Cái giá quá đắt khi xem nhẹ tâm bệnh

Ngày càng nhiều vụ việc làm mất an ninh trật tự, thậm chí gây hậu quả nghiêm trọng có nguyên nhân từ căn bệnh loạn thần. Những nghiên cứu khoa học đã cảnh báo, nếu không chú trọng đúng mức đến sức khỏe tinh thần trong xã hội hiện đại, thì diễn biến của căn bệnh này sẽ còn dẫn đến những vấn nạn xã hội nghiêm trọng.

Khi con người đương đầu với áp lực

Vấn đề sức khỏe tâm thần, sự căng thẳng bởi áp lực cuộc sống đang là mối lo chung của nhiều nước trên thế giới. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ước tính có khoảng 3-5% dân số thế giới (gần 350 triệu người) có biểu hiện rối loạn tâm thần. Trong số đó, rất nhiều người không biết mình bị bệnh, một nửa số này chối bệnh và khoảng 10% không muốn điều trị.

Trong một báo cáo của Chính phủ Nhật Bản mới đây cho thấy, việc phải làm thêm giờ kéo dài đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tinh thần người lao động. Theo đó, tình trạng tinh thần sụt giảm, gây nên các rối loạn tâm thần, trầm cảm dẫn đến tự tử hay còn gọi là chết do công việc (karoshi) đã ở mức báo động mà nước này đang phải đối mặt.

Ở Việt Nam, theo một kết quả điều tra mới đây được Bộ Y tế công bố, tỷ lệ mắc 10 bệnh tâm thần phổ biến là 15% (khoảng 12 triệu người); tỷ lệ có những biểu hiện rối loạn tâm thần khoảng 20 - 30%. Tốc độ tăng số người mắc các “trục trặc” về tâm lý tại Việt Nam khá cao (hơn 10% hằng năm). Một thống kê của Khoa Tâm thần (Bệnh viện Quân y 103) cho thấy thực tế: Mỗi năm, số người tự tử do trầm cảm, loạn thần là khoảng 40 nghìn người. Sự mở rộng của đô thị, của sản xuất công nghiệp, rồi dòng người di cư từ nông thôn ra thành thị… đang tạo nên những thay đổi sâu sắc trong xã hội cũng như trong tâm lý của người dân. Áp lực mưu sinh, những khủng hoảng trong xác định mục đích sống của không ít cư dân đô thị đã tạo nên hiệu ứng xã hội tiêu cực, làm mất cân bằng tâm lý của họ.

Để thực hiện bài viết, chúng tôi đã tiếp xúc với 20 cặp gia đình sinh sống tại Hà Nội, đều đang trong giai đoạn khủng hoảng hôn nhân vì không tìm được tiếng nói chung trước những áp lực của cuộc sống. Chị Hồng Thắm (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), rơi vào trầm cảm sau sinh, đến mức ám ảnh về cái chết. Hai vợ chồng chị đều là người dân ngoại tỉnh, ra Hà Nội thuê trọ học, rồi lấy nhau, mọi việc trong nhà đều tự hai người xoay trở. Anh Duy Mạnh, chồng chị, tâm sự: “Tham khảo ý kiến bác sĩ thì được biết vợ tôi mắc chứng loạn thần. Cuộc sống vô cùng mệt mỏi. Chính cô ấy còn kéo tôi rơi vào trầm cảm. Nhưng thương vợ con, tôi vẫn động viên để vợ tôi bình tâm lại”.

Cũng là trụ cột của một gia đình trẻ, anh Nguyễn Xuân Mừng, giảng viên một trường đại học lại có chung căn bệnh với chị Thắm. Lập gia đình có được mụn con thì anh buộc phải ly dị vì xung đột không hóa giải được. Có lúc anh cũng lâm vào cảnh “không thiết sống nữa”.

Những khủng hoảng dẫn đến căn bệnh trầm cảm của các cặp gia đình trẻ cho thấy một vấn đề xã hội. Đó là người trẻ, nhất là di cư đến thành phố, phải chịu áp lực mưu sinh lớn mà quên đi việc tạo cho mình những kỹ năng sắp xếp cuộc sống hợp lý, cũng như làm phong phú đời sống tinh thần để cân bằng với áp lực. Nhưng không chỉ người trẻ, mà có rất nhiều đối tượng ở các độ tuổi khác cũng đang gặp áp lực cuộc sống khi chưa chú trọng đúng mức đến vấn đề sức khỏe tinh thần.

Bốc thuốc cho “sức khỏe tinh thần”

Trước những diễn biến của tâm bệnh ngày một nghiêm trọng trong đời sống hiện đại, từ nhiều năm qua, không ít quốc gia trên thế giới đã thành lập cơ quan chuyên trách về bảo đảm sức khỏe tại nơi làm việc. Đơn cử như Cơ quan An toàn và Sức khỏe công sở châu Âu (EU-OSHA), được thành lập vào năm 1996, là đơn vị chuyên trách của Liên hiệp châu Âu (EU) về bảo đảm sức khỏe cho người lao động. Hay năm 2007, Viện Sức khỏe và Năng suất lao động (HAPIA) của Ô-xtrây-li-a được thành lập, tập trung nỗ lực nhằm bảo đảm sức khỏe tinh thần, chú trọng phát triển nguồn nhân lực dồi dào. Tại Anh, trước tình trạng số giờ người lao động xin nghỉ ốm lên đến 140 triệu ngày mỗi năm, Chính phủ nước này đã tiến hành nghiên cứu nhằm điều chỉnh hệ thống chính sách nghỉ ốm. Từ năm 2013, Anh đề ra chiến lược nhằm thúc đẩy sự quan tâm đến “tình trạng thứ ba của sức khỏe” cho người lao động.

Đối với Việt Nam, dường như những nỗ lực mang quy mô quốc gia cho việc ứng phó với những hệ lụy từ tâm bệnh vẫn chưa có. PGS, TS Phan Thị Mai Hương, Viện Tâm lý học, thẳng thắn: “Chúng ta vẫn thường quan tâm đến sức khỏe thân thể mà coi nhẹ sức khỏe tinh thần. Ngay ở các cơ quan, đoàn thể, các doanh nghiệp hầu như chỉ dừng ở khám sức khỏe định kỳ, mà bỏ qua khâu kiểm tra sức khỏe tâm lý. Vậy nên, mỗi người khi gặp những “trục trặc tâm lý”, họ chỉ biết chịu đựng rồi thường xử lý theo hướng cực đoan. Điều này sẽ rất nguy hiểm, nhất là trong xã hội hiện đại”.

Còn TS Tô Thanh Phương, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương cho biết: “Điều kiện để nảy sinh căng thẳng, cô đơn và loạn thần ở xã hội thì ngày một nhiều. Nhưng cuộc sống quá gấp gáp, cuốn đi nhanh khiến cho người dân và ngay cả các cơ quan chức năng cũng thiếu quan tâm đến các hoạt động làm cân bằng cuộc sống”.

Giải pháp chữa tận gốc cho “tâm bệnh” sẽ cần đến sự chung sức của toàn xã hội. Chúng ta có thể tham khảo kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới như: tăng cường quan tâm đến sức khỏe tinh thần cho người dân bằng việc đưa các nhân viên y tế, chuyên gia tư vấn tâm lý vào trường học. Hay ở Nhật Bản, để giải tỏa vấn đề cô đơn bởi xu hướng sống độc thân gia tăng, đã xuất hiện dịch vụ kể chuyện vào cuối buổi chiều hằng ngày. Người nghe sẽ được người khác giới kể về những câu chuyện hướng thiện, nhân ái, giúp loại bỏ những ý nghĩ tiêu cực… Bàn về sức khỏe tinh thần, các chuyên gia đều cho rằng, ở Việt Nam đang xuất hiện những mô hình chăm sóc sức khỏe tinh thần với sự tư vấn của các chuyên gia từ nhiều lĩnh vực khác nhau, giúp con người sống tích cực, cân bằng hơn thông qua việc rèn luyện thể chất và rèn luyện tâm. Thân và tâm cần phải đồng nhất mới khiến cuộc sống con người đạt đến sự cân bằng cần thiết. Không ít người nhờ sự hỗ trợ của những trung tâm chăm sóc tinh thần này, đã vượt qua các khó khăn về tâm lý, hạn chế các tâm bệnh, nhờ thế tìm lại được niềm vui trong cuộc sống. Ông Frederic Labarthe, đến từ Trung tâm Life School nhận xét: “Xã hội ngày càng phát triển, áp lực tâm lý ngày càng nhiều, chúng ta càng ít thời gian để chăm sóc tinh thần của mình. Vì thế, chúng ta dễ có các biểu hiện loạn trí. Sắp xếp lại thời gian, các thứ tự ưu tiên của bản thân, nhận thức lại những giá trị đích thực của mình, là cách để chúng ta tự thoát khỏi những rắc rối ấy”.

Cùng quan điểm với chuyên gia nước ngoài này, tiến sĩ Vũ Gia Hiền, Hội Tâm lý-Giáo dục TP Hồ Chí Minh cũng khẳng định, mỗi người cần có ý thức tự điều chỉnh tâm lý để cân bằng cuộc sống. Bởi sự cân bằng giúp mỗi người có cách giải quyết khôn khéo khi rơi vào tình trạng khó khăn.

Những lời khuyên của các chuyên gia hướng vào vai trò tự thân của mỗi người đóng vai trò quyết định đến việc sẽ sống như thế nào trong một xã hội ngày càng có nhiều áp lực hơn. Mỗi cá thể tốt sẽ tạo nên những mái nhà yên bình và đó là hạt nhân không thể thiếu được của xã hội bình ổn, phát triển. Nhưng để đạt được điều này, lại cần đến những chính sách định hướng từ chính quyền và từ cả sự chung sức của cộng đồng. Nhật Bản đã phải trả phí quá đắt cho các vấn đề xã hội hậu công nghiệp hóa. Những nước như Anh, Mỹ… cũng bỏ nguồn lực đầu tư không ít cho mô hình tâm lý cân bằng của con người. Chúng ta cũng cần nhạc trưởng cho vấn đề phát triển con người toàn diện, trước khi quá muộn!

Nghiên cứu 15.736 vụ án hình sự do người chưa thành niên gây ra cho kết quả: 85% các em vi phạm pháp luật là do bản thân thiếu sự tu dưỡng, rèn luyện, ham hưởng thụ, bị bạn bè lôi kéo vào các hành vi vi phạm pháp luật. Đáng lưu ý, có tới 70% số người chưa thành niên phạm tội được hỏi đã cho biết, họ chưa bao giờ tham gia sinh hoạt đoàn thể.

Bà Valentia Forastieri, chuyên gia cao cấp về sức khỏe của Tổ chức Lao động quốc tế, cho rằng việc tập thể dục, tham gia các hoạt động vui chơi là biện pháp khá tốt để giảm stress. Với người lao động, cơ quan chức năng, đơn vị sử dụng lao động nên trao cho họ quyền tự chủ, để họ tự tin làm việc và từ đó giảm bớt căng thẳng tâm lý.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/cuoituan/doi-song-xa-hoi/item/31187102-cai-gia-qua-dat-khi-xem-nhe-tam-benh.html