Cái bóng tham nhũng bủa vây cuộc bầu cử tại Brazil

Reuters đưa tin, các đảng phái chính trị có liên quan đến vụ bê bối Petrobras, trong đó bao gồm cả Tổng thống Michel Temer đã phải chịu thất bại lớn trong cuộc bầu cử địa phương diễn ra ngày 2/10 trên khắp Brazil.

Lực lượng thủy quân tuần tra một điểm bỏ phiếu trong cuộc bầu cử tại Sao Luis, Brazil, ngày 2/10/2016. Ảnh: Reuters

Đảng cầm quyền thất thế

Đảng Lao động (PT) của cựu Tổng thống Dilma Rousseff, người đã bị buộc tội hồi tháng 8 vừa qua, bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi thất bại tại thành phố lớn nhất đất nước - Sao Paulo trước đối thủ là Đảng Xã hội Dân chủ Brazil (PSDB).

Với chiến thắng này, doanh nhân triệu phú Joao Doria chính thức lên làm Thị trưởng Sao Paulo. Đây là chiến thắng đầu tiên của PSDB trong cuộc chạy đua chức thị trưởng tại thành phố lớn này kể từ khi được giới thiệu vào năm 1992.

Chiến thắng của ông Joao Doria ở Sao Paulo được nhận định sẽ thúc đẩy những nỗ lực của Thống đốc bang Sao Paulo Geraldo Alckmin trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2018. Đảng PSDB cũng đã dẫn đầu ở Belo Horizonte - thành phố lớn thứ 3 Brazil.

Chung cảnh ngộ với PT, Đảng Phong trào dân chủ (PMDB) của Tổng thống Temer cũng bị thất thế sau một thời gian dài cầm quyền tại thành phố Rio de Janeiro, nơi vừa diễn ra một Thế vận hội rất thành công.

Cử tri không còn dành phiếu bầu cho Đảng PT cầm quyền trong suốt 13 năm vì đã để xảy ra vụ bê bối tham nhũng chính trị lớn nhất Brazil cũng như khiến nền kinh tế vốn được đánh giá là dẫn đầu Mỹ La tinh rơi vào suy thoái tồi tệ nhất kể từ những năm 1930.

Đảng PT càng cho thấy sự thất thế, khi ứng cử viên của PT tại Sao Bernardo do Campo (đô thị thuộc bang Sao Paulo) - quê hương của nhà sáng lập Đảng PT Luiz Inacio Lula da Silva, đã không tiếp tục vào vòng 2, mặc cho sự tranh cử mạnh mẽ của cựu Tổng thống.

Ông Lula rời nhiệm sở từ năm 2011 với nhiều dấu ấn chính trị tốt đẹp, nhưng hiện đang phải đứng trước tòa vì cáo buộc tham ô, rửa tiền trong vụ bê bối tại Tập đoàn Dầu khí quốc gia Petrobras.

Cử tri bất mãn, thờ ơ

Đây là cuộc bầu cử đầu tiên tại Brazil sau khi nước này ban hành lệnh cấm các tập đoàn đóng góp tài chính cho các chiến dịch tranh cử - một động thái nhằm làm trong sạch chính trường Brazil sau bê bối tại Petrobras.

Đây cũng được cho là một bài “trắc nghiệm” cho các đảng phái chính trị của Brazil trước cuộc đua vào vị trí Tổng thống diễn ra năm 2018.

Tuy nhiên, các chính trị gia nên tin tưởng đến đâu vào kết quả “trắc nghiệm” này, khi chủ nhân của các lá phiếu ngoài sự bất mãn vì tình hình tham nhũng, suy thoái trong nước, còn tỏ ra thờ ơ với việc bỏ phiếu.

Hơn 144 triệu cử tri Brazil được mời đến phòng phiếu bầu ra thị trưởng và hội đồng thành phố cho tất cả 5.568 thành phố. Tính riêng tại Sao Paulo, gần 40% số cử tri đã bỏ phiếu trắng hoặc vắng mặt tại nơi bầu cử - dù đi bầu là bắt buộc về mặt pháp luật ở Brazil.

Và, mặc dù thất bại lớn tại Rio de Janeiro, thành phố lớn thứ hai của Brazil, nhưng PMDB vẫn tiếp tục dẫn đầu về số lượng thị trưởng trên khắp các thị trấn nhỏ và vừa, với chiến thắng ở ít nhất 1.000 điểm.

Không khí bầu cử căng thẳng

Tổng thống Michel Temer là một trong những người bỏ phiếu sớm nhất tại điểm bỏ phiếu Sao Paulo. Ông đã có mặt từ 8 giờ sáng (theo giờ địa phương) - khi cuộc bầu cử bắt đầu, trong khi trước đó, ông nói rằng sẽ đi bỏ phiếu lúc 11 sáng. Điều này làm dấy lên nghi ngờ ông Temer làm vậy là để tránh những người biểu tình.

Cựu Tổng thống Dilma Rousseff cũng đi bầu cử ở Porto Alegre, thủ phủ của bang miền Nam Rio Grande do Sul, trong một bầu không khí căng thẳng.

Cuộc bầu cử được tiến hành trong bối cảnh an ninh thắt chặt. Bộ Quốc phòng Brazil đã huy động 25.000 binh sỹ tới đảm bảo an ninh tại 420 thành phố. Cảnh sát cũng đã được triển khai tới các điểm bỏ phiếu để đảm bảo người dân được thực hiện nghĩa vụ và quyền lợi của mình.

Trong ngày 1/10, tại thành phố Sao Luiz, bang Maranhao, có 5 điểm bỏ phiếu và 2 xe buýt bị đốt cháy.

Tính từ ngày 29/9, số vụ bạo lực ghi nhận tại đây đã lên tới 24 vụ, với tổng số 17 xe buýt bị đốt.

60 ứng cử viên bị bắt vì gian lận

Theo Tòa án Bầu cử Tối cao Brazil (TSE), 60 ứng cử viên đã bị bắt vì gian lận bầu cử sáng ngày 2/10. Trong đó, 39 ứng cử viên bị bắt vì tiến hành các cuộc thăm dò khi cử tri rời khỏi phòng bỏ phiếu, 11 người bị bắt vì phân phát tài liệu tuyên truyền, 4 người bị bắt vì tham nhũng, 2 người chuyên chở cử tri bất hợp pháp và 4 người vì các lý do chưa xác định.

Bên cạnh đó, tổng cộng có 815 hành vi bất hợp pháp của cử tri cũng được phát hiện, dẫn tới 337 vụ bắt giữ. Gần 1.675 phòng phiếu đã phải thay thế trong những giờ đầu tiên của cuộc bầu cử.

Hoài Phương

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/quoc-te/tin-tuc/cai-bong-tham-nhung-bua-vay-cuoc-bau-cu-tai-brazil_t114c52n110066