳng thắn trong phê bình,… đã đồng thanh nói lên không khí sinh hoạt văn chương thời Thơ mới. Cuốn sách của Nguyễn Hữu Sơn đã tạo nên những “ưu tư” cho hiện tại cùng những hứa hẹn chuyển động ở phía tương lai. Chẳng hạn, từ đây, những nghiên cứu mới về Thơ mới được triển khai. Bên cạnh đó, việc tái nhận thức các thành tựu nghiên cứu đã có về Thơ mới cũng được đặt ra. Một vấn đề, theo tôi là rất quan trọng, từ không khí phê bình, sinh hoạt thơ ca thời Thơ mới, liên hệ đến câu chuyện của đương đại, chúng ta nhận thức được rằng, để có những thành tựu rực rỡ, “Một thời đại trong thi ca” (Hoài Thanh) như thế, cần xây dựng một môi trường tự do, dân chủ trong sáng tác, phê bình, tranh luận. Những ý kiến bàn luận của người đương thời Thơ mới về Thơ mới đã nhắc nhở các nhà thơ, các nhà phê bình, quản lý văn hóa hôm nay về thái độ, tinh thần hướng đến không gian văn hóa, văn nghệ sinh động, phong phú, đa dạng. Còn nữa, việc trình hiện tư liệu gốc về Thơ mới, từ góc nhìn của lịch sử văn học, đã xác lập lại tư duy lịch sử của người nghiên cứu, phê bình trước các hiện tượng văn học quá khứ (rộng hơn là văn hóa, lịch sử). Điều đó cần phải được xem là một thông điệp quan trọng ẩn sau tư liệu. Cuốn sách của Nguyễn Hữu Sơn, bởi thế, mang cái tên với những ý tưởng vượt lên trên giới hạn của một sưu khảo: Thơ mới-Những chuyện chưa bao giờ cũ (Người đương thời Thơ mới bàn về các tác gia Thơ mới).

Hơn hai thập kỷ sưu tầm, khảo sát, hệ thống hóa tư liệu, đó là quãng thời gian Nguyễn Hữu Sơn đã làm việc cho đến khi cuốn sách này ra đời. Vẫn còn những thiếu sót, thậm chí là bất lực (do tư liệu cũ nát, không thể phục hồi), nhưng, như đã nói, công trình này đã phục dựng không khí sinh hoạt của Thơ mới giữa lòng thời đại. Hơn thế nữa, cuốn sách mở về hiện tại và tương lai trong một nỗ lực hoàn thiện hơn, đầy đủ hơn tri thức, tư liệu của chúng ta về Thơ mới. Với những người nghiên cứu, phê bình, và cả những nhà thơ đương đại, cuốn khảo luận này là một tư liệu quý, chứa đựng những kinh nghiệm hữu ích cần tham khảo.

Tiến sĩ NGUYỄN THANH TÂM

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/cai-nhin-da-chieu-ve-tho-moi-515329