Cai nghiện ma túy tổng hợp: "Kéo" người nghiện trở về cộng đồng

Tưởng rằng "chơi" ma túy tổng hợp thì chẳng thể nào nghiện được nên nhiều "dân chơi" mặc sức "bay", "lắc". Thế nhưng sự... tưởng bở tai hại này đã biến nhiều chàng trai, cô gái suy kiệt sức khỏe, bị hoang tưởng, ảo giác, lúc ở trên mây, lúc lại rơi tõm xuống địa ngục... buộc phải nhờ cậy đến các bác sỹ tâm thần giúp đưa trở về với "mặt đất".

"Hít đá" = nhập viện tâm thần Mắt lờ đờ, tay liên tục bấu vào da mặt là những trạng thái bề ngoài của bệnh nhân Lê Văn H., 20 tuổi, quê ở Quảng Ninh, hiện đang điều trị tại Khoa Điều trị nghiện chất, Viện Sức khỏe Tâm thần quốc gia. Bản thân H. và cả gia đình không thể nào ngờ, "bệnh nghiện" của H. lại được điều trị tại một bệnh viện chuyên khoa tâm thần. Chị Lan, mẹ H. cho biết, H. làm nhân viên tại một khách sạn ở TP Hạ Long. Vợ chồng chị dự tính sẽ cho con đi học lái xe để sau này kiếm cơm bằng cái nghề ngồi sau vô lăng. Dự định chưa thành thì gia đình phát hiện, suốt 3 tháng trời H. liên tục vắng nhà là do đi "đập đá" (sử dụng ma túy đá). Nghe đến đây, PGS.TS Trần Hữu Bình, nguyên Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần quốc gia hỏi: "Thế con vắng nhà liên tục, chị không thắc mắc gì sao?". "Mỗi lần em hỏi, cháu nó đều bảo "con ở nhà bạn" nên yên tâm", chị Lan nói. Sự yên tâm của người mẹ luôn bận rộn với việc kinh doanh này chỉ bằng câu "con ở nhà bạn" thật đáng trách. Khi phát hiện ra con sa đà vào con đường tối, chị Lan đã nói với H. rằng, ở xung quanh con có rất nhiều bài học đau xót do nghiện ngập, sao con không thấy đó là sai lầm mà tránh đi. Mẹ chỉ cần nói ngần ấy câu thôi, H. hiểu ra ngay bởi cậu biết ở TP Hạ Long, có những nghĩa trang chỉ chôn toàn người chết trẻ. Họ ra đi tất thảy đều do nghiện ngập. H. tình nguyện ở nhà, không tham gia các cuộc "hít đá" thâu đêm suốt sáng với đám bạn nữa. Một tuần đầu trôi qua, mọi việc tưởng như đã tốt đẹp bởi "không hít nhưng cũng chẳng nhớ nhung gì", H. nói. Thế nhưng đến ngày thứ 10, H. phải đi cấp cứu vì triệu chứng khó thở, đau tim. Các bác sỹ khám, làm điện tim, kê đơn thuốc. Được dăm hôm, những triệu chứng này tái phát và H. lại phải cấp cứu. Tính ra, H. phải đi cấp cứu khi còn ở Quảng Ninh tới 4 lần. Lần cuối cùng, nhập viện buổi sáng, chiều H. bỏ về nhà. "Con ốm, tôi đi chợ mua quả tim về hầm bồi dưỡng. Vừa về đến cổng đã thấy con dắt xe máy bảo lên Hà Nội", chị Lan kể về lần đi cấp cứu thứ 4 của con như vậy. Cứ tưởng rằng, sức trai thì dễ dàng vượt qua được bệnh tật. Nhưng H. không ngờ, hậu quả của "đá" đã làm cho cậu mất hết sức lực và cả thể diện trước bạn gái. Đang chở bạn gái trên xe máy, bỗng dưng cơn đau tim nổi lên, H. ngã gục. Mọi người đưa H. vào cấp cứu ở Bệnh viện Bạch Mai. Những người bạn thân của H. ở Hà Nội lập tức có mặt và đã thành thật cho các bác sỹ biết, H. từng sử dụng ma túy đá. Nhờ đó, các bác sỹ nhanh chóng xác định ra nguyên nhân và chuyển đến nơi điều trị đúng chuyên môn. "Nghỉ chơi "đá" được ít hôm, em thấy mình bị đau buồng tim, có cảm giác co thắt, tiêu chảy. Đáng sợ là em luôn cảm thấy như chân mình không chạm đất, lúc nào cũng chòng chành, chao đảo. Lúc nào cũng nghe như có ai đó đang ra lệnh cho mình và luôn hồi hộp lo lắng", H. nói. PGS.TS Trần Hữu Bình cho biết, đây là những biểu hiện của chứng loạn thần, suy kiệt cơ thể. Phương pháp điều trị cho bệnh lý này là căn cứ vào biểu hiện hội chứng tâm thần nào nổi bật thì điều trị bằng thuốc hướng thần phù hợp. Học viên cai nghiện tại Trung tâm Giáo dục-Lao động Sóc Sơn, Hà Nội tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao. Sau khoảng từ 7 - 10 ngày sẽ chấm dứt được triệu chứng loạn thần, bệnh nhân sẽ trở lại trạng thái tâm thần bình thường. Ngoài ra, bệnh nhân sẽ được điều trị bằng liệu pháp tâm lý. Đây cũng là yếu tố quan trọng, giúp người bệnh cân bằng tâm lý, hòa nhập cộng đồng. Dừng lại trước khi quá muộn "Em dừng "chơi đá" thì mới bị thế này, còn bạn em chúng nó vẫn tiếp tục "hít đá" nên vẫn rất tự tin là không bị nghiện", H. còn mù mờ cho biết. H. cũng thấy rằng, quyết định dừng cuộc chơi sau ba tháng phê tít mù với "đá" của mình là đúng đắn bởi nếu cứ tiếp tục thì thân tàn, ma dại mất. Nhiều ngày không ăn, không ngủ, quan hệ tình dục bừa bãi lấy đi nhiều sức lực của người sử dụng mà bản thân họ không kiểm soát được. Chứng loạn thần - một hệ quả xấu do sử dụng ma túy tổng hợp không chỉ gây tác hại đến sức khỏe tâm thần mà còn gây ra hệ lụy xấu cho xã hội bởi khi bị hoang tưởng, ảo giác rất dễ dẫn đến phạm tội. Ma túy đá là một trong những loại ma túy tổng hợp. Nhiều người cho rằng, sử dụng loại ma túy này không gây nghiện như thuốc phiện, heroin nhưng thực tế không như vậy. Cai nghiện ma túy tổng hợp đang là mối quan tâm của các nhà chuyên môn, đặc biệt với các bác sỹ chuyên khoa tâm thần. Bộ Y tế đã giao cho Viện Sức khỏe tâm thần quốc gia nghiên cứu đặc điểm, biểu hiện khi nghiện ma túy tổng hợp. Hiện nay, Viện Sức khỏe tâm thần quốc gia đang triển khai đề tài "Nghiên cứu lâm sàng và phương pháp điều trị các rối loạn tâm thần do sử dụng amphetamine". Kết quả điều trị ban đầu cho thấy những dấu hiệu khả quan là niềm hy vọng cho người nghiện ma túy tổng hợp khi muốn "chia tay" với những cuộc "bay", "lắc", "hít". PGS.TS Trần Hữu Bình cho biết, tác hại khi sử dụng ma túy tổng hợp rất lớn. Ở góc độ sức khỏe tâm thần, nó sẽ gây ra cảm giác lo âu, trầm cảm, rối loạn hành vi, loạn thần. Nguy hiểm nhất là người nghiện không kiểm soát được cảm xúc, hành vi của mình. Về thể chất, người sử dụng ma túy tổng hợp dễ bị các rối loạn giấc ngủ, chán ăn, tăng nhịp tim, tăng huyết áp, suy kiệt, tổn thương cơ, tổn thương thận, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim... Nghiện ma túy tổng hợp cũng khiến người nghiện gây ra những tác hại xấu cho xã hội như bạo lực, tội phạm, tình dục không an toàn, lây nhiễm HIV... Thế nên, việc nghiên cứu, tìm ra phương pháp điều trị cho người nghiện ma túy tổng hợp rất cần thiết. Nếu người nghiện biết dừng lại và được điều trị đúng cách sẽ giúp họ trở lại cuộc sống bình thường và có những đóng góp hữu ích cho xã hội. Khi đã "đứng lại được trên mặt đất", người từng sử dụng ma túy phải biết tránh xa mọi sự rủ rê, lôi kéo. Không có thần dược nào chữa nổi nếu ai đó cứ tiếp tục lao vào những cuộc "đập đá" triền miên, say sưa với những cuộc thác loạn bầy đàn. Liệu pháp tâm lý cũng rất quan trọng trong điều trị người nghiện ma túy tổng hợp bởi nó giúp người nghiện được tư vấn kiến thức, giãi bày những tâm sự thầm kín và giúp họ không bị gục ngã trước sự cám dỗ chết người của những cơn hưng phấn cực độ khi sử dụng ma túy tổng hợp khi bị lôi kéo sử dụng lại

Nguồn CAND: http://ca.cand.com.vn/vi-vn/thoisuxahoi/phongsughichep/2011/7/181004.cand