Cải chính

Báo điện tử Giao thông xin cải chính thông tin 67,3% mẫu nước mắm có hàm lượng thạch tín vượt ngưỡng.

Thông tin 67,3 % mẫu nước mắm có hàm lượng thạch tín vượt ngưỡng được Vinastas công bố công khai ngày 17/10

Thông tin 67,3 % mẫu nước mắm có hàm lượng thạch tín vượt ngưỡng được Vinastas công bố công khai ngày 17/10

Ngày 17/10/2016, Báo điện tử Giao thông đăng tin "67,3 % mẫu nước mắm có hàm lượng thạch tín vượt ngưỡng". Thông tin này là kết quả khảo sát nước mắm trên toàn quốc do Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật phối hợp Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) tổ chức công bố tại Hà Nội cùng ngày.

Với trách nhiệm trước bạn đọc, ngay sau khi bản tin trên được xuất bản 40 phút, nhận thấy dấu hiệu mập mờ, không chuẩn xác trong kết quả khảo sát của Vinastas, phóng viên có mặt tại buổi công bố đã báo cáo tòa soạn. Báo Giao thông đã phỏng vấn chuyên gia, để bổ sung thông tin trong bài và khẳng định "Kết quả thử nghiệm Asen tổng cho thấy có 101/150 mẫu khảo sát (chiếm 67,3%) không đạt quy định của QCVN này (gồm cả thạch tín vô cơ và hữu cơ). Trong đó, không phát hiện hàm lượng thạch tín vô cơ (loại gây hại cho sức khỏe con người). Đồng thời thay đổi tiêu đề bài báo thành "Mẫu nước mắm thạch tín vượt ngưỡng không gây hại".

Sau bài viết này, Báo Giao thông đã đăng liên tiếp hơn 10 bài báo nêu ý kiến của chuyên gia, luật sư, đại biểu Quốc hội, cơ quan quản lý Nhà nước, các Hiệp hội để làm rõ vấn đề. Trong lúc dư luận còn hoang mang, Báo Giao thông là một trong các cơ quan truyền thông đăng sớm nhất khẳng định của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế): "Không có tiêu chuẩn asen hữu cơ cho nước mắm" vào ngày 18/10.

Ngày 22/10, Báo Giao thông tiếp tục đăng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cơ quan chức năng tiếp tục khảo sát làm rõ. Cũng trong ngày 22/10, Báo Giao thông đăng bài viết "Bộ Y tế khẳng định 100% mẫu nước mắm an toàn". Bài báo nêu rõ: 247 mẫu nước mắm được Bộ Y tế lấy ngẫu nhiên thuộc 210 nhãn hiệu nước mắm khác nhau của 82 cơ sở sản xuất (cả theo phương pháp truyền thống và công nghiệp) trên thị trường và trong một số siêu thị. Kết quả kiểm nghiệm cho thấy 100% số mẫu nước mắm trên đều không phát hiện Asen vô cơ vượt ngưỡng giới hạn tối đa cho phép (theo QCVN 8-2:2011/BYT của Bộ Y tế).

Về bản tin ban đầu "67,3 % mẫu nước mắm có hàm lượng thạch tín vượt ngưỡng", mặc dù Báo Giao thông đăng tải thông tin được đưa ra tại sự kiện được phép tổ chức, do một Hiệp hội có chức năng thực hiện và công bố các khảo sát độc lập thực hiện. Tuy nhiên, nhận thấy đây là thông tin không chuẩn xác gây hoang mang dư luận, có thể gây tổn hại đến các doanh nghiệp sản xuất nước mắm truyền thống, Báo Giao thông điện tử xin được thông tin lại cho bạn đọc rõ và xin cáo lỗi cùng bạn đọc.

Ban biên tập Báo Giao thông rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến từ độc giả để ngày càng nâng cao chất lượng, đáp lại sự tin yêu của bạn đọc, góp phần xây dựng xã hội văn minh và an toàn.

Các bài viết liên quan:

- Mẫu nước mắm vượt ngưỡng thạch tín không gây hại

- Nước mắm nhiễm asen: Thông tin mập mờ, người tiêu dùng hoang mang

- Cục An toàn T: Không có tiêu chuẩn asen hữu cơ cho nước mắm

- Vinastas tự kiểm nghiệm nước mắm rồi công bố là phạm pháp

- Vinastas gỡ công bố kết quả nước mắm không đạt chuẩn

- Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nói về sự cố truyền thông nước mắm

- Fivirmart gỡ lệnh ngừng bán nước mắm truyền thống

- Bộ Y tế chính thức lên tiếng về chất lượng nước mắm

- Công bố kết quả lập lờ nước mắm nhiễm Asen: Vinastas đúng luật?

- Thủ tướng yêu cầu báo cáo ngay vụ nước mắm chứa asen

- Bộ Y tế công bố 100% nước mắm an toàn

- Nước mắm nhiễm asen: ĐBQH yêu cầu điều tra động cơ thông tin

- Lãnh đạo Vusta nói gì vụ nước mắm nhiễm asen

- Đừng thêm vị chát cho mắm

- Vụ nước mắm nhiễm asen: Xem xét đình chỉ Vinastas

Báo điện tử Giao thông

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/cai-chinh-d174682.html