Cải cách kiểm tra chuyên ngành vẫn còn rất chậm

Mỗi năm doanh nghiệp phải bỏ ra 28,6 triệu ngày công và 14.300 tỉ đồng chi phí phục vụ công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu tại thời điểm thông quan hàng hóa nhưng chỉ phát hiện được 0,1% sai phạm.

Sản xuất bánh kẹo, chocotate từ nguyên liệu nhập khẩu cần 13 thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Ảnh:TL

Kết quả được nêu ra tại buổi kiểm tra chuyên ngành do Tổ công tác của Thủ tướng tiến hành ngày 21-8 tại 11 bộ, ngành cho thấy tình hình cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành của các cơ quan quản lý còn hết sức chậm chạp, theo thông tin từ Báo điện tử Chính phủ. Bằng chứng là Nghị quyết 19 của Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành phải giảm tỷ lệ kiểm tra chuyên ngành tại giai đoạn thông quan hàng hóa xuống mức 15%. Nói khác đi là 100 mặt hàng xuất - nhập khẩu thì cần 15 loại mặt hàng nên/phải kiểm tra chuyên ngành, nhưng tỷ lệ này hiện vẫn ở mức 30-35%.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng thống kê: riêng hàng hóa liên quan đến lĩnh vực an toàn thực phẩm thì tỷ lệ kiểm tra là 19.1%, song tỷ lệ kiểm tra chuyên ngành liên quan đến giấy phép nhập khẩu và yêu cầu tương tự lên đến 41,2%. Tỷ lệ hàng hóa xuất nhập khẩu phải kiểm tra thú y là 14,3%, kiểm tra chất lượng là 25,3%.

Mặt khác, có tới 58% hàng hóa bị kiểm tra chuyên ngành phải thực hiện 2 đến 3 lần thủ tục kiểm tra, gây tăng chi phí cho doanh nghiệp. 56/87 văn bàn kiểm tra chuyên ngành đã buộc phải sửa đổi, bổ sung, 4 văn bản không cần thiết.

Với tư cách là Tổ trưởng Tổ công tác, ông Dũng đánh giá nhiều bộ còn độc quyền trong đánh giá sự phù hợp. Hàng hóa được nhiều nhà sản xuất hàng đầu trên thế giới nhập khẩu vào Việt Nam đã trải qua đánh giá bởi các tổ chức đánh giá quốc tế uy tín nhưng vào Việt Nam vẫn phải tiến hàng kiểm tra chuyên ngành và tiến hành kiểm tra lại theo cách thủ công (ví dụ như quy định dán nhãn năng lượng do Bộ Công Thương ban hành, trong khi các mặt hàng điều hòa, tủ lạnh do các tập đoàn hàng đầu thế giới sản xuất đã có chứng chỉ đảm bảo tiết kiệm điện năng - NV). Có tình trạng bộ chỉ giao cho một cơ quan trên cả nước thực hiện giám định chất lượng hàng nhập khẩu khiến chi phí cho doanh nghiệp đội lên rất lớn do phải vận chuyển hàng hóa từ Bắc vào Nam hoặc ngược lại chỉ nhằm kiểm tra, giám định.

Còn theo Tổng cục Hải quan, thủ tục kiểm tra chuyên ngành chiếm tới 50% thời gian thông quan. Nhiều lô hàng hải quan kiểm tra rồi nhưng không thông quan được do tới  3 tháng sau bộ chuyên ngành mới tới kiểm tra, nay một thủ tục, mai một thủ tục.

Tổ công tác cũng dẫn ra nhiều trường hợp gây khó dễ cho doanh nghiệp trong quá trình kiểm tra. Như mặt hàng chocotate cần 13 loại giấy phép, trong đó 12 giấy phép nguyên liệu và 1 giấy phép công bố thành phẩm. Mặt hàng sữa chua nhập về phải đưa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm dịch; Bộ Y tế kiểm tra an toàn thực phẩm…

Vấn đề là việc kiểm tra  áp dụng hình thức kiểm tra thủ công là chính, chưa áp dụng quản lý rủi ro cũng như yếu về kết nối công nghệ thông tin giữa các cơ quan.

Chính phủ quyết tâm bãi bỏ các giấy phép, thủ tục không cần thiết và sau buổi rà soát hôm 21-8, từng bộ, từng thủ tục lại tiếp tục được kiểm tra lại, kèm theo yêu cầu giải trình cụ thể. Bởi, doanh nghiệp phải trải qua các “rừng” thủ tục giấy tờ, thời gian, tiền bạc, công sức bỏ ra để kiểm tra chuyên ngành nhằm thu được kết quả mà Tổ công tác thống kê phát hiện vi phạm chỉ là… 0,1%.

Lan Nhi

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/163817/cai-cach-kiem-tra-chuyen-nganh-van-con-rat-cham.html