​Cái kết có hậu của xã hội hóa sân khấu

Xã hội hóa không còn là cụm từ xa lạ trong lĩnh vực điện ảnh và đã có nhiều thành công đáng ghi nhận. Còn ở lĩnh vực sân khấu, nếu như phía Nam, việc xã hội hóa sân khấu đã được các đơn vị triển khai khá lâu thì đến nay, phía Bắc với vở “Hamlet” của Nhà hát Kịch Việt Nam, đã đánh dấu mốc quan trọng trong trào lưu xã hội hóa sân khấu.

“Hamlet” thuần Việt xuất ngoại

Mới đây, Nhà hát Kịch Việt Nam đã cho ra mắt khán giả vở kịch “Hamlet” - một tác phẩm nghệ thuật đặc sắc dành cho đông đảo khán giả yêu thích kịch Shakespeare do NSND Anh Tú đạo diễn và được biểu diễn tại đảo quốc sư tử Singapore. Theo ông Nguyễn Thế Vinh - Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam, chương trình lưu diễn này nằm trong chiến lược đầu tư nghiêm túc và chuyên nghiệp của Nhà hát Kịch VN, nhằm kéo khán giả trở lại với sân khấu kịch bằng những tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao. Hoạt động cũng nhằm tạo cơ hội giao lưu, hợp tác, tạo dấu ấn với khán giả trong và ngoài nước. Chương trình với sự góp mặt của các nghệ sĩ tên tuổi trong làng kịch nghệ Việt Nam như Anh Tú, Xuân Bắc, Quốc Khánh, Trung Anh, Phú Đôn, Việt Thắng, Chí Trung, Ngọc Huyền, Lê Khanh, Công Lý, Tự Long, … Đây cũng là hoạt động nhằm hưởng ứng “Năm Shakespeare toàn cầu 2016”.

“Hamlet” là một trong những kiệt tác sân khấu nổi tiếng nhất của đại thi hào Shakespeare, đã được dàn dựng ở nhiều quốc gia. Suốt mấy trăm năm qua, vở “Hamlet” vẫn không mất đi giá trị thời đại của nó; là vở bi kịch của hành trình đi tìm sự thật – một sự thật để bảo vệ cho phẩm giá và lẽ sống của con người. Đạo diễn - NSND Anh Tú cho biết, anh đã thể hiện niềm đam mê nghệ thuật và sự tâm huyết với vở diễn này. Vì vậy, anh đã xây dựng vở kịch kinh điển “Hamlet” với một phiên bản mới, trong đó lồng ghép 5 trò diễn nổi tiếng của làng Xuân Phả (tỉnh Thanh Hóa) là: Ngô Quốc, Hoa Lang, Tú Thuần, Ai Lao và Xiêm Thành vào các lớp múa làm tăng thêm tính bi – hài cho vở diễn mà không làm phá vỡ cấu trúc của sân khấu chính kịch. Sân khấu của vở diễn cũng được NSND – họa sĩ Doãn Châu thiết kế theo phong cách hiện đại và linh hoạt, giúp làm tăng khả năng diễn xuất của các diễn viên. Hiệu ứng kỹ thuật ánh sáng cũng góp phần không nhỏ tạo nên sự hấp dẫn của vở diễn.

Điều đáng mừng là khi công diễn, “Hamlet” luôn trong tình trạng “cháy” vé ở cả Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, dù giá vé 1 triệu đồng/vé. Nhận xét về chất lượng nghệ thuật của vở “Hamlet” sau đêm diễn mới đây tại Nhà hát Kịch VN, một khán giả người Mỹ, ông Chuk Searcy - tư vấn viên quốc tế, Trưởng đại diện Văn phòng Quỹ Cựu chiến binh Mỹ tại VN - nói: “Các bạn có một vở “Hamlet” tuyệt vời, rất Shakespeare, nhưng cũng rất Việt Nam. Trình độ diễn xuất của diễn viên rất tinh tế, mang lại cảm xúc rất mạnh, tôi thực sự bị bất ngờ”.

Cần sự chung tay của các “mạnh thường quân”

Việc xuất ngoại vốn không phải cái gì quá xa lạ với Nhà hát Kịch VN. Trước đó, “anh cả đỏ” của làng kịch nghệ VN đã có nhiều vở diễn tham dự các kỳ liên hoan sân khấu tại nước ngoài. Nhưng “Hamlet” lại là một câu chuyện khác, bởi đây là lần đầu tiên, Nhà hát kịch VN mang kịch cổ điển ra nước ngoài, biểu diễn tại những sân khấu lớn và đặc biệt là theo hình thức xã hội hóa. Được một doanh nghiệp tài trợ với kinh phí dựng vở gấp đôi so với các vở kịch khác, hơn 1 tỉ đồng, theo ông Nguyễn Thế Vinh, việc đưa “Hamlet” công diễn ở nước ngoài là một cuộc thử sức lớn về nghề nghiệp. Sự đóng góp của những nhà tài trợ có tâm với nghệ thuật thực sự quý báu.

Ông Chuk Searcy - tư vấn viên quốc tế, Trưởng đại diện Văn phòng Quỹ Cựu chiến binh Mỹ tại VN - nói: “Các bạn có một vở “Hamlet” tuyệt vời, rất Shakespeare, nhưng cũng rất Việt Nam. Trình độ diễn xuất của diễn viên rất tinh tế, mang lại cảm xúc rất mạnh, tôi thực sự bị bất ngờ”.

Sau chuyến lưu diễn tại Singapore, Nhà hát Kịch VN sẽ tiếp tục đem “Hamlet” đi diễn ở một số nước khác. Đạo diễn - NSND Anh Tú cho biết, đưa kịch cổ điển ra ngoài VN để tìm thị trường khán giả không phải là hướng đi mới, mà điểm mừng lớn nhất là sự hợp tác giữa sân khấu và doanh nghiệp. Ngoài Nhà hát kịch VN, Nhà hát Tuổi Trẻ cũng đã từng có nhiều vở lưu diễn ở các nước Á – Âu. Nhưng để có sự tài trợ của một doanh nghiệp cho sân khấu kịch – một lĩnh vực vốn được coi là “chìm”, có lẽ là hiếm. Trước đó, Nhà hát Tuổi Trẻ cũng đã có cuộc “bắt tay” với ngân hàng SHB. Sự hợp tác này đã rất thành công và đem lại hiệu ứng tốt cho cả hai.

Yến Nhi

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/cai-ket-co-hau-cua-xa-hoi-hoa-san-khau-34993.html