Cải cách môi trường kinh doanh: Trên hanh thông, dưới vướng mắc

(ĐTTCO) - Thúc đẩy quyền tự do kinh doanh; xây dựng một chính phủ kiến tạo, liêm chính, là những tuyên ngôn hành động của Chính phủ trong việc điều hành bằng thượng tôn pháp luật, bằng thể chế, lấy hiệu quả công việc và sự hài lòng của doanh nghiệp, người dân để đánh giá. Thế nhưng, những sự việc, hiện tượng gần đây cho thấy nếu không có sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, tinh thần nêu trên sẽ gặp rất nhiều lực cản để đi vào cuộc sống.

Rào cản biến tướng

Câu chuyện về những bất cập liên quan đến quy định giấy ủy quyền nhập khẩu tại Thông tư 20 (quy định bổ sung thủ tục nhập khẩu xe ô tô chở người loại từ 9 chỗ ngồi trở xuống) tưởng đã kết thúc, thì một lần nữa những tranh luận lại xuất hiện, khi mới đây, Bộ Giao thông-Vận tải (GTVT) đã đưa ra dự thảo thông tư quy định về kiểm tra chất lượng xe cơ giới nhập khẩu. Điều đáng nói, dự thảo văn bản mới này dường như tiếp nối những rào cản Thông tư 20 đưa ra khi quy định hồ sơ đăng ký kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, khi quy định phải có "bản chính giấy chứng nhận chất lượng của nhà sản xuất cấp cho xe cơ giới thực tế nhập khẩu hoặc phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng".

Môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu cứ để xảy ra tình trạng tiền hậu bất nhất của các cơ quan nhà nước. Các nhà đầu tư luôn đặc biệt quan tâm đến vấn đề tính thống nhất của pháp luật và những rủi ro chính sách từ các cơ quan quản lý nhà nước.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI

Theo văn bản góp ý của Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI) ngày 5-9, việc quy định tại dự thảo của Bộ GTVT với 2 loại giấy tờ trên “gây ra khó khăn, thậm chí đến mức không thể” đối với doanh nghiệp nhập khẩu xe thông qua phân phối. Quy định này sẽ có tác động tương tự quy định phải có giấy ủy quyền chính hãng của nhà sản xuất tại Thông tư 20/2011/TT-BCT được dư luận phản ánh thời gian gần đây. Thay vì giấy ủy quyền của nhà sản xuất cho từng doanh nghiệp nhập khẩu xe, nay giấy tờ mới này cũng sẽ do nhà sản xuất cấp cho từng chiếc xe. Thông qua đó, các hãng sản xuất hoàn toàn có thể bắt ép doanh nghiệp và người tiêu dùng phải mua xe từ nhà sản xuất, thay vì mua thông qua nhà phân phối. Đây chính là hành vi hạn chế nhập khẩu song song đã bị cấm theo Luật Sở hữu trí tuệ.

Các rào cản kinh doanh còn xuất hiện ở rất nhiều văn bản khác. Thí dụ, Nghị định 19/2016 về kinh doanh khí (có hiệu lực từ ngày 15-5-2016) quy định thương nhân phân phối khí phải “có các bồn chứa với tổng sức chứa tối thiểu 300m3” và “có số lượng LPG chai các loại - không tính chai LPG mini - đủ điều kiện lưu thông trên thị trường thuộc sở hữu của thương nhân, với tổng dung tích chứa tối thiểu 2.620.000 lít”. Theo ông Hà Thanh Tùng, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Đông Tùng (tỉnh Hà Giang), để đáp ứng điều kiện trên doanh nghiệp phải đầu tư ít nhất 50.000 chai gas (loại khí hóa lỏng LPG) 12kg. Như vậy chỉ riêng tiền vỏ chai đã mất khoảng 25 tỷ đồng. Các loại tiền thuê khoảng 2.500m2 nhà xưởng để chứa số vỏ chai này và thuê người trông nom, bảo quản cũng mất vài chục triệu đồng/tháng. Nghịch lý ở chỗ, số vỏ chai này sẽ không dùng đến mà chỉ mua để đấy cho đủ điều kiện là thương nhân phân phối. Điều này đã làm khó doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp ở vùng sâu, xa và đi ngược tinh thần Nghị quyết 19 của Chính phủ.

Quy định giẫm chân, doanh nghiệp bị khó

Ngoài những quy định làm khó doanh nghiệp nêu trên, thực tế có rất nhiều quy định tại luật này lại đá với luật hay hướng dẫn ở luật khác, khiến việc thực hiện khó khăn, ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh. Theo Luật Đầu tư 2014 chỉ Chính phủ mới có thẩm quyền quy định về điều kiện kinh doanh, nhưng Khoản 2 Điều 19 của Luật An toàn thực phẩm lại quy định “Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn, Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và quy định cụ thể về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý”. Theo ông Nguyễn Tiến Vị, Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát Việt Nam: “Hiện nay, Chính phủ đang thực hiện quyết liệt việc cải cách thủ tục hành chính, giảm thiểu đến mức thấp nhất các thủ tục để tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nhằm đóng góp ngày càng nhiều cho ngân sách nhà nước. Vì vậy, nếu phải quy định các điều kiện, đề nghị cân nhắc sửa đổi lại theo hướng thực hiện hậu kiểm, chỉ quy định điều kiện và doanh nghiệp đáp ứng điều kiện theo quy định, không quy định thêm thủ tục hành chính”.

Việc tháo gỡ các rào cản cho doanh nghiệp là một trong những yếu tố quan trọng nhất trong cải cách môi trường kinh doanh. Chính phủ cần có thái độ kiên quyết với các bộ trong rà soát, xây dựng các quy định về điều kiện kinh doanh.

PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

Trong hội thảo mới đây về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung các luật về đầu tư, kinh doanh, đại diện Công ty Luật Khải Phong cho rằng hiện nay đang có sự mâu thuẫn giữa Luật Đầu tư và Luật Đất đai về việc chấm dứt hoạt động dự án đầu tư. Cụ thể, theo quy định tại Điều 48 Luật Đầu tư “dự án đầu tư bị chấm dứt hoạt động trong trường hợp: sau 12 tháng mà nhà đầu tư không thực hiện, hoặc không có khả năng thực hiện dự án theo tiến độ đăng ký với cơ quan đăng ký đầu tư và không thuộc trường hợp được giãn tiến độ thực hiện dự án”. Dự án chấm dứt đồng nghĩa với việc nhà đầu tư bị thu hồi đất. Tuy nhiên, Điều 64 Luật Đất đai quy định các trường hợp thu hồi đất, trong đó tại Điểm i Khoản 1 Điều 64 quy định trường hợp thu hồi “đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục, hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa phải đưa đất vào sử dụng; trường hợp không đưa đất vào sử dụng, chủ đầu tư được gia hạn sử dụng 24 tháng và phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian chậm tiến độ thực hiện dự án trong thời gian này; hết thời hạn được gia hạn chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng, Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường, trừ trường hợp do bất khả kháng”.

Như vậy, giữa Luật Đầu tư và Luật Đất đai hiện hành đã có sự xung đột trong quy định về việc chấm dứt dự án và thu hồi đất. Điều này đã dẫn đến nhiều dự án, cơ quan nhà nước đã ban hành quyết định chấm dứt hoạt động do vi phạm thời hạn triển khai dự án theo Luật Đầu tư nhưng không thể thu hồi đất vì vướng quy định của Luật Đất đai cho phép nhà đầu tư gia hạn thời gian sử dụng đất thêm 24 tháng.

Luật An toàn thực phẩm quy định quá nhiều cơ quan đưa ra quy chuẩn nên dễ làm khó DN.

Lợi ích nhóm chi phối chính sách?

TS. Lưu Bích Hồ, chuyên gia kinh tế, cho rằng Chính phủ kiến tạo không chỉ có nghĩa “mở tung ra” mà mở có kiểm soát. Mỗi chính sách ra đời cần tìm được sự hợp lý thông qua việc lấy ý kiến người dân, doanh nghiệp vì lợi ích chung. Vai trò của Chính phủ là phải xử lý tốt vì cái chung và hài hòa các nhóm lợi ích. Thực tế cho thấy việc nhận thức, tư duy, quan điểm của các bộ, ngành lúc nào cũng “thanh thoát” và điều đó dẫn đến những nhóm lợi ích khác nhau. Xung quanh câu chuyện về điều kiện kinh doanh, dù chúng ta đã nói đến từ nhiều năm nay, nhưng các điều kiện bất hợp lý vẫn tồn tại. Chủ trương, quyết định ở bên trên nhưng xuống dưới không dễ thực hiện do liên quan đến bộ máy, con người.

Nhìn nhận tổng thể về chủ trương và thực tế trong cải thiện môi trường kinh doanh hiện nay, nhiều chuyên gia cho rằng vẫn còn nhiều bộ, ngành, địa phương phổ biến tư duy quản lý , siết chặt, can thiệp thị trường, tư tưởng làm thay doanh nghiệp. Điều đó làm kìm hãm sự phát triển, vì chỉ tập trung quản lý mà không tính chi phí, lợi ích quản lý có thể tạo ra gánh nặng cho doanh nghiệp. Đơn cử như Thông tư 37 của Bộ Công Thương quy định kiểm tra hàm lượng formaldehyt và amin thơm… trong sản phẩm dệt may. Quy định này đã tạo ra chi phí quản lý quá lớn cho cả cơ quan quản lý và doanh nghiệp với các thủ tục không cần thiết khi hàng trăm mẫu vải xét nghiệm chỉ phát hiện 7 mẫu có vấn đề. Với doanh nghiệp, quy định này tạo thêm gánh nặng chi phí, giảm tính cạnh tranh. Thế nhưng quy định như vậy vẫn tồn tại.

Về câu hỏi có hay không lợi ích nhóm trong các chính sách mà nhiều quy định bất hợp lý vẫn ngang nhiên tồn tại dù công luận, doanh nghiệp, người dân phản đối, người đứng đầu bộ phận pháp chế VCCI cho rằng có nhiều điều để người dân, doanh nghiệp tin rằng có quyền lợi riêng tư trong việc ban hành chính sách. Bằng chứng là nhiều quy định bất hợp lý mà họ không thể lý giải tại sao lại tồn tại, còn cơ quan ban hành cũng không thể giải thích về sự cần thiết phải có quy định đó.

Theo lãnh đạo VCCI những bất cập của các chính sách đã ban hành lẫn dự thảo, VCCI sẽ đóng góp ý kiến với cơ quan quản lý trên cơ sở tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp; kiên trì bảo vệ quan điểm là quy định phải được xây dựng trên nền tảng tốt là phục vụ cộng đồng doanh nghiệp, người dân. Nếu cơ quan quản lý không lắng nghe, tiếp thu hay giải thích hợp lý, VCCI sẽ kiến nghị lên các cấp cao hơn. Các điều khoản trước khi đưa ra phải được người dân, doanh nghiệp, chuyên gia đóng góp ý kiến, giám sát thực hiện và cần phải có cơ quan đóng vai trò trọng tài để xử các khúc mắc.

Nỗi lo “tiền hậu bất nhất”

Quang Minh

VCCI vừa tổ chức buổi tọa đàm về vụ truy thu thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) của Tổng công ty Rượu-Bia-Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) và Tổng công ty Rượu-Bia-Nước giải khát Hà Nội (Habeco) với các cơ quan nhà nước có liên quan, đại biểu Quốc hội và chuyên gia. Đây là một trong rất nhiều lần, chủ đề truy thu thuế TTĐB được mang mổ xẻ để phản ánh một thực trạng “bất nhất” trong thực thi chính sách thuế.

Thực hiện theo hướng dẫn

Theo Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát Việt Nam (VBA), để thực hiện các quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Chính phủ và Bộ Tài chính về thuế TTĐB, các doanh nghiệp, mà trực tiếp là Sabeco, đã có nhiều văn bản gửi các cơ quan thuế xin hướng dẫn về cách xác định giá tính thuế TTĐB và đã được Cục Thuế TPHCM, Tổng cục Thuế hướng dẫn cách xác định giá để tính thuế TTĐB. Từ năm 2007 đến 2015, các doanh nghiệp đã thực hiện theo văn bản hướng dẫn của cơ quan thuế. Tuy nhiên, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) trong các đợt kiểm toán tại các doanh nghiệp năm 2014 và 2015 đã kiến nghị truy thu thuế TTĐB đối với Sabeco và Habeco. Theo đó, KTNN xác định giá tính thuế TTĐB khác với các hướng dẫn của Tổng cục Thuế và Cục Thuế TPHCM. Và Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế và Cục Thuế TPHCM yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện theo kết luận của KTNN.

Theo VBA, từ năm 2009, Sabeco đã có Công văn 916/CV-BSG 3-11-2009 về việc hướng dẫn chính sách thuế TTĐB và Công văn 951/CV-BSG ngày 12-11-2009 về việc trình bày mô hình tổ chức của Sabeco, gửi Cục Thuế TPHCM và Tổng cục Thuế. Công ty TNHH MTV Thương mại Sabeco cũng có Công văn 334/CV-TM.09 ngày 29-10-2009 gửi Cục Thuế TPHCM về thuế TTĐB đối với mặt hàng bia. Trả lời các đề nghị của Sabeco và Công ty TNHH MTV Thương mại Sabeco, ngày 19-11-2009, Cục Thuế TPHCM đã có Công văn 8986/CT-TTHT và Công văn 9005/CT-TTHT về việc thuế TTĐB, trong đó hướng dẫn từ ngày 1-1-2010, giá làm căn cứ tính thuế TTĐB là giá bán chưa có thuế giá trị gia tăng (GTGT) của tổng công ty bán ra, nhưng không thấp hơn 10% so với giá bán bình quân của Công ty TNHH Thương mại Sabeco bán ra.

Cùng với đó, trả lời các kiến nghị của Sabeco, ngày 4-5-2010, Tổng cục Thuế có Công văn 1460/TCT-CS về việc giá tính thuế TTĐB gửi Sabeco. Theo đó công văn hướng dẫn giá tính thuế TTĐB là giá chưa có thuế TTĐB và chưa có thuế GTGT mà tổng công ty quy định Công ty TNHH Thương mại Sabeco khi bán ra, nhưng không được thấp hơn 10% so với giá bán bình quân do cơ sở kinh doanh thương mại bán ra. Các cơ sở sản xuất bia phải kê khai, nộp thuế TTĐB. Trước đó, ngày 23-6-2008, Tổng cục Thuế cũng có Công văn 2411/TCT-CS gửi Sabeco hướng dẫn giá tính thuế TTĐB. Theo đó, giá tính thuế TTĐB là giá giao sản phẩm bia sang công ty thương mại chưa có thuế GTGT, nhưng không được thấp hơn 10% so với giá bình quân do công ty thương mại bán ra.

Việc hồi tố chỉ được thực hiện khi điều luật đó có lợi cho người dân và doanh nghiệp. Nếu các cơ quan cứ cố tình ép thu thuế của doanh nghiệp như vậy, vấn đề còn là sự mất lòng tin của hơn nửa triệu doanh nghiệp.

Luật sư Trương Thanh Đức,

Chủ tịch HĐQT Công ty Luật BASICO

Vẫn bị kiểm toán nói sai

Ngày 4-2-2015, KTNN có Công văn 118/KTNN-TH gửi báo cáo kiểm toán về việc kiểm toán báo cáo tài chính và các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước năm 2013 của Sabeco. Tại báo cáo này, KTNN đã kiến nghị truy thu thuế TTĐB năm 2013 đối với tổng công ty số tiền hơn 408 tỷ đồng. Theo lý giải của KTNN, Sabeco đã xác định chưa đúng giá tính thuế TTĐB phải là giá bán ra của CTCP thương mại khu vực, không phải là giá bán ra tại Công ty TNHH MTV Thương mại Sabeco như tổng công ty đang thực hiện. Ngày 28-1-2016, KTNN cũng gửi báo cáo kiểm toán về việc kiểm toán báo cáo tài chính và các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước năm 2014 của Habeco. Tại báo cáo này, KTNN đã kiến nghị truy thu thuế TTĐB từ năm 2012 đến tháng 9-2015 đối với Habeco số tiền hơn 838 tỷ đồng, trong đó năm 2012 gần 190 tỷ đồng, năm 2013 hơn 224 tỷ đồng, năm 2014 hơn 231 tỷ đồng và 9 tháng năm 2015 là 192 tỷ đồng đồng, cũng với lý do xác định chưa đúng giá tính thuế TTĐB là giá bán ra của công ty bao tiêu sản phẩm, không phải là giá bán ra tại công ty mẹ như tổng công ty này đang thực hiện.

Theo VBA, Sabeco, Habeco đều đã có các văn bản giải trình, kiến nghị về kết luận của KTNN. Ngày 12-10-2015, Bộ Công Thương có Văn bản 10486/BCT-TC gửi Thủ tướng Chính phủ về kiến nghị của KTNN năm 2013 tại Sabeco. Ngày 30-5-2016, Bộ Công Thương có Văn bản 4680/BCT-PC gửi Bộ Tài chính nêu ý kiến đối với đề nghị thu bổ sung thuế TTĐB đối với Habeco. Bộ Công Thương đề nghị xem xét không hồi tố kê khai và nộp bổ sung thuế TTĐB đối với các doanh nghiệp thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB. Theo Bộ Công Thương, Habeco đã thực hiện đúng quy định của pháp luật và hướng dẫn của cơ quan chuyên ngành quản lý nhà nước về thuế. Theo đó, việc điều chỉnh nghĩa vụ thuế theo báo cáo của KTNN sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của cổ đông và gây khó khăn về tài chính cho doanh nghiệp do không xác định được nguồn để nộp thuế. Bộ Công Thương cũng đề nghị, trong thời gian chờ Thủ tướng xem xét và chỉ đạo giải quyết, doanh nghiệp chưa phải nộp bổ sung thuế TTĐB.

Gần đây nhất, ngày 19-8-2016, Công ty Carlsberg Breweries A/S, hiện là cổ đông chiến lược, sở hữu hơn 17% vốn điều lệ của Habeco, đã có văn bản gửi KTNN và Tổng cục Thuế nêu ý kiến và kiến nghị về cách hiểu và áp dụng luật liên quan đến thuế TTĐB đối với sản phẩm Bia Hà Nội. Các doanh nghiệp đều đề nghị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét không tính bổ sung thuế TTĐB như báo cáo của KTNN. Trong khi đó, cơ quan hướng dẫn là Bộ Tài chính cũng có phản hồi với quan điểm khác so với hướng dẫn trước đó. Cụ thể, Bộ Tài chính khẳng định việc yêu cầu kê khai và nộp bổ sung đối với doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB sẽ được thực hiện theo kiến nghị của cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan KTNN có thẩm quyền. Theo ông Nguyễn Sỹ Cương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, việc truy thu thuế hay hồi tố phải áp dụng có lợi cho doanh nghiệp nhưng phải được pháp luật quy định. Chỉ điều khoản luật định mới quy định việc hồi tố.

Hà My

Nguồn SGĐT: http://www.saigondautu.com.vn/pages/20160907/tren-hanh-thong-duoi-vuong-mac.aspx