Cái kết bi thảm của người mẫu gây 'thương nhớ' trên hãng xà bông 'Cô Ba' đình đám

Người phụ nữ khuôn mặt tựa trăng rằm, phúc hậu, tóc búi cao in trên bao bì hãng xà bông "Cô Ba" đã trở thành biểu tượng cái đẹp đối với người dân Nam Bộ ngày ấy. Vậy mỹ nhân gây thương nhớ đấy là ai?

Thuở ấy, người dân Nam Bộ không ai là không biết đến thương hiệu xà bông "Cô Ba" đình đám của ông Trương Văn Bền – một thương gia nổi tiếng. Ra mắt thị trường nội địa năm 1932, nhưng xà bông "Cô Ba" đã nhanh chóng khẳng định được thương hiệu của mình khi “đánh bại” xà bông thơm Marseille nhập từ Pháp. Không chỉ chiếm vị thế trên sân nhà, thương hiệu xà bông "Cô Ba" còn vươn mình “xuất khẩu” ra các nước láng giềng như Lào, Campuchia, Hồng Kong … Năm 1975, hãng xà bông của ông Trương Văn Bền tồn tại dưới hình thức công ty hợp doanh. Cho đến năm 1995, sau khi liên doanh với tập đoàn P&G thì thương hiệu xà bông "Cô Ba" dần dần không còn xuất hiện trên thị trường tiêu thụ.

Thế nhưng trong tiềm thức của người tiêu dùng, mỗi khi nhắc đến thương hiệu Việt đình đám một thời – xà bông Cô Ba thì hình ảnh người phụ nữ trong bức chân dung được in trên bao bì của hãng này vẫn chẳng thể nào mai một. Theo nhiều tài liệu ghi lại, Cô Ba là người phụ nữ đẹp nhất xứ Nam Kỳ cuối thế kỷ 19 và những năm đầu thế kỷ 20.

Xà bông "Cô Ba" đình đám một thời (ảnh Internet)

Trong cuốn “Sài Gòn năm xưa”, học giả Vương Hồng Sển ghi lại: “Trong giới huê khôi, nghe nhắc lại, trước kia hồi Tây mới đến, có cô Ba con thầy thông chánh là đẹp không ai bì, không răng giả, không ngực keo cao su nhân tạo, tóc dài chấm gót, bới ba vòng một ngọn, mướt ướt và thơm phức dầu dừa mới thắng, đẹp vì không son phấn giả tạo, đẹp đến nỗi nhà nước in hình vào con tem Nhà Dây thép, và một hiệu xà bông xin phép làm mẫu rao hàng xà bông Cô Ba”.

Cô Ba là con gái thầy Thông Chánh – tên đầy đủ là Nguyễn Văn Chánh, quê gốc Trà Vinh. Lại có một giai thoại cho rằng cô Ba chính là vợ của ông Trương Văn Bền. Do rất yêu vợ nên ông Bền đã dùng hình ảnh bà đặt cho nhãn hiệu xà bông. Theo lời ông Philippe Trương, cháu của ông Bền, bà Ba khi còn trẻ vốn là người đẹp nổi tiếng miền Nam.

Cô Ba là người phụ nữ đẹp nhất xứ Nam Kỳ cuối thế kỷ 19 và những năm đầu thế kỷ 20 (ảnh Internet)

Một phân đoạn trong “Sài Gòn năm xưa”, học giả Vương Hồng Sển đã khắc họa một phần bức tranh cuộc sống của các tiểu thư con nhà trâm anh thế phiệt thời đó: "Các cô mỗi chiều ngồi trên xe Delage để mui trần, có tài xế riêng", hoặc ngồi trên xe Mỹ mới cáu cạnh để lượn đi lượn lại quanh các đường phố chính của Sài Gòn từ chợ Bến Thành qua đường Bonard (đường Lê Lợi ngày nay) vòng qua trường Chasseloup - Laubat (trường Lê Quý Đôn ngày nay), xuống khu Chợ Lớn, khoe sắc trên đường nhựa "để lên Thủ Đức ăn nem hoặc đến tắm suối Xuân Trường...

Tối lại dưới bóng đèn, các cô như bướm tề tựu đủ mặt cạnh sòng bài sòng me, hoặc năm ba người gầy mâm hút có đờn ca giúp vui, báo hại các cậu con chủ điền muốn lên mặt với chị em đành phải trốn về bán lúa vay bạc Chà, cố cầm sự nghiệp ông bà để lại". Thế nhưng với xuất thân danh giá, được dạy giỗ đàng hoàng nên Cô Ba lớn lên khác hẳn con nhà người ta, cô sống rất đúng mực, hài hòa

Thương gia Trương Văn Bền (ảnh Internet)

Có giai thoại kể rằng, năm 1865 ở Sài Gòn diễn ra cuộc thi Hoa hậu đầu tiên. Cuộc thi diễn ra với gần 100 thí sinh từ khắp Nam Kỳ Lục Tỉnh, nhưng không ai so bì được với vẻ đẹp và tài năng của Cô Ba.

Sau khi dành được hoa khôi trong cuộc thi sắc đẹp, tiếng tăm của Cô Ba càng vang xa. Thậm chí, nhiều nhiếp ảnh gia người Pháp đã ngỏ ý mời cô mặc áo tắm để chụp hình đăng báo, nhưng cô khéo léo từ chối vì cho rằng nó không phù hợp với thuần phong mỹ tục. Cô chỉ đồng ý chụp bức chân dung xuất hiện trên hãng bánh xà bông của thương gia Trương Văn Bền. Đó cũng chính là lí do có tên gọi xà bông Cô Ba. Cô Ba cũng chính là người mẫu đầu tiên xuất hiện trên một thương hiệu Việt và trên con tem.

Con tem phát hành in hình cô Ba (ảnh Internet)

Thế nhưng, thói đời trời hay ghen phận má hồng, Cô Ba cũng không ngoại lệ. Sau này, gia đình cô gặp phải biến cố xung quanh cái chết của Biện lý Jaboin. Chuyện là mẹ Cô Ba tuổi đã tứ tuần nhưng nhan sắc hãy còn mặn mà lắm nên có tên Jaboin - biện lý người Pháp suốt ngày tới nhà ve vãn. Trong một lần không kìm nén được cơn tức giận, cha cô Ba đã rút súng bắn chết Jaboin. Sau khi thầy thông Chánh bị xử tự, cô Ba toan trả thù cho gia đình nhưng vừa đưa súng lên thì cô đã bị bắt giam và có cái kết như cha mình.

Trong cuốn Hỏi đáp về Sài Gòn – TP HCM xuất bản năm 2006 lại cho rằng, cô Ba mới là người cầm súng bắn chết tên biện lý Jaboin. Cô bị Tòa đại hình Mỹ Tho kết án ngày 19/6/1893 rồi xử tử ngày 18/1/1894 tại Trà Vinh.

Dù có nhiều giai thoại về Cô Ba nhưng không thể phủ nhận được vẻ đẹp và cốt cách của giai nhân một thời từng khuynh đảo giới phong lưu nhưng lại trót mang phận đa đoan…

*Bài viết có tham khảo nhiều nguồn.

Khôi Nguyên

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/doi-song/cai-ket-bi-tham-cua-nguoi-mau-gay-thuong-nho-tren-hang-xa-bong-co-ba-dinh-dam-141672/